Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres sẽ có một cuộc hội đàm quan trọng với các phái viên quốc tế tại một địa điểm bí mật ở thủ đô Doha của Qatar vào ngày 1/5, trong một nỗ lực ngày càng tuyệt vọng để tìm cách gây ảnh hưởng đến chế độ Taliban đang nắm quyền ở Afghanistan.
Được LHQ coi là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, tình cảnh ở Afghanistan đang làm khó tổ chức toàn cầu khi Taliban có động thái ngăn cản các bé gái đến trường và cấm hầu hết phụ nữ làm việc, ngay cả đối với các cơ quan của LHQ ở quốc gia Nam Á.
Theo các nhà ngoại giao, quan chức Taliban, trở lại nắm quyền ở Afghanistan từ tháng 8/2021, sẽ vắng mặt trong cuộc hội đàm với đại diện của khoảng 25 quốc gia và tổ chức quốc tế.
Sự đoàn kết hiếm thấy
Trước thềm cuộc hội đàm, một nhóm nhỏ phụ nữ đã tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô Kabul hôm 29/4 để phản đối bất kỳ sự công nhận quốc tế nào đối với chính quyền Taliban. LHQ và các cường quốc phương Tây cũng kiên quyết rằng điều này sẽ không được thảo luận.
“Bất kỳ hình thức công nhận nào đối với Taliban điều hoàn toàn không có trên bàn đàm phán”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết.
Nhưng ngoài việc xác nhận rằng lãnh đạo Taliban không có tên trong danh sách tham gia, LHQ đã từ chối cho biết cuộc hội đàm sẽ được tổ chức tại địa điểm cụ thể nào ở thủ đô của Qatar, hoặc ai sẽ tham gia cùng ông Guterres.
Các nhà ngoại giao cho biết Tổng thư ký LHQ sẽ đưa ra thông tin cập nhật về đánh giá hoạt động cứu trợ quan trọng của tổ chức này ở Afghanistan, được yêu cầu thực hiện vào tháng 4, sau khi chính quyền Taliban ra lệnh cấm phụ nữ Afghanistan làm việc với các cơ quan của LHQ.
LHQ cho biết họ phải đối mặt với một “lựa chọn đau lòng” về việc có nên duy trì hoạt động khổng lồ của mình ở đất nước 38 triệu dân hay không.
Mặc dù bị chia rẽ vì cuộc xung đột ở Ukraine và những căng thẳng toàn cầu khác, các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ (UNSC) hôm 27/4 đã cùng nhau thông qua một nghị quyết lên án những hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tìm kiếm “sự đảo ngược khẩn cấp” các lệnh cấm như vậy của Taliban.
Nghị quyết, được thông qua với toàn bộ 15 phiếu thuận – với Mỹ, Nga và Trung Quốc đều ủng hộ – là một sự đoàn kết hiếm thấy và dấu hiệu cho thấy mối quan tâm toàn cầu đang lan rộng đối với các hành động của Taliban.
UNSC chưa bao giờ xem xét các biện pháp trừng phạt chống lại Taliban nhưng sự quở trách mạnh mẽ của cơ quan quyền lực nhất của LHQ là một đòn giáng mạnh vào uy tín của các nhà cầm quyền ở Afghanistan, những người đang cố gắng giành được sự tín nhiệm trên trường quốc tế – bao gồm cả sự công nhận chính thức của LHQ rằng chính phủ hiện thời ở Afghanistan là chính phủ hợp pháp.
Theo Taliban, những người tuân theo cách giải thích nghiêm ngặt luật Hồi giáo, quyền của phụ nữ ở Afghanistan được tôn trọng. Đại diện của Taliban tuyên bố rằng lệnh cấm “là một vấn đề xã hội nội bộ của Afghanistan”.
Thế tiến thoái lưỡng nan
Ông Richard Gowan, chuyên gia về LHQ của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), một tổ chức phi chính phủ độc lập, cho biết LHQ đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” ở Afghanistan.
“Ông Guterres phải gỡ một nút thắt rất phức tạp. Người đứng đầu LHQ cần tìm cách tiếp tục đưa viện trợ vào Afghanistan, nhưng lệnh cấm phụ nữ làm việc cho LHQ do Taliban áp đặt là một đòn giáng mạnh vào khả năng hoạt động của cơ quan này tại quốc gia Nam Á”, ông Gowan cho biết, bổ sung thêm rằng cộng đồng quốc tế muốn LHQ duy trì sự hiện diện quan trọng của mình ở đó.
“Có rất nhiều khác biệt giữa các thành viên UNSC về Afghanistan. Nhưng tất cả mọi thành viên, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, đều đồng ý rằng tốt hơn hết là LHQ vẫn hiện diện ở Kabul”, ông nói.
LHQ đã tiết lộ một vài chi tiết về những đề xuất có thể được đưa ra tại cuộc hội đàm ở Qatar vào ngày 1/5.
Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric hôm 28/4 cho biết, mục tiêu “là tăng cường sự tham gia của quốc tế xung quanh các mục tiêu chung vì một con đường bền vững phía trước đối với Afghanistan”.
Cơ quan toàn cầu này cũng muốn có “sự thống nhất hoặc phổ biến của thông điệp” về phụ nữ và nhân quyền, chống khủng bố và buôn bán ma túy.
“Sự công nhận không phải là vấn đề”, ông Dujarric nhấn mạnh. Việc chính phủ Taliban có chiếm ghế Liên Hợp Quốc của Afghanistan hay không là do Đại hội đồng LHQ (UNGA) quyết định.
Nhưng LHQ và các tổ chức khác đã có các cuộc thảo luận ngày càng căng thẳng về cách giao tiếp với Taliban và có thể đưa ra các khuyến khích để thay đổi. Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan Thomas West đã đi khắp Tây Á trong những tuần gần đây để gặp gỡ các chính phủ và các tổ chức khác nhau.
Năm ngoái, Mỹ đã chuyển 3,5 tỷ USD tài sản của Afghanistan bị tịch thu vào một quỹ có trụ sở tại Thụy Sĩ để chi trả cho hàng cứu trợ và hàng nhập khẩu không do chính quyền Taliban kiểm soát. Các đề xuất đã được đưa ra gợi ý rằng Nhà Trắng nên xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
“Mặc dù chúng ta muốn chứng kiến sự thay đổi chế độ ở Afghanistan, nhưng trong tương lai gần, cần có một chính phủ ổn định và đủ năng lực để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình nhân đạo, vô hiệu hóa các phần tử khủng bố IS và ngăn chặn sự sụp đổ của nhà nước cũng như nội chiến”, Viện Trung Đông, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington, cho biết trong một báo cáo tuần trước.
Minh Đức (Theo Digital Journal, AP)