Ngoài Tp.Hà Nội, Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây còn chỉ có những sai phạm liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang đất xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2019 của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá ở Tp.HCM và Bình Dương.
Xem thêm: Những dự án "đất vàng" sai phạm được TTCP điểm mặt tại Hà Nội
Tại Tp.HCM, dự án đáng chú ý được nhắc tên là khu đất gần 7.000 m2 tại số 5 đường 22 (khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức – nay là Tp.Thủ Đức).
Kết luận nên, trong giai đoạn từ năm 1977 đến khi Chủ tịch UBND Tp.HCM cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Công ty Vật tư và Thiết bị Toàn Bộ được giao quản lý, sử dụng khu đất, thuộc đối tượng được Nhà nước cho thuê đất để sản xuất kinh doanh.
Thế nhưng, các sở, ngành chức năng có liên quan và Công ty đã không lập hồ sơ trình UBND Tp.HCM quyết định cho thuê đất, ký hợp đồng thuê đất là không thực hiện đúng theo Chỉ thị số 245/TTg. Do đó, không có hồ sơ sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND Tp.HCM ban hành Văn bản số 6546 chấp thuận cho Công ty chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở để xây dựng Dự án Khu nhà ở thấp tầng liên kế có sân vườn khi không đủ điều kiện, không đúng đối tượng, là vi phạm Luật Đất đai 2003.
Bên cạnh đó, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) quận Thủ Đức chưa được UBND Tp.HCM phê duyệt. Do đó việc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài chính tham mưu Chủ tịch UBND TP cho phép Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị Toàn Bộ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất công nghiệp sang đất ở là chưa đủ căn cứ theo Luật Đất đai 2003.
Chưa kể, Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị Toàn Bộ ký hợp đồng chuyển nhượng dự án với Công ty TNHH Phát triển nhà Thế Giới và được Văn phòng đăng ký đất đai chứng nhận thay đổi nhà đầu tư trên Giấy thành Công ty TNHH Phát triển nhà Thế Giới trước khi được UBND Tp.HCM chấp thuận cho chuyển nhượng là không đúng Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Công ty TNHH Phát triển nhà Thế Giới (nhận chuyển nhượng dự án) đã khởi công xây dựng dự án (ngày 25/9/2017) khi chưa có Thiết kế Bản vẽ thi công, chưa được UBND Tp.HCM chấp thuận đầu tư Dự án là vi phạm Luật Xây dựng năm 2014.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương khu đất tại số 8 Lý Thường Kiệt, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An (nay là thành phố Dĩ An) có diện tích lên tới hơn 96.000 m2 cũng được chỉ ra nhiều bất cập.
Trong đó có việc thu hồi đất, giao đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương thu hồi 95.000 m2 đất cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An và gần 300m2 của 3 hộ dân, giao cho Công ty TNHH Phát triển nhà Xe lửa Dĩ An.
Mục đích gia đất để thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt Dĩ An. Tuy nhiên, lại không thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Khi xác định tiền sử dụng đất, các sở ngành, cơ quan có liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt đơn giá đất tính theo thời gian thực hiện dự án 5 năm theo đề nghị của chủ đầu tư là không đúng với thời gian thực hiện dự án tại Văn bản số 279 của UBND tỉnh Bình Dương.
Điều này dẫn đến giảm tiền sử dụng đất hơn 14 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế, Phòng Tài chính- Kế hoạch thị xã Dĩ An, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Dĩ An, UBND phường Dĩ An, đơn vị tư vấn SIVC, Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An và UBND tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 806 cho phép Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng là không đúng đối tượng, vi phạm quy của Luật Quản lý thuế.
Cùng với việc kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND Tp.Hà Nội, Tp.HCM và Bình Dương các thời kỳ có liên quan nêu tại kết luận, TTCP cũng chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật.