Khu xử lý rác thải của huyện Cô Tô đặt tại thôn Trường Xuân, xã Đồng Tiến, được xây dựng trên diện tích 4,65 ha. Tổng mức đầu tư hơn 27 tỷ đồng từ nguồn vốn kinh phí sự nghiệp môi trường và ngân sách huyện.
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, ngay đường vào khu xử lý rác này là một bãi rác lớn nằm chình ình, ruồi muỗi cùng với mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Rác chất đống trên bờ, rác tràn cả xuống khu vực hồ nước và vương cả ra đường đi.
Đi sâu vào trong khu xử lý không thấy một bóng người. Ngay sát đường vào có rất nhiều hố lớn hình chữ nhật. Hố thì đã được trải bạt, hố thì vẫn trơ lòng đất. Tất cả những hố này đều trống không, có chăng chỉ là nước mưa cùng bùn đất đọng trên nền hố.
Trong cùng, khu xử lý rác là một khu nhà lớn lợp mái tôn rộng chừng vài trăm mét vuông, cửa phía trước giáp với đường đi được khóa với một ổ khóa đã han gỉ. Phía sau ngôi nhà cửa mở toang, bên trong nhà rác vứt ngổn ngang, chất đống cao, tràn cả ra ngoài cửa. Ngay sát đống rác là một hệ thống máy móc nhìn khá hoành tráng nhưng tất cả đều im lìm.
Theo phản ánh của người dân, hiện nay việc xử lý rác thải đã được thu gom tại huyện cũng có nhiều bất cập. Việc phân loại rác do kinh phí hạn chế nên chưa có đội ngũ phân loại. Lò đốt rác có hoạt động nhưng không đều.
Được biết, mỗi ngày lượng rác thải trên địa bàn ước tính từ 3-6 tấn, chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Để xử lý lượng rác thải trên bảo vệ môi trường, năm 2011, huyện Cô Tô đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tại thôn Trường Xuân.
Theo thiết kế, khu xử lý rác sinh hoạt sử dụng công nghệ lò đốt rác model EST-100S, có công suất lò đốt 300 kg/h, tương đương với 7,2 tấn/ngày. Đây được coi là dây chuyền công nghệ đồng bộ và hiện đại nhất tại thời điểm đó.
Tuy nhiên không hiểu sao sau gần 7 năm kể từ ngày khởi công, đến nay khu xử lý rác này vẫn đang trong tình trạng hoạt động kiểu cầm chừng, lúc có lúc không.
Trao đổi với PV về việc này, ông Hoàng Bá Nam - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, khu xử lý rác trên hiện đã hoàn thành trên 90% và đang trong thời gian chạy thử nghiệm. Ngày bình thường sẽ xử lý việc đốt rác chừng 2 tiếng/ngày, riêng vào mùa du lịch sẽ đốt khoảng 4-8 tiếng/ngày.
Ông Nam cũng thừa nhận việc rác tồn ngoài bãi và ngay trong khu nhà xử lý rác là do đang có khó khăn trong việc phân loại rác, chưa phát huy được hiệu quả hoạt động của dây chuyền xử lý rác. Huyện đang hướng tới việc người dân sẽ tự phân loại rác ngay tại nhà rồi mới tập kết ra ga rác.
Còn theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sau khi vận hành một thời gian, dây chuyền xử lý rác này bị trục trặc phải điều chỉnh, xử lý lại nên hiện vẫn đang chạy thử; dự kiến bàn giao vào cuối năm 2017.
Cũng theo vị lãnh đạo này, các sở, ngành liên quan đã đi kiểm tra thực tế tại đây. Kết quả cho thấy, do phương pháp phân loại rác chưa phù hợp, vẫn đốt lẫn vỏ sò, vỏ ốc... dẫn tới hiệu quả lò đốt chưa cao.
PV ghi nhận một số hình ảnh: