Mới đây phóng viên Báo Quảng Ninh đã đến Khu du lịch Bãi Cháy để tìm hiểu thực tế. Và qua tiếp xúc với các du khách thì thấy nhiều người trong số họ đã bị ép giá, chịu nhiều dịch vụ với giá “cao ngất ngưởng”, nhất là tại khu vực bãi tắm.
Có không ít trường hợp du khách đã phải trả từ 60.000-80.000 đồng cho một quả dừa (thông thường giá chỉ khoảng 20.000 đồng), 200.000 đồng cho một con mực cỡ vừa (loại chục con một kg) trong khi giá ngoài thị trường chỉ khoảng 600.000 đồng/kg. Thậm chí, một số du khách đã phải trả từ 40.000-50.000 đồng cho một cốc trà đá, cao gấp 10 lần so với giá thông thường...
Tìm hiểu cụ thể, chúng tôi thấy có nhiều quầy dịch vụ ở khu bãi tắm Hoàng Gia không công khai các bảng niêm yết giá các loại dịch vụ, đồ uống. Và đây chính là “cái bẫy” khiến cho du khách nào có tính chủ quan, cứ mua hàng mà không hỏi giá trước sẽ bị “sập”...
Chị Nguyễn Anh Thư (đường Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long) không khỏi giật mình, nhưng vẫn phải ngậm ngùi thanh toán 70.000 đồng cho một lon nước tăng lực Redbull. Chị cho biết, do chủ quan không hỏi trước nên bị ép giá... Chị Thư nói thêm: Dù biết giá cả ở khu du lịch có thể cao hơn nơi khác, nhưng cao đến mức như vậy thì thật quá đáng, chẳng khác gì “chém khách”.
Nhiều điểm trông giữ xe ở khu du lịch Bãi Cháy niêm yết, thu giá vé sai quy định. (ảnh chụp tại điểm trông giữ xe gần Câu lạc bộ Club 18, Công viên Quốc tế Hoàng Gia).
Một du khách khác (quê Thái Bình) cũng rất bức xúc khi phải trả 80.000 đồng cho một quả dừa, cao hơn mức giá bình thường khoảng 4 lần. Phản ảnh với chúng tôi, vị khách này vẫn còn đang rất bức xúc, bảo: “Bực nhất là chủ quán chỉ buông một câu gọn lỏn: -Uống sao không hỏi?”.
Ngoài ra, cũng theo khảo sát của chúng tôi, tình trạng lộn xộn trong kinh doanh dịch vụ trông xe ở khu du lịch Bãi Cháy cũng đang khá phổ biến. Đếm sơ sơ, từ Khu du lịch Thanh Niên tới Bãi tắm Hoàng Gia, có khoảng chục điểm dịch vụ trông giữ xe. Tuy nhiên, phần nhiều các điểm trông xe này đều không niêm yết giá hoặc niêm yết không rõ ràng (như để trống, tẩy xoá phần ghi giá dịch vụ trông xe v.v..); thậm chí có điểm còn niêm yết giá cao hơn so với quy định.
Ấy là chưa kể, chỉ dạo một vòng quanh đường Hạ Long, đường Hồ Xuân Hương, thấy nhiều điểm bán hàng rong, bán nước trên vỉa hè hay bên các ghế đá dành cho khách nghỉ chân v.v.. trông rất mất mĩ quan...
Theo các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thì tình trạng trên diễn ra từ lâu, thường xuyên tái diễn, rất khó xử lý triệt để. Anh Nguyễn Quốc Việt, phụ trách kinh doanh lữ hành của một doanh nghiệp du lịch lớn thường xuyên đưa khách tới Hạ Long, bảo: “Chúng tôi cũng chỉ biết căn dặn du khách phải cẩn thận khi mua bán, sử dụng dịch vụ ở khu bãi tắm, để đề phòng bị các chủ hàng lừa mà thôi!”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết:" Việc tùy tiện tăng giá gây mất trật tự trong kinh doanh dịch vụ du lịch là những hành động đáng lên án. Để giải quyết triệt để vấn đề này, thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường và thường xuyên tiến hành các hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và các hoạt động nghiệp vụ cần thiết.
Theo đó nếu phát hiện, sẽ xử lý thật nghiêm, phạt thật nặng những hộ kinh doanh tự tiện nâng, ép giá, gây phản cảm cho du khách... Ngoài ra chúng tôi cũng tiếp tục thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị 11 của UBND tỉnh, gắn trách nhiệm quản lý của các đơn vị kinh doanh, cho thuê điểm kinh doanh v.v.. nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý, ý thức của người kinh doanh, lành mạnh hoá môi trường du lịch...”.
Không biết với những “liệu pháp mạnh” của ngành chủ quản và các cơ quan chức năng, “căn bệnh chặt chém du khách” ở Quảng Ninh nói chung, ở Khu du lịch Bãi Cháy nói riêng, có được chữa khỏi dứt điểm hay không? Chúng ta hãy chờ xem!
Theo Hà Phong (Quảng Ninh Online)