Với những phát biểu cứng rắn đến từ cả hai phía Mỹ và Triều Tiên, cộng đồng quốc tế vẫn quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang và trở thành một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực giữa hai quốc gia có nền quân sự hùng mạnh của thế giới.
Có người còn lo ngại, nếu xung đột xảy ra, nó có thể thành tiền đề cho cuộc Chiến tranh Thế giới thứ III như một thảm họa diệt vong. Hai cuộc chiến tranh thế giới đã xảy ra như thế nào, hẳn nhiều người chưa quên. Đó chính là bài học lịch sử cho đến hôm nay...
Cuộc Thế chiến này mở đầu với sự kiện Hoàng thái tử đế quốc Áo - Hung bị một công dân Serbia ám sát (ngày 28 tháng 6 năm 1914), dẫn đến việc người Áo - Hung tuyên chiến với Serbia. Tiếp theo đó, Wilhelm II - Hoàng đế Đức, đồng minh của đế quốc Áo - Hung xua quân tấn công Bỉ, Luxembourg và Pháp. Anh, Mỹ với tư cách là đồng minh của Pháp buộc phải nhảy vào cuộc.Xung đột lợi ích giữa hai phe Liên Minh (bao gồm các đế chế phong kiến: Đức, Áo-Hung, Bulgaria và Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) và phe Hiệp ước (bao gồm các quốc gia tư bản sở hữu nhiều thuộc địa ở khắp nơi trên thế giới: Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, Brasil) mà bản chất là sự bất bình đẳng trong việc phân chia thị trường thuộc địa được cho là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến Thế chiến I.
Cuộc chiến sau đó đã lan rộng ra toàn châu Âu và một số quốc gia khác trên thế giới (chủ yếu là Bắc Mỹ), lôi kéo hơn 70 triệu quân nhân tham gia chiến trận.
Sau hơn 4 năm chiến tranh (kết thúc vào ngày 11 tháng 11 năm 1918), số người chết lên đến hơn 19 triệu người với sức tàn phá và ảnh hưởng to lớn về cả vật chất lẫn tinh thần đến nhân loại.
Thế chiến thứ I kết thúc dẫn đến sự sụp đổ hàng loạt của các đế chế phong kiến, thay vào đó là các nước theo các lý tưởng xã hội khác nhau như: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa quân phiệt...
Đặc biệt, ở những nước theo chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa quân phiệt, những người đứng đầu Nhà nước luôn có tham vọng cao. Thêm nữa, những điều ước bất bình đẳng mà họ buộc phải ký kết sau khi kết thúc Thế chiến I làm dư luận xã hội dấy lên những trào lưu phản đối, thúc đẩy Chính phủ phải làm điều gì đó để thay đổi.
Họ kỳ vọng vào một cuộc chiến tranh mới nhằm xóa bỏ những điều ước đó và tiếp tục thực hiện mong muốn chia lại thị trường thuộc địa cùng những lợi ích kinh tế mới. Ở châu Á, đế quốc Nhật Bản với mong muốn trở thành cường quốc số 1 tại châu lục đã tiến hành xâm lược Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, trong số đó có rất nhiều thuộc địa của Anh và Pháp, buộc hai quốc gia này rơi vào thế đối đầu với Nhật Bản.
Ở châu Âu, sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước Đức thống nhất và sự thắng thế của chủ nghĩa phát xít trong hệ thống chính trị của quốc gia này đã đưa nước Đức trở thành một quốc gia hiếu chiến. Để đòi hỏi những quyền lợi về thuộc địa, nước Đức xâm lược Ba Lan (năm 1939).
Điều này khiến Anh và Pháp buộc phải tuyên chiến với Đức để cứu đồng minh Ba Lan. Thế chiến thứ II bắt đầu. Cuộc chiến kéo dài 6 năm này (1939 - 1945) đã đưa hầu hết các lục địa trên thế giới tham chiến thành hai phe, phe Trục (bao gồm các nước: Đức, Nhật, Ý, Hungary...) và phe Liên Minh (bao gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc...).
Những con số thống kê cho thấy, khoảng 70 triệu người đã chết trong cuộc chiến, cơ sở hạ tầng xã hội bị phá hủy nghiêm trọng. Tổng thiệt hại của Thế chiến II được ước tính bằng tổng thiệt hại của các cuộc chiến tranh trước đó cộng lại.
Sau cuộc thế chiến này, các quốc gia trên thế giới đều nhận thức được rằng, cần phải sống trong hòa bình và cùng phát triển, bởi chỉ cần một cuộc chiến tranh như Thế chiến II nữa thôi, cộng với sự phát triển của công nghệ vũ khí hạt nhân, Trái đất – ngôi nhà chung của tất cả rất có thể sẽ bị hủy diệt...
Quay trở lại vấn đề căng thẳng Mỹ – Triều Tiên, với những phát ngôn gây sốc của cả hai bên, nhiều người cho rằng, một cuộc xung đột vũ trang giữa hai quốc gia này là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể được kiềm chế nếu có sự can thiệp tích cực, hợp tác bởi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc, quốc gia láng giềng và được cho là chỗ dựa quan trọng của Triều Tiên hiện tại, dù đang cố gắng tranh chấp vị trí cường quốc số 1 thế giới với Mỹ, nhưng với lý thuyết “trỗi dậy trong hòa bình” hoàn toàn không mong muốn một cuộc chiến tranh xảy ra ngay trước thềm nhà mình.
Nga, cựu đồng minh của Triều Tiên, quốc gia được cho là trung lập giữa hai bên Mỹ – Triều, cũng luôn cố gắng, nỗ lực tìm ra giải pháp hòa bình để không xảy ra một cuộc chiến tranh ở ngay biên giới vùng Viễn Đông của mình.
Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia lớn trên thế giới khác, như phân tích ở trên, cũng hoàn toàn không mong muốn một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên xảy ra.
Về bản chất, giữa Mỹ và Triều Tiên không có xung đột lợi ích kinh tế. Hơn nữa, mâu thuẫn này chỉ trở nên căng thẳng và gay gắt từ khi ông Kim Jong-un thay cha nắm quyền ở Triều Tiên và tỷ phú Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.
Nói cách khác, mâu thuẫn giữa Mỹ và Triều tiên không mang tính hệ thống và gay gắt đến mức có thể trở thành một cuộc chiến tranh.
Tuy nhiên, với những hành động thiếu kiềm chế của cả hai bên như vừa qua, không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang cục bộ, tiền đề trở thành một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai quốc gia, kéo theo một số quốc gia láng giềng khác bị ảnh hưởng.
Giả định nếu khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai quốc gia này với những hành động bốc hỏa, bộc phát, không kiểm soát thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Lý do là cả hai quốc gia này đều đang sở hữu những vũ khí hủy diệt hàng loạt khủng khiếp nhất thế giới như bom nguyên tử và bom H. Đây là điều cả thế giới không mong muốn.
Trịnh Cao Khải