Kể từ khi quan hệ giữa các quốc gia thành viên NATO và Nga trở nên xấu đi vào năm 2014, các tàu chiến của khối liên minh quân sự này đã tiến vào Biển Đen gần vùng lãnh hải của Nga với tần suất gia tăng kể.
Nhưng giờ đây, phương Tây thậm chí còn đẩy mạnh hơn nữa các nhiệm vụ gần biên giới phía Bắc của Nga, gây ra những lo ngại về một cuộc đối đầu nguy hiểm giữa phương Tây và địch thủ không đội trời chung.
Động thái không ngờ sau 40 năm
Sau gần 40 năm vắng bóng, một nhóm lực lượng hải quân NATO bao gồm ba tàu khu trục Mỹ, USS Donald Cook, USS Porter và USS Roosevelt, và tàu HMS Kent của Anh, đã mạo hiểm tiến vào Biển Barents gần biên giới Nga.
Theo một tuyên bố từ Hạm đội 6 của Mỹ, phía Moscow đã được cảnh báo về chuyến thăm của nhóm tàu này trước đó vài ngày để ngăn chặn "những hiểu lầm, rủi ro và leo thang vô tình".
Hạm đội 6 biện minh cho sự hiện diện của các tàu NATO tiến sát vào khu vực biên giới Nga với lý do là khẳng định quyền "tự do hàng hải" và thực hiện "các hoạt động an ninh hàng hải trong điều kiện môi trường thách thức ở Vòng Bắc Cực".
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các tàu Mỹ và Anh trong khu vực vốn từ lâu được coi là căn cứ hoạt động của Hạm đội phương Bắc Nga, thực sự mang đến nhiều vấn đề hơn là những tuyên bố chính thức từ phương Tây, theo Victor Murakhovsky, chuyên gia quân sự và là người đứng đầu tạp chí "Weapons Export" của Nga.
"Chuyến thăm của họ tới Biển Barents cho thấy sự thay đổi trong chiến lược chung của Lầu Năm Góc. Washington gần đây đã nói nhiều hơn về việc tập trung vào cuộc đối đầu với Nga và Trung Quốc. Họ đã thay đổi phương thức hoạt động và huấn luyện chiến đấu, thay đổi cả cơ cấu lực lượng quân đội, vũ khí và phương tiện quân sự", Murakhovsky nhận xét.
Chuyên gia quân sự này nhấn mạnh, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Biển Barents có tầm quan trọng chiến lược đối với cả hải quân Liên Xô và Mỹ. Liên Xô đã triển khai nhiều tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo trong khu vực, trong khi Mỹ cũng cử lực lượng theo sát.
Kể từ đó, tầm quan trọng vùng biển này đã không hề thay đổi khi Mỹ vẫn quan tâm đến việc theo dõi các bước đi của Hạm đội phương Bắc Nga. Trong khi hầu hết các hoạt động giám sát được thực hiện bởi máy bay và tàu ngầm đặc biệt, thì các khu trục hạm – tương tự các tàu của NATO vừa đến Biển Barents gần đây - cũng có khả năng thực hiện công việc này, chuyên gia Murakhovsky nói thêm.
Thử nghiệm cho hải quân Nga
Bộ Quốc phòng Nga ngay lập tức đã phản ứng với sự hiện diện của tàu chiến Anh và Mỹ ở Biển Barents. Phía Moscow tuyên bố đang theo sát các hoạt động của lực lượng hải quân NATO.
Hạm đội phương Bắc của Nga đã cử các lực lượng theo dõi các hoạt động của tàu khu trục NATO và tạm dừng một phần các cuộc tập trận quân sự liên quan đến sử dụng đạn thật trên biển.
Trong khi đó Bộ Ngoại giao Nga coi động thái mới nhất của NATO là bước đi tiếp theo nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Bắc Cực. Phía Nga cho rằng điều này sẽ không mang lại kết quả tốt.
"Chúng tôi tin rằng những bước đi này sẽ dẫn đến sự gia tăng căng thẳng và làm suy yếu sự ổn định của khu vực và thế giới nói chung", đặc phái viên Nga Nikolay Korchunov nói.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Murakhovsky lưu ý, chuyến thăm của các tàu NATO tới Biển Barents có thể mang lại một phần tích cực nào đó cho Moscow. Ông chỉ ra Nga đã thiết lập một hệ thống giám sát ở Bắc Cực theo dõi trên không, trên biển và dưới nước. Chính vì vậy, khu trục hạm của Mỹ và Anh có thể trở thành đối tượng thử nghiệm “miễn phí”.
"Các yếu tố chính của hệ thống đã hoạt động. Chuyến thăm của tàu khu trục Mỹ đến Biển Barents là cơ hội tuyệt vời cho hệ thống này thử nghiệm", Murakhovsky nói.