Theo đó, cơ quan Hải quan cho biết, số lượng hồ sơ xin phép nhập khẩu diện này đang nhiều lên bất thường gần đây nhưng lại tập trung vào các loại xe có giá trị cao, được ưa chuộng ở thị trường Việt Nam. Điều này đã đặt ra nhiều nghi vấn cho cơ quan hải quan về khả năng có những khuất tất phía sau.
Không những thế, còn có tình trạng nhiều hồ sơ xin nhập khẩu cùng một model xe mà những chiếc xe đó có thời gian sở hữu ở nước ngoài, trước khi được nhập khẩu về Việt Nam rất ngắn. Bên cạnh đó, người làm thủ tục xin cấp giấy phép nhập khẩu tài sản lại không phải là người đứng tên trên hồ sơ, mà thông qua ủy quyền, đáng chú ý, không ít người được ủy quyền lại là nhân viên của đại lý ô tô ở nước ngoài.
(Ảnh minh họa)
Dẫn chứng một trường hợp cụ thể, Cục Hải quan Bình Dương cho hay chưa biết xử lý ra sao để vẫn đảm bảo quyền lợi của Việt kiều khi hồi hương, đồng thời không lọt lưới nhập khẩu các dòng xe ô tô xa xỉ - đối tượng khi nhập khẩu phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư 20/2011/TT-BCT nhằm hạn chế nhập siêu các mặt hàng hạn chế nhập khẩu.
Nguyên do xe thuộc diện tài sản kèm theo của Việt kiều khi hồi hương không phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng nên được hưởng lợi rất lớn so với xe nhập khẩu thông thường.
Theo đó, tại hồ sơ xin nhập khẩu xe ô tô đang sử dụng mang nhãn hiệu Lexus GX 460 sản xuất năm 2011 của một Việt kiều hồi hương tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang xảy ra tình trạng: Việt kiều nhập cảnh ngày 24/3/2010 và đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam ngày 27/2/2012. Tuy nhiên, ô tô lại được cấp chứng nhận quyền sở hữu tại Mỹ ngày 17/2/2012, hoàn tất thủ tục đăng ký phương tiện ở Mỹ vào tháng 4/2012. Trong khi đó, Việt kiều này về Việt Nam từ năm 2010 và không quay trở lại Mỹ, nhưng ủy quyền cho người khác làm thủ tục đăng ký sở hữu xe tại Mỹ vào năm 2012. Nghĩa là, khi trở về Việt Nam, Việt kiều này chưa sở hữu chiếc xe ô tô muốn nhập khẩu hiện nay.
Tại khoản 2, điều 3 Thông tư 118/2009/TT-BTC về điều kiện nhập khẩu ô tô đang sử dụng theo chế độ tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, xe ô tô đang sử dụng phải được đăng ký sử dụng ở nước định cư hoặc nước mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc (khác với nước định cư) trước thời điểm hoàn tất thủ tục cấp sổ hộ khẩu thường trú tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép hồi hương. Như vậy, ngày đăng ký xe ô tô là 4/2012 sau rất nhiều so với ngày hoàn tất đăng ký thường trú (27/2/2012) là chưa đáp ứng được quy định của Thông tư 118/2009/TT-BTC.
Một vướng mắc khác là quá trình xác định công dân Việt Nam định cư ở Mỹ có hộ chiếu Việt Nam trở về Việt Nam thường trú có thuộc đối tượng áp dụng Thông tư 118/2009/TT-BTC. Nguyên do, các trường hợp này sẽ không có giấy tờ hồi hương hoặc văn bản cho phép hồi hương của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, mà chỉ có Thẻ thường trú nhân (thẻ xanh) do Mỹ cấp có thời hạn. Trong trường hợp này, các đối tượng dù có đăng ký thường trú tại Việt Nam, nhưng vẫn dùng thẻ xanh để đi lại và không định cư hẳn tại Việt Nam, nên nếu thuộc diện hưởng chế độ nhập khẩu tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư tại nước ngoài đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam theo Thông tư 118/2009/TT-BTC chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu hạn chế nhập siêu các hàng hóa xa xỉ. Mà cụ thể là các loại xe ô tô rất đắt tiền và còn rất mới đang xin nhập khẩu ngày càng nhiều theo diện tài sản kèm theo của Việt kiều khi hồi hương.
Khánh Tuân (Theo Báo Đầu tư)