Một trong số ngôi đền thờ ông Hoàng Mười là Mỏ Hạc Linh Từ ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Mỏ Hạc là ngôi đền nổi tiếng ở Nghệ An thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười. Đền được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê trên diện tích hơn 1ha ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh huyện Hưng Nguyên.
Trải qua nhiều lần tu bổ, xây dựng đến nay, đền có 3 toà chính: Thượng điện, Trung điện, Hạ điện; ngoài ra có miếu cô, miếu cậu, lăng mộ ông Hoàng Mười. Hàng năm vào ngày 10 tháng 10 âm lịch là ngày giỗ của ông Hoàng Mười.
Theo truyền thuyết, ông Hoàng Mười là hoàng tử thứ mười của Đức vua cha Bát Hải Long Vương. Ngài vốn là thiên quan trên Đế Đình, được vua cha giao xuống trần gian trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự trong phủ Nghệ An để giúp dân, phù đời, giúp vua Lê Lợi đánh thắng giặc Minh xâm lược, xây dựng đất nước.
Ông là người luôn chăm lo đời sống cho nhân dân, và được nhân dân suy tôn là Đức thánh Minh Hoàng Mười. Các triều đại nhà vua đã phong cho Đức thánh Minh Hoàng Mười 21 đạo sắc, hiện nay đang được lưu giữ tại đền thờ ông.
Ngày nay, cứ mỗi dịp đến mùa lễ hội, khu di tích đền thờ ông Hoàng Mười thường đón hàng nghìn du khách ở các thập phương về làm lễ.
Mọi người không chỉ đến để cầu nguyện xin được Đức thánh Hoàng Mười phù hộ, che chở cho gia đình ấm no, hạnh phúc; mà mỗi lần đến đây du khách còn có dịp khám phá nét tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Năm 2024, lễ hội được diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 9-10/11 (tức ngày 9-10/10 âm lịch). Tuy nhiên, đến nay thời gian còn hơn hai tuần nữa mới đến lễ hội, nhưng lượng du khách từ các thập phương về đền dâng hương, làm lễ ngày một đông.
Hàng ngày, tại đền đã đón tiếp hàng trăm lượt khách, nhất là vào các ngày cuối tuần, ngày mồng một, ngày rằm. Do họ ở xa, nên tranh thủ thời gian, sắp xếp công việc mang hương hoa, lễ vật cùng với tâm đức về đây để dâng lên trước Đức thánh Hoàng Mười cầu bình an, cầu danh, tài lộc.
Chị Đàm Thị Ánh Sao, trú tại huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: "Hàng năm tôi vào đền ông Hoàng Mười làm lễ từ 1 đến 2 lần, thường đi cùng đoàn vào dịp đầu năm và cuối năm, lần này chúng tôi vào sớm hơn là dịp chuẩn bị cho lễ hội.
Vào đây thì tôi thường hay đi lễ, còn không thì làm lễ hầu cha, hầu mẹ, cầu bình an, hạnh phúc, bởi đền ông Hoàng Mười là nơi rất linh thiêng mà được nhiều người biết đến".
Năm nay, lễ hội được tổ chức bao gồm phần hội và phần lễ. Về phần hội, tổ chức các chương trình văn hoá văn nghệ, cắm trại, thi đấu bóng chuyền, kéo co, thả đèn hoa đăng và đua thuyền trên Sông Mộc.
Về phần truyền thống gồm lễ rước, lễ yết cáo, lễ đại tế và lễ tạ; cụ thể tổ chức rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn; mộ Thái bảo Phúc Quận Công; mộ Nguyễn Duy Lạc; mộ ông Hoàng Mười về đền làm lễ tế. Đến ngày 10 tiến hành làm lễ đại tế ông Hoàng Mười tại toà hạ điện, trung điện và thượng điện.
Đây là dịp để mọi người phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, tưởng nhớ tới công đức của các vị thần được thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Song Đồng Ngọc Nữ, Tam Toà Thánh Mẫu, Trần Triều Hiển Thánh, Ngũ Vị Vương Quan, Tứ Vị Chầu Bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, Thập Nhị Tiên Cô, Thập Nhị Thánh Cậu, Bản Cảnh Thành Hoàng…
Qua đó, nhằm giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn cho mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời quảng bá hình ảnh lễ hội, đưa giá trị văn hoá di tích đến với du khách thập phương.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Ban thường trực, BQL đền ông Hoàng Mười cho biết "Lễ hội năm nay có thêm 3 điểm rước sắc, đó là rước từ nhà thờ họ Nguyễn, mộ Thái Bảo Phúc Quận Công, mộ Nguyễn Duy Lạc, và đây cũng là điểm khác so với lễ hội các năm trước.
Và trong năm 2023, đền ông Hoàng Mười đã đón hơn 2.300 lượt khách, còn từ đầu năm 2024 đến nay đền ông Hoàng Mười đón khoảng 1.700 du khách về làm lễ, tham quan tại đây".
Lễ hội sắp diễn ra, để chào đón quý đại biểu, du khách ở các thập phương về đền ông Hoàng Mười dâng hương, dâng hoa, làm lễ cầu bình an, cầu danh, tài lộc được chu đáo, thân thiện và an toàn, hiện UBND huyện Hưng Nguyên đã triển khai thực hiện kế hoạch, thống nhất các phương án tổ chức về phần lễ và phần hội, đảm bảo trang nghiêm, đúng nghi thức truyền thống.
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo, đơn vị phụ trách; đảm bảo tốt các hoạt động văn hoá, thể thao, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, khử trùng khu vực không gian lễ hội.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng an toàn giao thông, phòng cháy chửa cháy, để đảm bảo cho du khách về đền ông Hoàng Mười những ngày trước, trong và sau lễ hội.
Nguyễn Oanh