Một số công ty năng lượng lớn của Trung Quốc đang đàm phán với các nhà xuất khẩu Mỹ để đảm bảo nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong dài hạn.
Đi tìm nguồn cung
Có ít nhất 5 công ty Trung Quốc đang thực hiện tiến trình đàm phán với các nhà xuất khẩu khí đốt của Mỹ, chủ yếu là Công ty Cheniere Energy và Venture Global. Các nhà phân phối năng lượng lớn của Trung Quốc tham gia đàm phán nguồn cung như Tập đoàn quốc doanh Sinopec Corp, Công ty Dầu khí Quốc gia (CNOOC), Tập đoàn năng lượng Chiết Giang (ZEG)- một tập đoàn có sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương.
Nếu thỏa thuận được ký kết thành công, kết quả có thể dẫn đến những hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD của Trung Quốc gia tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ trong những năm tiếp theo. Đó sẽ là một bước ngoặt trong thương mại Mỹ- Trung bởi giao dịch khí đốt hai bên đã đình trệ kể từ năm 2019- thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến tranh thương mại.
Hiện tại các công ty liên quan đều từ chối bình luận về thương vụ này. Vẫn chưa thể ước tính tổng khối lượng các thỏa thuận đang được đàm phán, nhưng chỉ riêng Tập đoàn quốc doanh Sinopec Trung Quốc có thể đạt 4 triệu tấn/năm. Sinopec được cho đang làm việc với 3 hoặc 4 công ty Mỹ nhằm mua 1 triệu tấn/năm trong vòng 10 năm, bắt đầu từ 2023. Công ty này giao dịch trên thị trường giao ngay nhiều hơn so với các đối thủ trong nước là CNOOC và PetroChina.
Ngày 11/10, Công ty phân phối khí đốt tự nhiên ENN Trung Quốc cho biết đã ký thỏa thuận mua LNG của Công ty Cheniere Energy Mỹ kéo dài 13 năm, bắt đầu từ tháng 7/2022. Đại diện ENN cho biết thỏa thuận trị giá 0,9 triệu tấn LNG/năm và được mua trên cơ sở giá FOB. Đây là thỏa thuận đầu tiên về khí đốt tự nhiên giữa hai quốc gia kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung căng thẳng năm 2018.
Nguyên nhân Trung Quốc tăng nhập khẩu LNG tại Mỹ
Sự khan hiếm trong nước
Các công ty Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp Mỹ từ đầu năm nay, nhưng những thỏa thuận được tăng cường gần đây. Nguyên nhân do giá khí đốt leo thang và tình trạng thiếu điện đang diễn ra tại Trung Quốc làm dấy lên những quan ngại về an ninh nhiên liệu trong nước.
Hàng loạt dự án LNG tại Canada và Mozambique có sự tham gia dầu tư của Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Công ty PetroChina bị trì hoãn đã thúc đẩy các công ty phải đi tìm nguồn cung để bù đắp.
Theo một nguồn tin cấp cao trong ngành công nghiệp tại Bắc Kinh cho biết về cuộc đàm phán: “Các công ty phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho mùa đông và giá cả tăng cao. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu từ tháng 8 khi giá giao ngay chạm mức 15 USD/triệu BTU”.
Theo một nguồn tin khác từ Bắc Kinh nhận định: “Sau khi trải qua sự biến động lớn của thị trường gần đây, một số nhà nhập khẩu Trung Quốc cảm thấy hối tiếc vì đã không ký đủ hợp đồng cho nguồn cung dài hạn”.
Sức ép giá cả tại thị trường châu Á và cam kết môi trường
Theo Jason Feer, Trưởng bộ phận tình báo kinh tế thuộc Công ty tư vấn Poten & Partners, giao dịch nhập khẩu từ Mỹ sẽ giúp các công ty Trung Quốc có nhiều lựa chọn về giá cả hơn trong bối cảnh định giá LNG liên quan đến dầu thô Brent tại châu Á đang gây nhiều sức ép lên hoạt động kinh doanh. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Á đã tăng hơn 5 lần trong năm nay và tình trạng càng trở nên nghiêm trọng khi mùa đông đang cận kề.
Về ngắn hạn, nhà nhập khẩu Trung Quốc đang tìm kiếm các lô hàng để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thường tăng cao trong mùa đông. Kế hoạch dài hạn là tìm kiếm nguồn cung ổn định, do cắt giảm sản xuất khí đốt được đánh giá là bước đi quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế tầm nhìn đến năm 2035 và đưa mức phát thải CO2 về 0 vào năm 2060.
Tận dụng lợi thế giá cả của Mỹ
Một nguồn tin từ Bắc Kinh nhận định: “Chúng tôi mong đợi nhiều hợp đồng sẽ được ký kết trước cuối năm nay. Nguyên nhân chủ yếu được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và giá cả tăng cao hiện nay. Nguồn cung cấp của Hoa Kỳ là hấp dẫn.” Khí đốt Mỹ trước đây đắt hơn so với nguồn cung từ Qatar và Australia, nhưng hiện nay đã rẻ hơn.
Các nhà xuất khẩu LNG của Bắc Mỹ đã tăng công suất để đáp ứng nhu cầu từ châu Á. Vào cuối tháng 9, Công ty Cheniere, nhà xuất khẩu LNP lớn nhất của Mỹ, tuyên bố sẽ mở rộng dự án Corpus giai đoạn 3 vào năm tới để đáp ứng một số giao dịch thương mại. Trong khi đó, Venture Global (Mỹ) cũng đang gia tăng năng lực sản xuất LNG.
Phạm Thu Thanh (theo G Captain, Reuters)