Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Đức “chắc chắn chưa kết thúc”, với giá khí đốt tự nhiên cao vẫn gây căng thẳng cho nền kinh tế đất nước, Thủ tướng Olaf Scholz nói với các nhà lập pháp.
Đức là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nguồn cung khí đốt Nga qua đường ống tới châu Âu bị siết chặt vào năm ngoái
Sự gián đoạn về nguồn cung đã đẩy chi phí năng lượng tăng cao thêm và buộc Berlin phải chi hàng tỷ Euro để giảm bớt gánh nặng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp do hóa đơn điện và khí đốt tăng vọt.
Đức là quốc gia G7 duy nhất có nền kinh tế mà IMF dự đoán sẽ suy thoái trong năm nay.
Mặc dù hiện giá khí đốt ở châu Âu vẫn cao hơn mức trước khủng hoảng, nhưng vẫn thấp hơn mức trần giá do Chính phủ Đức đặt ra. Do đó, việc loại bỏ dần trợ cấp năng lượng vào năm tới là khả thi, ông Scholz cho biết trong một bài phát biểu trước Quốc hội Đức (Bundestag) hôm 28/11.
Những ngày này các kho dự trữ khí đốt đã đầy đến mức sẽ không thể xảy ra đợt tăng giá đột ngột nào trong mùa đông này, ông nói. “Tuy nhiên, nếu giá năng lượng bất ngờ tăng mạnh trở lại, chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện các biện pháp đối phó trong thời gian ngắn”.
Chính phủ của Thủ tướng Scholz cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác về ngân sách sau phán quyết gây chấn động của Tòa Hiến pháp Liên bang.
Phán quyết có nghĩa là hàng chục tỷ Euro trong các “quỹ đặc biệt” – bao gồm cả những khoản được sử dụng để giảm hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp – sẽ phải được tính vào ngân sách liên bang thường xuyên.
Vượt qua những rạn nứt nội bộ, liên minh cầm quyền “đèn giao thông” – gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Scholz, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ doanh nghiệp và Đảng Xanh – hôm 27/11 đã thông qua ngân sách bổ sung năm 2023, bao gồm việc đình chỉ các quy định hạn chế khoản vay mới ròng, tức “phanh nợ” (debt brake), trong năm thứ 4 liên tiếp.
Với việc đình chỉ “phanh nợ”, Chính phủ Đức có thể vay thêm khoảng 45 tỷ Euro nhằm nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng ngân sách đã lan rộng, làm dấy lên những cảnh báo về tăng trưởng và chao đảo ngành công nghiệp xương sống của nền kinh tế số 1 châu Âu.
Khoản vay mới nói trên sẽ không bù đắp hoàn toàn “lỗ hổng” 60 tỷ Euro trong ngân sách theo sau phán quyết của Tòa án, nhưng Chính phủ của ông Scholz cho biết số tiền này sẽ đủ để trang trải mọi cam kết.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters)