Không chạy theo thành tích
Trong phần phát biểu của đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM) tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 27/10, ông đã đề cập tới cơn sóng lạm phát trên toàn thế giới. “Lạm phát tăng cao khiến các nước phải uống liều thuốc đắng khi phải tăng lãi suất điều hành”, ông ví von.
Với tình hình trong nước, ông Ngân chỉ ra nhiều thách thức, như cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; sản xuất kinh doanh còn khó khăn về vốn, tỉ giá, lao động, thuế, phí.
Từ việc triển khai Nghị quyết 43 về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vị đại biểu lo ngại khi cả gói tổng 40.000 tỷ đồng nhưng mới triển khai hỗ trợ được 13.000 tỷ đồng, trong khi đó, chính sách miễn, giảm thuế mới đạt được 72% so với kế hoạch.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị chuyển nguồn từ chính sách hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang cho chính sách miễn, giảm thuế và kéo dài thời gian miễn, giảm thuế.
Về thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Ngân nêu rõ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay tuy vẫn tăng nhưng gặp khó khăn trong chuyển giao công nghệ, liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước.
"Vì vậy, trong thời gian tới cần thận trọng hơn trong thu hút FDI, không vì tăng trưởng, không vì thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt vì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh năng lượng và môi trường", ông Ngân nói.
Ông cho rằng, giải pháp là ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, liên kết tốt với kinh tế trong nước. Cần sớm ban hành Luật Công nghệ hỗ trợ để tăng thêm tỉ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm sản xuất từ các dự án FDI cũng như là các mặt hàng xuất khẩu.
Nhắc đến việc thị trường xăng dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng, đại biểu cho rằng cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không tái diễn trong thời gian tới. Đại biểu đồng thời kiến nghị xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.
Khi giá cả xăng dầu có thể diễn biến phức tạp, theo ông Ngân, Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết các loại thuế, phí… để kiểm soát lạm phát nhanh nhạy nhất.
Đăng ký phát biểu, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng, năm trước khi thảo luận quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2022, mặc dù có nhiều có niềm tin nhưng cũng không ít lo lắng, ưu tư và quả thật cho đến thời điểm này, chỉ còn hai tháng nữa sẽ kết thúc năm 2022.
“Chúng ta đang đối mặt với những thách thức, khó khăn vô cùng to lớn, khó lường nhưng kết quả 9 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2022 Việt Nam đạt được là những thành tựu rất quan trọng. Chúng ta đã kiểm soát rất tốt dịch Covid-19, đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao”, ông nói.
Về hạn chế, bất cập, đại biểu nêu ra nhiều vấn đề, đặc biệt có một số điểm có tính chất ngược, cần phân tích làm rõ hơn.
Thứ nhất, cần làm rõ vì sao khi Việt Nam GDP tăng, thế giới lại giảm, khi của thế giới tăng thì Việt Nam lại thấp. Năm 2020, GDP Việt Nam đạt 2,91% thì thế giới âm 3,1%. Năm 2021, thế giới tăng 5,9 % thì Việt Nam lại giảm còn 2,58%. Năm 2022, Việt Nam tăng 8,0 %, thế giới giảm 3,2 %.
“Việt Nam có nền kinh tế rất mở nhưng ta lại đang ngược độ tăng trưởng GDP với thế giới. Nếu chúng ta xác định đi một mình, đi nhanh thì cũng cần phân tích, rút ra kinh nghiệm để chỉ đạo điều hành, bảo đảm tăng trưởng cao nhưng bền vững”, đại biểu nhấn mạnh.
Kinh tế phục hồi mà DN vẫn khó khăn
Bày tỏ băn khoăn vì sao kinh tế phục hồi trong cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, bên cạnh các giải pháp mà doanh nghiệp cần phải tập trung đó là xác định cơ cấu vốn tối ưu, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, huy động vốn qua thị trường chứng khoán và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp
Nữ đại biểu kiến nghị Chính phủ rà soát và xây dựng lại các giải pháp nhằm tác động mạnh mẽ hơn để giúp các doanh nghiệp đủ sức vực dậy trong sản xuất kinh doanh, thể hiện quan điểm, cơ chế rõ ràng, thiết thực đối với những chính sách đã ban hành nhưng thời gian qua triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Cùng đó, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách: tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế và gia hạn thuế, phí, lệ phí; các chính sách cơ cấu lại nợ, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp…
Cho ý kiến về đánh giá chất lượng tăng trưởng còn nhiều thách thức, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu, tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, tập trung vào 2 khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.
Xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; tính toán thận trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế, phục hồi và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.