Cận cảnh bức tranh buồn
Đó là thế giới của những người nghèo, chủ yếu là dân lao động từ các tỉnh đổ dồn về thành phố kiếm sống. Họ sinh sống tại một số khu vực trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu tại những khu nhà ổ chuột các quận 4, 7, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp... Trong những ngôi nhà ọp ẹp, rác ngổn ngang chất đống, nhà vệ sinh tạm bợ, thiếu điện, thiếu nước, người dân phải sống trong tình trạng mất vệ sinh trầm trọng. Chúng thường nằm sâu trong các con hẻm chỉ lọt một người đi, hoặc được gác sơ sài trên những dòng kênh đen ngòm quanh năm bốc mùi hôi thối.
Chúng tôi có mặt tại khu nhà ổ chuột phường Tân Thuận Đông (quận 7). Con hẻm rộng chừng gần 2m, dài 40m nhưng có tới hơn 20 hộ gia đình sinh sống. Đó là những căn nhà tồi tàn, ẩm thấp, sàn nhà được kê bởi nhiều thanh gỗ nhỏ gác trên dòng sông hay được cố định bằng những bao cát, vách ngăn là những tấm tôn rách nát, một vài liếp tre hoặc dăm ba tấm gỗ mục.
Tôn lợp trần cũng chắp vá tứ tung, có nhà được dựng lên chỉ với một tấm vách và vài cây gỗ khô chống lên căng bạt... vật dụng sinh hoạt trong gia đình phơi hết ra ngoài. Mà vật dụng cũng chỉ là chiếc giường nát, chiếc bàn cáu bẩn, dăm cái ghế nhựa, vài thùng đựng nước và vô số những chai lọ, bịch ni lông được treo ngổn ngang trên vách hay vất chỏng chơ giữa sàn.
Rời quận 7, chúng tôi tới khu nhà ổ chuột trên trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh). Con hẻm nhỏ chỉ lọt một người đi, dài chưa tới 20m mà có đến 8 hộ sinh sống. Nhà ở đây cũng xập xệ và ẩm thấp, một phần bấu vào đất, phần còn lại gác sơ sài trên dòng kênh đen. Không điện, không nước, khu vực vệ sinh được làm theo kiểu... cầu tõm bởi "nước lên là cuốn trôi hết" một người dân nói.
Tương tự là khu nhà ổ chuột khu vực Miếu Nổi Gò Vấp, Hương Lộ 14 quận Tân Phú, xóm Củi quận 8. Một số hộ dân tự gắn điện kế, mua tụ điện trồng trong xóm và tự kéo dây bán cho những hộ có nhu cầu với giá cao gấp 2 - 3 lần giá chính thức. Không có nước máy, người dân tự đào giếng nhưng nước bị ô nhiễm nặng, một số người liều lĩnh dùng để tắm gội nhưng chỉ sau một thời gian đều bị ghẻ lỡ, mụn nhọt nổi khắp người.
Người lớn thất nghiệp, trẻ em thất học
Có đi vào tận cùng ngõ ngách mới thấy hết cuộc sống cơ cực, nhọc nhằn của người dân nơi đây. Hầu hết họ đều thất nghiệp, số người có việc làm chỉ đếm trên đầu ngón tay và thường là những việc làm thời vụ, thu nhập thấp. Đưa tay chỉ mớ trái cây còn ế lại một chị nói: "Cô xem, lấy có vài chục ký mà bán cũng không hết, năm miệng ăn trông chờ vào nó, cứ đà này chắc nhịn ăn luôn". Đó là chị Toàn thuê nhà ở phường Tân Hưng, quận 7. Chị nói, trước đây khi giá cả chưa tăng tôi còn lo được "bữa cơm bữa cháo" cho gia đình, nhưng nay... chị buông tiếng thở dài.
Một phần nhà được bấu vào đất, phần còn lại gác sơ sài trên dòng kênh đen
Tương tự là gia đình anh Phú quê ở Bến Tre dắt díu nhau lên thuê căn lều phường Tân Thuận Đông, quận 7. Anh chạy xe ôm, chị bán dừa dạo, thu nhập chủ yếu dựa vào bán dừa vì "lúc này người đi xe ôm ít lắm" - anh nói.
Theo anh Phú thu nhập hai vợ chồng phải tằn tiện mới đủ trang trải tiền thuê nhà và những sinh hoạt cần thiết cho 5 người trong gia đình nếu đi làm đều đặn, còn lúc "trái gió trở trời" không biết bấu víu vào đâu. Khi tôi hỏi bây giờ lương công nhân cũng cao lắm, sao anh không xin vào công ty làm vừa có thu nhập ổn định, lại có bảo hiểm và nhiều chế độ? anh khoát tay "làm mấy cái nghề gò bó đó không quen".
