Chính phủ Đức vừa thông báo công dân nước này hạn chế di chuyển qua lại với Thổ Nhĩ Kì, đồng thời cảnh báo trừng phạt kinh tế đối với đồng minh cùng khối NATO. Căng thẳng lên cao sau khi Thổ Nhĩ bắt giữ 6 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có một công dân Đức với cáo buộc liên quan tới hoạt động khủng bố.
“Thổ Nhĩ Kỳ không còn là một điểm đến an toàn cho công dân Đức”, Reuters trích lời Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức Sigmar Gabriel.
“Những chính sách đối ngoại với Thổ Nhĩ Kỳ của chúng ta cần đi theo một hướng mới, chúng ta không thể tiếp tục nhân nhượng như trước đây”. Ông Gabriel nói với phóng viên sau khi cho biết Đức sẽ xem xét lại các đảm bảo của nhà nước đối với đầu tư nước ngoài tại Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi các doanh nhân không đổ tiền vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu của ông Gabriel vấp phải nhiều phản ứng từ Ankara. “Việc gieo rắc hoài nghi vào những nhà đầu tư Đức ở Thổ Nhĩ Kỳ là hành động không thể chấp nhận”, người phát ngôn của Tổng thống Erdogan tuyên bố ngày hôm qua.
Trước đó, ngày 19/7, Đức cảnh báo dừng khoản hỗ trợ trị giá 3 tỷ Euro mà Liên minh châu Âu (EU) cam kết dành cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào Lục địa già. Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn chính thức của Chính phủ Ðức Steffen Seibert cho biết nước này sẽ xem xét lại khoản hỗ trợ của EU dành cho Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.
Ông Juergen Hardt, một thành viên trong đảng đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, nhận xét “Thổ Nhĩ Kỳ đã khép lại chính cánh cửa gia nhập EU của mình. Không ai muốn đầu tư vào một đất nước, nơi mà tòa án tối cao chỉ là một công cụ hỗ trợ cho đảng cầm quyền APK”.
Căng thẳng giữa hai nước bắt đầu gia tăng sau khi Đức liên tục bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ủng hộ Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo lưu vong ở Mỹ, và bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái.
Hôm thứ tư vừa qua, nhật báo Die Zeit của Đức loan tin chính quyền Ankara đã giao cho Berlin một danh sách 68 công ty Đức được cho là có liên quan tới giáo sĩ Gulen, gồm cả ông lớn ngành hóa chất BASF.
Đức là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Đức là bạn hàng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch xuất nhập khẩu 35,5 tỷ USD.
Căng thẳng ngoại giao giữa hai cường quốc Á – Âu còn được cho là sẽ tác động lớn tới du lịch, lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm ngoái, lượng du khách nước ngoài tới Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống còn 25,4 triệu người, con số thấp kỉ lục trong gần một thập kỉ qua. Được biết, ngành du lịch đóng góp khoảng 30 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế nước này.
Võ Quyền