Khuất phục phạm nhân tuyệt thực 31 ngày

Khuất phục phạm nhân tuyệt thực 31 ngày

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Từng là giáo viên dạy học ở một trường THPT trên địa bàn tỉnh Hà Tây, vì nghe theo các phần tử xấu rủ rê kích động, Nguyễn Văn Tú (SN 1965) tham gia vào một vụ án chống phá Nhà nước và bị tuyên án 36 tháng tù giam. Cho rằng mình bị oan, phạm nhân Tú quyết định tuyệt thực, chỉ uống nước lã cầm hơi để quyết "tử thủ".

Đánh thức lương tâm người cha

Tốt nghiệp Học viện cảnh sát nhân dân năm 2002, Đỗ Anh Cường được cử về công tác tại Trại tạm giam số 1- Công an TP. Hà Nội (hay còn có tên gọi khác là trại giam Hỏa Lò). Đây là một trại tạm giam có quy mô vào loại lớn nhất cả nước với bề dày thành tích trong nhiều năm qua.

Qua 10 năm công tác tại Trại tạm giam số 1, quản giáo Cường và anh em đồng nghiệp đã cảm hóa, giáo dục được rất nhiều phạm nhân từ phạm tội ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội. Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm quản giáo của mình, đại úy Cường nhớ ngay tới phạm nhân Nguyễn Văn Tú - một thầy giáo, chỉ vì nghe theo các phần tử xấu đã có hành vi chống phá Nhà nước Việt Nam.

Đại úy Cường nhớ lại: "Trong quá trình điều tra, bị can Nguyễn Văn Tú bị tạm giam tại Trại tạm giam số 1. Ngày đầu vào Trại, Tú chấp hành nội quy của Ban giám thị đưa ra và có thái độ hợp tác với cơ quan điều tra phá án. Tuy nhiên, ngay sau khi bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 36 tháng tù giam, phạm nhân Nguyễn Văn Tú trở thành con người khác hẳn. Bản tính hiền lành của người thầy giáo trong anh ta không còn nữa, thay vào đó là sự chống đối, không tuân thủ nội quy của Trại. Tú tuyệt thực 31 ngày không ăn, chỉ uống nước cầm hơi, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.

Từ một người sức khỏe bình thường nặng 56 kg, sau 1 tháng tuyệt thực, Tú chỉ còn 38 kg. Không chỉ tuyệt thực, khi vợ con đến thăm, Tú không ra gặp mặt và không nhận bất kỳ quà cáp nào của người nhà gửi đến. Do lầm đường lạc lối, lúc này đây, Tú chỉ muốn tìm đến cái chết để chứng minh mình trong sạch. Lo sợ phạm nhân Tú quẫn trí tự sát, lãnh đạo Trại cho anh ta vào phòng giam chung để các phạm nhân khác giám sát, bảo ban khuyên nhủ". Trường hợp phạm nhân Tú tuyệt thực quả là một thử thách đối với quản giáo Cường và đồng đội của anh tại Trại tạm giam số 1.

Một ngày, một người thầy mang sắc phục công an và một người từng giữ cương vị thầy giáo nay là phạm nhân ngồi gần nhau chuyện trò như hai người bạn. Những lời nói của quản giáo Cường cất lên từ con tim nhân hậu, len lỏi vào nơi sâu thẳm tâm hồn Tú - một người cha lầm lỡ, có hai con nhỏ và người vợ trẻ luôn lo lắng, quan tâm săn sóc chồng.

Khi nghe quản giáo Cường nói: "Hai con anh còn nhỏ, biết bố đi tù đã là một bất hạnh lớn trong cuộc đời các cháu. Nay anh tuyệt thực, tự kết liễu đời mình sẽ là một mất mát to lớn không gì bù đắp cho hai đứa con còn thơ dại của anh. Liệu chúng còn tâm trí đến trường học hành như những đứa trẻ khác?". Những lời nói chân tình của quản giáo Cường chạm đúng vào trái tim vốn khá nhạy cảm của Tú khiến phạm nhân này bật khóc rưng rức.

Pháp luật - Khuất phục phạm nhân tuyệt thực 31 ngày

Cải tạo tốt là con đường ngắn nhất để những người lầm lỡ trở về...

Thấy việc cảm hóa có hiệu quả, đại úy Cường tiếp tục khuyên phạm nhân Tú không nên tuyệt thực, cố gắng ăn uống điều độ, giữ gìn sức khỏe, cải tạo tốt, đừng phụ lòng thương yêu của vợ con dành cho mình. Quản giáo Cường nhấn mạnh: "Vì cái án tù ngắn ngủi 3 năm mà phải tự kết thúc cuộc đời mình là quá hèn nhát đối với một người đàn ông - một người chồng - một người bố. Anh phải cải tạo tốt để chuộc lại lỗi lầm mình đã gây nên và bù đắp tình thương cho vợ con...".

Những lời nói nhân ái từ đáy lòng của quản giáo Cường đã làm phạm nhân Tú nhận ra sai lầm, cam kết chấp hành tốt nội quy của Trại. Sau 1 năm tạm giam tại Trại giam số 1, Tú được chuyển sang thụ án tại Trại giam Thanh Xuân (bộ Công an). Đến thời điểm hiện nay, Nguyễn Văn Tú đã ra tù và trở thành con người cha tốt và một công dân có ích cho xã hội.

