Những cái chết bất thường
Người dân thôn Phụng Nghiêm vẫn thường gọi mảnh đất nơi họ đang sống là xóm mồ côi hay xóm góa chồng vì số đàn ông là trụ cột trong gia đình chết ngày một nhiều. ông Nguyễn Văn Hách – trưởng thôn – cho biết cả thôn có hơn 700 nhân khẩu với 180 hộ gia đình nhưng trong hơn 10 năm qua có đến hơn 20 hộ gia đình sống trong cảnh mẹ góa con côi.
Theo người dân địa phương, việc chết choc trong làng này thường đan xen và nối tiếp nhau theo kiểu cái răng lược, cứ cách một nhà lại có một người chết, mà chỉ đàn ông. “Ông Thược vừa chết được một thời gian thì nhà bà Hảo cách đó một căn lại vừa mất chồng” – ông Bình người dân thôn Phụng Nghiêm cho biết. Số người chết trong thôn ngày càng trẻ. Người dân địa phương vẫn nhớ như in cái chết của anh Nguyễn Văn Rinh cách đây gần 2 năm.
Như thường lệ, cứ khoảng 19h anh Rinh bắt đầu chèo thuyền ra con kênh nhỏ nằm bên đường làng để đánh cá, vào một đêm giữa tháng 8/2012 (âm lịch) đến hơn 1 giờ sáng mà vẫn không thấy anh Rinh về, người nhà bền chạy đi tìm. Khi đến đoạn kênh nơi anh Rinh hay đánh cá thì thấy thuyền bị lật, nghi có chuyện chẳng lành người dân địa phương kéo nhau ra rọi đèn tìm kiếm thì thấy thi thể anh Rinh đã chết cứng do đuối nước.
“Ở cái làng này, nó được xem như rái cá, sát cá ghê lắm, bơi lội cũng giỏi mà không hiểu sao đoạn kênh nước sâu chưa tới 1 mét mà lại rơi xuống đó chết. Chắc là do ma kéo xuống nhận nước” – bà Sáu – một người cao niên trong làng suy đoán.
Hình minh họa.
Khoảng 1 năm sau đó, người dân địa phương lại bàng hoàng hơn khi ông Nguyễn Văn Quân cách nhà anh Rinh đúng 1 nhà là nạn nhân tiếp theo. Vợ ông Quân kể lại, đêm 30/3 âm lịch, khác với mọi hôm ở nhà cung con cháu xem ti vi, tối đó, ông Quân lại ra bờ kênh ngay trước cửa nhà ngồi hút thuốc. “Đến 23 giờ đêm không thấy ông ấy vào ngủ, tội chạy ra gọi thì không thấy đâu, sang hàng xóm không thấy, gọi điện thì điện thoại bị tắt nguồn.
Đến khi mọi người chia nhau đi tìm thấy ông ấy đã chết cứng đơ dưới kênh” – vợ ông Quân rơi nước mắt nói. Bà Hiền, một người dân thôn Phụng Nghiêm nhớ lại: “Ông ấy chết kỳ lạ lắm. Đoạn kênh này sâu chưa đầy 1 mét, nước chảy nhẹ, khi vớt được lên bờ, người làng nhận định ông ấy chết không phải do đuối nước vì trong bụng không hề có nước”.
Câu chuyện càng trở nên kỳ bí hơn khi điểm ông Quân chết cách điểm anh Rinh chết trước đó chưa đầy 30 mét. Bà Hiền nghi ngờ: “Khúc sông nước nông thế mà 2 người đàn ông chết rồi đấy, không hiểu sao lạ kỳ đến vậy”. Câu chuyện kỳ bí này càng được đẩy lên và lan rộng hơn khi đến giờ nhập quan, thầy cúng không thể gọi được hồn anh Quân về?. “Ông ấy (thầy cúng – PV) gọi hồn đến cả chục lần cũng không thấy tín hiệu gì, nhiều lúc xin quẻ còn lạc đĩa bất thành. Đến lúc người em trai ông Quân ở trên Yên Bái về than khóc tỉ tê thì hồn ông áy mới lên nhập vào người con gái. Tôi chứng kiến rõ chuyện này nên đến giờ vẫn thấy run rợ” – bà Hiền nói và tin tưởng lắm vào chuyện thầy pháp này.
Theo lời bà Hiền, khi nhập hồn vào người con gái, người thân trong gia đình hỏi: “Sao tự dưng bố lại xuống đó chết vậy?” … Hỏi xong thì người con gái của ông Quân nói lớn: “Không phải muốn chết mà bị người ta kéo xuống, nhấn xuống bùn cho chết, đến giờ người còn lấm bùn đất này. Bẩn mà ngột ngạt lắm”. Đến giờ câu chuyện hoang đường đó được bà Hiền khẳng định lại: “Tôi và cả trăm người dân làng này được chứng kiến từ đầu đến cuối, có sao thì tôi kể vậy, lúc đấy con gái ông ấy như người lên đồng, chân tay cứng đơ đơ, mắt trợn trái ra. Chứng kiến tận mắt ai cũng sợ nổi da gà”.
