Trao đổi với Người đưa tin, cán bộ một ngân hàng thương mại lớn cho biết, khi giảm lãi suất nhiều ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng đến kết quả tài chính. Bản thân các ngân hàng cũng bị ép chỉ tiêu do vậy thực tế họ chưa muốn giảm. Chuyện một số ngân hàng nhỏ trì hoãn, kéo dài thời gian là hoàn toàn có thực. Thực tế, chỉ thị của thống đốc NHNN vẫn mang tính chất khuyến khích nhiều hơn. do đó nhiều ngân hàng chỉ hứa sẽ giảm nhưng lại đưa ra những tiêu chí, điều kiện khá ngặt nghèo như phân loại ra khoảng 4-5 loại doanh nghiệp. Do đó, vốn đã khó vay nay lại càng khó hơn.
Nếu không có chế tài mạnh thì các ngân hàng khó nới lỏng chính sách vay vốn
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc NHNN Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, nếu thiếu các mức xử phạt, hình thức xử phạt, việc áp trần lãi suất nợ cũ 15%/năm sẽ khó thực hiện triệt để. “Đã là biện pháp hành chính thì mọi cái phải có mức xử phạt cũng hành chính và phải đủ mạnh. Nếu không có chế tài cụ thể thì các NH chỉ công bố chiếu lệ, thực hiện lác đác và có khi chỉ công bố cho vui, vì... không làm thì cũng có ai phạt mình đâu?”, ông Kiêm nói.
Đồng quan điểm, ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, không ai ép các ngân hàng giảm lãi suất nợ cũ, NHNN cũng không có quyền can thiệp vào việc kinh doanh của các NH và DN. “Tất cả là sự tự nguyện, vận động, kêu gọi. Không ai cấm DN quảng bá cho bản thân mình, kể cả NH. Nhưng một khi đã hứa, đã tuyên bố thì nên nói thật, làm thật. Còn làm không đúng, làm cho có là điều rất đáng phê phán”, ông Thành nói.
Chia sẻ với Người đưa tin, TS Nguyễn Trọng Tài, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) phân tích, không giống như một số nước khác, ở nước ta ngân hàng chủ yếu là kinh doanh vốn. Nếu phía ngân hàng ém vốn thì đồng nghĩa với việc co hẹp về kinh doanh. Còn nếu các ngân hàng tiếp tục cho các doanh nghiệp có nguy cơ đổ vỡ vay thì đến một ngày nào đó các ngân hàng sẽ “cùng chết”. Thực tế các ngân hàng hiện nay thận trọng trong việc cho vay vốn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là hiện tại và mấy tháng tiếp theo sẽ có rất nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Trong khi đó mấu chốt vấn đề là doanh nghiệp cần vốn mà không tiếp cận được vốn. Nhiều người sai lầm nghĩ rằng các ngân hàng thương mại nên thả cửa để cứu các doanh nghiệp qua giai đoạn này. Nghĩ như vậy rất nguy hiểm bởi thực chất hệ thống các doanh nghiệp “đòn bẩy vốn” và “đòn bẩy nợ” quá cao.
TS Tài kiến nghị, Chính phủ nên sử dụng đồng bộ tất cả các giải pháp, như việc công khai những doanh nghiệp nào phát triển lâu dài từ đó mà có những giải pháp cứu kịp thời. Hơn nữa cần phải phân hạng và đánh giá doanh nghiệp thật rõ ràng, doanh nghiệp nào có nguy cơ đổ vỡ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, doanh nghiệp nào là đầu tầu có thể vực dậy nền kinh tế. Khi các ngân hàng đã nắm rõ được năng lực các doanh nghiệp trong tay thì có thể rót vốn cho các doanh nghiệp đó với những ưu đãi nhất định của Chính phủ. Không thể đưa ra khẩu hiệu lãi suất dưới 15% để buộc các ngân hàng phải theo, khi đưa ra con số này căn cứ vào đâu và tại sao lại chỉ là 15% mà không phải thấp hơn nữa. Cần phải có những đánh giá cụ thể giảm lãi suất xuống bao nhiêu phần trăm là hợp lý để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn.
Thiên Văn