Cú trả miếng bất ngờ của nhà lãnh đạo Liên Xô
Ngày 14/10/1962, một chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ đã chụp được các bức ảnh cho thấy sự hiện diện của các tên lửa hạt nhân Liên Xô ở Cuba. Từ lâu, người Mỹ đã biết đến sự tồn tại của các tên lửa Liên Xô trên đất Cuba, tuy nhiên, đó chỉ là những tên lửa thông thường. Trong Chiến tranh Lạnh, khi mà cả hai phe đều chĩa vũ khí vào nhau thì điều đó không có gì là ghê gớm. Nhưng những tên lửa mới được phát hiện, mang đầu đạn hạt nhân lại là chuyện khác.
Phạm vi hủy diệt của chúng bao trùm toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ. Việc đánh chặn chúng gần như là không thể bởi Cuba chỉ cách Mỹ một eo biển hẹp. Khi người Mỹ phát hiện ra, thì đã có tới 36 quả tên lửa tầm trung R12 mang đầu đạn hạt nhân được bố trí trên đất Cuba từ cuối tháng Chín.
Đây được coi là hành động trả đũa của Liên Xô đối với các kế hoạch đầy thù địch của Mỹ nhằm vào nước này và đồng minh. Từ năm 1958, Hoa Kỳ đã triển khai hàng loạt tên lửa Thor trên đất Anh. Đến năm 1961 là các tên lửa Jupiter trên lãnh thổ Italia và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng cộng, có đến hơn 100 quả tên lửa Mỹ mang đầu đạn hạt nhân có khả năng đánh trúng Matxcova đã được triển khai trên khắp châu Âu.
Trước hàng loạt các động thái đe dọa gia tăng của Tổng thống Hoa Kỳ John Frank Kennedy, người vừa mới lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 1961, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã quyết định đưa vũ khí hạt nhân đến sát lãnh thổ đối phương. Cả thế giới như nín thở trước nguy cơ về một cuộc Thế chiến mới. Nếu cuộc chiến này xảy ra, với sự góp mặt của vũ khí hạt nhân, toàn nhân loại có nguy cơ bị hủy diệt.
Một căn cứ tên lửa hạt nhân Liên Xô tại Cuba trong cuộc khủng hoảng.
Cuộc đấu trí ba bên
Giới lãnh đạo chóp bu Hoa Kỳ ngay lập tức nhóm họp để tìm biện pháp đối phó. Năm phương án được đưa ra: Không làm gì cả; dùng áp lực ngoại giao để buộc Liên Xô tháo bỏ các tên lửa; tiến hành không kích nhắm vào các tên lửa; xâm chiếm toàn diện Cuba bằng quân sự và phong tỏa vùng biển Cuba.
Bộ Tổng tham mưu Hoa Kỳ đề nghị tấn công xâm chiếm Cuba. Họ tin rằng Liên Xô sẽ không tìm cách ngăn chặn Hoa Kỳ đánh chiếm hòn đảo này, bởi dù sao, sức mạnh tên lửa của Liên Xô vẫn chưa thể ngang hàng với Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Kennedy không đồng ý với quan điểm này. Là lãnh đạo một cường quốc, ông thừa hiểu rằng cường quốc đối phương sẽ không bao giờ bỏ rơi đồng minh của mình. Liên Xô có thể không giành chiến thắng tại Cuba do yếu thế hơn, nhưng tại Berlin, chiến tuyến trực tiếp của hai phe tại châu Âu, họ thừa sức tiến hành các biện pháp trả đũa nhằm vào quân Mỹ và NATO. Một cuộc chiến tại Cuba vì thế sẽ châm ngòi cho một cuộc Thế chiến mới.
Phương án cuối cùng đã được lựa chọn. Ngày 22/10, Tổng thống Kennedy đã ra lệnh cho hải quân phong tỏa Cuba, ngăn chặn không cho Liên Xô đưa thêm tên lửa đến thêm nữa. Ông cảnh báo rằng sẽ tấn công bất cứ chiếc tàu Liên Xô nào dám vượt qua ranh giới đỏ trên biển đó. Kennedy cũng đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân nếu những tên lửa trên đất Cuba không được rút đi. Tàu chiến Mỹ giăng kín xung quanh Cuba, khám xét tất cả các tàu thuyền ra vào quốc đảo này để tìm dấu vết của vũ khí. Máy bay do thám U2 bay lượn rợp trời suốt ngày đêm.
Các bức ảnh chụp địa hình Cuba được truyền về tổng hành dinh Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hàng giờ. Quân đội Mỹ được đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng chiến đấu. Còn các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ thì thêu dệt, phóng đại, huyễn hoặc lên đủ mọi thứ thông tin liên quan đến những trái tên lửa Liên Xô trên đất Cuba khiến dân chúng Mỹ lâm vào cảnh náo loạn, đặc biệt là tại các thành phố ven biển giáp ranh với Cuba.
Phản ứng lại, Liên Xô tuyên bố không thừa nhận lệnh phong tỏa của Hoa Kỳ. Nikita Khrushchev đã viết một lá thư gửi cho Kennedy, trong đó nói rằng việc Mỹ ra lệnh phong tỏa giao thông trong vùng biển và không phận quốc tế là một hành động gây hấn đưa con người vào vực thẳm của một cuộc chiến tranh bằng tên lửa hạt nhân toàn cầu. Quân đội Liên Xô và các nước đồng minh cũng được đặt trong tình trạng trực chiến. Một tàu ngầm Liên Xô đã được phát hiện gần Cuba.