Sau cái chết của ông Quân, người dân địa phương càng tỏ ra lo lắng nhiều hơn khi quy luật chết xen kẽ trong làng thêm một lần nữa tiếp diễn: “Cứ người này chết xong lại kéo thêm người khác chết cùng để siêu thoát vong hồn, kiểu này thì cái thôn này chả mấy chốc mà chết hết …” – bà Hào, một người dân địa phương tỏ ra bất an. Nói rồi bà Hào ngồi liệt kê hàng loạt danh sách, đầu tiên là ông Tích, ông Tước, ông Thược … rồi ông Quân. Người phụ nữ này hoang mang: “Mỗi mấy năm mà hơn 20 người đàn ông chết trẻ, chết xen kẽ nhau, lo lắm nên không làm ăn gì được vì ai cũng ngồi lo đến lượt mình chết”.
Giải mã chuyện hoang đường ma nữ bắt đàn ông
Trước việc đàn ông trong làng chết ngày một nhiều và tuân theo một quy luật, không ít người đã thêu dệt nên những câu chuyện nhuốm màu liêu trai, họ cho rằng mảnh đất họ đang sinh sống có ma nên bị ma quỷ phá hoại. Kể về lịch sử hình thành nhiều cao niên trong làng chia sẻ, trước đây thôn Phụng Nghiêm là biển, sau này trong nhiều quá trình bối lắp nên người dân kéo nhau ra dựng nhà lập thôn để sinh sống.
Theo ông Trần Văn Bảo (71 tuổi) một cao niên trong làng, từ khi còn bé ông có nghe cha ông kể chuyện ma quỷ quấy phá ở thôn. Theo đó, khoảng hơn 300 năm trước có một đoàn tàu của nước ngoài khi đi qua thôn Phụng Nghiêm bây giờ thì bị chìm, do cách bờ quá xa nên số người trên tàu bị chết hết. Từ đó mới rộ tin đồn ma quái.
Bà Bùi Thị Vân – một người được người làng cử đi xem bói kể lại: “Tôi đi xem thầy, thầy bảo ở làng đang có con ma nữ đã hóa thành tinh đang ngày đêm quấy rối làng và chuyên bắt đàn ông. Thầy còn phán ma nữ đang ngày đêm chặn ở con đường làng và đợi đàn ông đi qua, có cơ hội sẽ bắt”.
Theo nhiều người cao niên trong thôn Phụng Nghiêm kể, trước đây bên con đường dẫn vào thôn có một ngôi mộ, không ai biết được ngôi mộ này có tự bao giờ. Sau này, do nhiều lần mưa lũ, một phần ngôi mộ nằm sát bên bờ kênh nên bị nước cuốn trôi. Người dân suy đoán rằng ngôi mộ bị cuốn trôi đó là của con ma nữ đang quấy rối dân làng và bắt đàn ông!?. Từ đây người làng càng trở nên hoang mang hơn. Vào ban đêm trên con đường vào làng không một bóng người, ban ngày người dân cũng hạn chế đi lại, nhiều người dân đã cùng nhau góp tiền để thuê thầy về làm lễ cúng ma nữ và giải hạn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Hỹ - bí thư thôn – cho biết, người dân nơi đây có bàn tán xôn xao về ma nữ thành tinh, chuyện đàn ông trong làng thời gian qua bị chết bất đắc kỳ tử cũng có. Lý giải về những cái chết này, ông Hỹ khẳng định không hề có chuyện ma nữ bắt người như nhiều người đồn đoán mà là do bệnh tật.
Để minh chứng cho lời mình nói ông Hỹ lý giải: “Là người cùng thôn nên tôi nắm rất rõ. Anh Rinh bị bệnh động kinh từ nhiều năm nay, ban đêm đi đánh cá một mình bị động kinh nên ngã xuống sông, lúc đấy là ban đêm ít người qua lại khúc sông nay nên không ai biết để cứu. Riêng anh Quân thì anh ấy bị bệnh não, rất có thể đêm hôm ấy ra bờ sông hút thuốc bị choáng đầu nên anh ấy ngã xuống sông. Còn ông Tưởng, ông Thước, ông Tịnh bị chết do bệnh tật lâu ngày”.
Trao đổi với phóng viên, ông Đổng Văn Nghiêm – chủ tịch UBND xã Trực Khang – cho biết: “Những người chết chủ yếu do bệnh tật hoặc già yếu. Một phần do điều kiện sống có phần bị ô nhiễm nguồn nước, bên cạnh đó nhiều người đàn ông lại thích nhậu nhẹt, rượu bia nên có bệnh trong người. Những chuyện lieu trai về ma quỷ chỉ là đồn thổi, là hoang đường không có căn cứ”, ông Nghiêm khẳng định. Vấn đề còn lại là giải thích, tuyên truyền để người dân xóa đi những câu chuyện hoang đường, tập trung sản xuất, xây dựng cuộc sống lành mạnh, văn minh.
Theo Dòng đời