May mắn hơn mọi người, chị Lan ngụ tại quận Bình Thạnh xin được chân làm tạp vụ theo ca trong nhà hàng. Ngoài tiền lương chị còn được nhà hàng cho đem thức ăn thừa của khách về nhà. Chị nói, với nhiều người số thức ăn ấy là đổ bỏ đi nhưng với những gia đình phải chạy từng bữa ăn như gia đình chị đó là niềm hạnh phúc.
Cuộc sống bấp bênh, tạm bợ, nên việc học hành của các em cũng bị xem nhẹ. Nhiều gia đình không có tiền cho con đi học, có nhà lại không lo đủ giấy tờ cần thiết để con đến trường, nhưng cũng có em phải phụ ba mẹ trông em hoặc phải lao động kiếm sống. Người dân ở đây vẫn thường gọi các em là "những đứa trẻ nhiều không" - không nhà cửa, không hộ khẩu, không giấy khai sinh, không học hành... Tất cả được hình thành như một lôgic cuộc sống - thu nhập bấp bênh không có tiền mua nhà, không nhà hiển nhiên không có hộ khẩu, và sẽ không làm được giấy khai sinh cho con, không có khai sinh đương nhiên không thể đến trường...
Chị Nhung nhà quận Gò Vấp thở dài cho tôi biết, đứa con trai chị nay đã 8 tuổi nhưng vẫn chưa được đi học vì không có giấy tờ đầy đủ. Còn anh Thuận nhà quận 8 thì chua chát nói, con gái anh đã 8 tuổi nhưng phải trông em nhỏ 2 tuổi để bố mẹ đi làm, nếu để bé đi học thì không ai trông em, hơn nữa nhà cũng không có đủ tiền cho bé đến trường. Bé Phương Vy và Thảo Anh (quận Bình Thạnh) thì đi phải đi lượm ve chai để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Và hệ quả
Có mặt vào 3h chiều tại con hẻm nhỏ trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) với vai trò nhân viên vệ sinh môi trường đang làm khảo sát. Tuy còn sớm nhưng hoạt động trong hẻm khá náo nhiệt. Hơn 12 con người ngồi bít kín lối vào đang cặm cụi xếp số, ghép hình chơi lô tô; nhóm khác hí hoáy ghi lô, ghi đề và giải mã giấc mơ, bên cạnh một cô gái mắt xanh đang buông lời lả lơi qua điện thoại...
Chúng tôi tới khu nhà ổ chuột gần chợ Vười Chuối quận 3. Nhà ở đây không rách nát như nơi khác nhưng tệ nạn thì nhiều vô kể: Ngày thì trộm cắp, cướp giật; đêm thì chích hút, mại dâm. Đưa tay chỉ những con hẻm gần chợ, bác Phúc chạy xe ôm gần đó nói, cứ tối tối đây là nơi tụ tập các con nghiện, còn trong kia (trong chợ) là nơi hoạt động của gái bán dâm. Một thực tế là nơi đây mọc nhan nhãn tiệm gội đầu, cắt tóc, massage bình dân, nhân viên ăn mặc rất mát mẻ... Ai muốn cắt tóc thì ngồi ngoài, còn gội đầu massage thì vào bên trong... tấm rèm.
Cũng theo bác Phúc, mấy đứa trẻ đứng xung quanh đây là lực lượng tác chiến rất hữu hiệu để thực hiện hành vi trộm cắp, cướp giật. Đội ngũ này vừa phân tán sự tập trung của "con mồi" để đồng bọn ra tay móc túi cướp giật vừa cản đường khi bị "con mồi" phát hiện đuổi theo.
Không riêng ở quận 3, các khu ổ chuột quận 4, 7 tệ nạn cũng nhiều không kém. Theo chị Duyên ở quận 4 thì ở đây con nghiện nhan nhản, rất nhiều người đã bị chết do nhiễm HIV. Đứa em trai chị sau một thời gian thất nghiệp cũng bị nghiện do bạn bè xấu rủ rê, may mà phát hiện sớm để cai nghiện kịp thời...
Cuộc sống cứ thế, tiếp diễn từ ngày này qua ngày khác, thiếu thốn này chồng lên thiếu thốn khác, tệ nạn này chồng chéo tệ nạn khác. Dường như họ xem đó là những điều tất yếu, là điều đương nhiên tồn tại trong những ngôi nhà khu ổ chuột. Chỉ có một điều mà khi nhắc đến không chỉ người viết bài này mà bản thân những người đang bằng lòng với cuộc sống đó cũng không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ: Tương lai nào dành cho những đứa trẻ sống ở nơi đây?
Bằng Hảo