Khiến tội phạm nhí phục thiện

Nói về xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay, đại úy Đỗ Anh Cường không khỏi cám cảnh. Anh cho biết trong Trại tạm giam số 1 có rất nhiều tội phạm nhí manh động không thua kém gì dân anh chị có số má trong giới giang hồ. Trong vụ án My "sói" và đồng bọn phạm tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản từng gây chấn động dư luận đất Hà thành, quản giáo Cường được giao nhiệm vụ quản lý đối tượng Hồ Huy (SN 1992)- một trong những kẻ chủ mưu bị TAND TP. Hà Nội tuyên án 18 năm tù.

Bọn chúng lên mạng, chát chít và rủ các cô gái trẻ đi chơi, sau đó bắt vào nhà nghỉ hiếp dâm tập thể, quay video clip và lấy hết tài sản cá nhân, xe máy của nạn nhân. Không chỉ dừng lại ở đó, băng nhóm My "sói" còn khống chế các cô gái bị chúng hiếp dâm, cướp tài sản, bắt làm gái mại dâm kiếm tiền nuôi chúng ăn chơi thác loạn. Nếu nạn nhân không đồng ý, chúng sẽ tung clip sex lên mạng để khủng bố, bôi nhọ danh tiết người phụ nữ. Tuy nhiên, tội ác của băng cướp nhí này đã nhanh chóng bị chặn đứng bởi công an quận Đống Đa, Hà Nội.

Nghe Huy kể về con đường phạm tội của mình, quản giáo Cường không khỏi giật mình về mức độ tha hóa đạo đức và sự manh động tàn nhẫn của băng nhóm tuổi nhí này. Theo lời kể của đại úy Cường, Hồ Huy sinh ra trong một gia đình giàu có ở đất Long Biên, Hà Nội. Bố mẹ đều làm ăn kinh doanh buôn bán nên rất cưng nhiều cậu con trai quý tử.

Hồi học cấp 1 - 2, Huy là một học sinh học giỏi, ngoan ngoãn biết vâng lời bố mẹ. Thế nhưng khi học lên cấp 3, Huy chơi với nhiều bạn xấu và bị rủ rê chơi bời lêu lổng. Bạn bè xấu của Huy thường xuyên đến nhà và xúi cậu xin tiền bố mẹ để cả bọn đi đập phá và chơi "nét". Huy nghiện "nét" đến độ có thể lang thang cả ngày trên mạng, chát chít và chơi game.

Để có nhiều tiền chiêu đãi bạn bè, ăn chơi phè phỡn theo kiểu con nhà giàu, Huy tìm đủ mọi lý do xin tiền bố mẹ (sinh nhật, liên hoan lớp, đóng học thêm). Vì cưng chiều con thái quá, bố mẹ Huy phóng tay cho con tiền, vô tình đẩy đứa con trai của họ vào con đường hư hỏng. Đang học dở lớp 10, Huy bỏ học, nhuộm tóc đầu xanh đầu đỏ và thường xuyên dạt nhà đi chơi qua đêm khiến bố mẹ phải mỏi mắt đi tìm. Cũng từ đây, bố mẹ Huy cắt đứt viện trợ cho cậu quý tử. Không có tiền tiêu xài, Huy tham gia vào băng nhóm 8 tên do My "sói" cầm đầu, vạch kế hoạch kiếm tiền theo kiểu chẳng giống ai...

Quản giáo Cường nhớ lại lời tâm sự của phạm nhân Huy nói với mình: "Bọn cháu nghĩ xin tiền các bạn cùng trang lứa là không phạm tội. Xin được tiền, chúng cháu mua đá (ma túy) về nhà nghỉ, bật nhạc to lên và cùng nhau bay lắc suốt đêm. Chơi chán, chúng cháu ngủ chung với nhau theo kiểu bầy đàn. Hết tiền, bọn cháu lại cùng nhau đi "xin"”.

Theo quản giáo Cường, thái độ của Huy lúc ở Trại vẫn mang dáng dấp của một đứa trẻ ít học, sớm bị đẩy ra ngoài xã hội. Chỉ đến khi bị công an quận Đống Đa bắt giữ và chuyển vào Trại tạm giam số 1, Huy mới biết mình phạm tội cướp tài sản và hiếp dâm.

"Ngày đầu vào Trại, chúng tôi phải mất nhiều công sức và thời gian mới giúp Huy cắt được cơn nghiện ma túy. Khi Huy không còn lệ thuộc vào ma túy, cán bộ quản giáo phân tích, giáo dục để phạm nhân hiểu ra tội lỗi của mình. Huy đã tỏ ra rất hối hận, hứa sửa chữa sai lầm và quyết tâm từ bỏ ma túy.

Hôm chuyển phạm nhân Huy đến Trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên), cậu ta tỏ ra bịn rịn và hứa với chúng tôi sẽ quyết tâm cai nghiện ma túy và sớm quay lại cám ơn cán bộ đã giúp mình hoàn lương. Nghe Huy nói, chúng tôi thấy ấm lòng, hy vọng điều đó sẽ trở thành hiện thực. Và cái án 18 năm không phải là quá dài đối với một thanh niên trẻ như Huy, nhất là khi Huy cố gắng cải tạo tốt".

Thiên Long

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.