Nhà lãnh đạo Cuba, Fidel Castro thì thúc giục Khrushchev tấn công phủ đầu Hoa Kỳ. Sự kiện Vịnh con Lợn vẫn còn khiến ông tức giận. Chỉ chưa đầy một năm trước, một nhóm người Cuba lưu vong, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, đã đổ bộ lên đất Cuba, tấn công nhằm lật đổ chính quyền non trẻ của Fidel. Vụ việc đã bất thành do quân đội Cuba với sự giúp đỡ của Liên Xô đã đánh tan lực lượng hải ngoại này.
Chủ động tháo ngòi hay nước cờ cao tay của Khrushchev ?
Trước tình thế căng thẳng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, đích thân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc U Thant đã phải vào cuộc. Ông đứng ra làm trung gian hòa giải. Các cuộc thương thuyết giữa Mỹ và Liên Xô bắt đầu diễn ra. Tổng thống Kennedy chứng tỏ thiện chí trước khi cho biết, việc nước này giám sát Cuba bằng máy bay do thám U2 sẽ vẫn phải diễn ra, nhưng đội hình máy bay này sẽ được chuyển cho hải quân Hoa Kỳ đảm nhiệm.
Bằng việc đưa CIA ra khỏi các hoạt động theo dõi Cuba, phía Mỹ sẽ dễ ăn nói hơn nếu một máy bay U2 nào đó vô tình xâm phạm bầu trời Cuba. Một chiếc máy bay trực thuộc hải quân gây ra sự cố sẽ dễ giải thích và nhận được sự cảm thông của đối phương hơn là nó thuộc cơ quan tình báo quốc gia.
Tuy nhiên, Kennedy tuyên bố không dỡ bỏ lệnh phong tỏa Cuba chừng nào Liên Xô chưa chịu rút tên lửa đi. Phía Liên Xô thì viện dẫn các điều luật, công ước quốc tế đều khẳng định rằng, hành động phong tỏa được coi là một hành động chiến tranh. Họ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh này trước khi tiếp tục đàm phán.
Tên lửa đạn đạo tầm trung R12 từng được triển khai tại Cuba vào năm 1962.
Khi các cuộc thương thuyết giữa hai bên lâm vào bế tắc, tình thế căng như dây đàn thì bất ngờ, ngày 26/10, nhà lãnh đạo Liên Xô gửi cho Tổng thống Mỹ một lá thư. Ông đề nghị một thỏa hiệp: Liên Xô sẽ rút hết các tên lửa hạt nhân trên đất Cuba, nếu Mỹ cũng triệt thoái toàn bộ các tên lửa đang nhằm vào Matcơva từ Thổ Nhĩ Kỳ và Italia. Đồng thời, Mỹ phải cam kết không được tấn công Cuba, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù có sự hiện diện của các lực lượng quân sự Liên Xô và đồng minh tại đây hay không.
Trong khi người Mỹ đón nhận tín hiệu tốt lành cho lối thoát của cuộc khủng hoảng thì nhà lãnh đạo Cuba Fidel lại tỏ ra vô cùng tức giận. Ông không hề được phía Liên Xô tham vấn về việc sẽ rút tên lửa đi. Ngày 27/10, lực lượng phòng không Cuba bắn hạ một chiếc máy bay do thám U2 khiến viên đại tá phi công thiệt mạng. Đây là người duy nhất thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng đe dọa hủy diệt cả thế giới này. Mặc dù vậy, phản ứng cứng rắn của Cuba cũng không khiến lãnh đạo hai cường quốc từ bỏ biện pháp hòa bình.
Ngày 2/10, Khrushchev chính thức tuyên bố sẽ rút bỏ các tên lửa trên đất Cuba trên các phương tiện thông tin đại chúng sau khi Tổng thống Mỹ Kennedy đồng ý với những điều khoản đánh đổi mà phía Liên Xô đề ra. Ngày 21/11/1962, Liên Xô hoàn tất việc rút tên lửa, Mỹ cũng tuyên bố xóa bỏ lệnh phong tỏa Cuba. Cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh chính thức kết thúc trong hòa bình.
Công bố với báo giới, Tổng thống Kennedy chỉ nói về cam kết sẽ không tấn công Cuba và giấu nhẹm chi tiết Mỹ phải rút bỏ tên lửa tại Thổ Nhĩ Kỳ và Italia. Báo chí Mỹ và phương Tây vì thế mà ca ngợi đây là một thắng lợi oanh liệt của phe mình. Theo họ, bằng sức mạnh của mình, nước Mỹ đã buộc Liên Xô phải rút lui mà không phải đánh đổi gì cả. Mãi đến hơn hai thập kỷ sau, những điều khoản đầy đủ của hiệp ước này mới được công bố khiến dân Mỹ chưng hửng. Liên Xô đã không phải là kẻ nhát gan như họ nghĩ, và việc phải triệt thoái tên lửa tại hai quốc gia châu Âu kia khiến cán cân sức mạnh giữa hai phe tại châu lục này bị thay đổi hoàn toàn.
Liên Xô từ chỗ bị kìm kẹp, yếu thế hơn, đã vượt lên ngang hàng, có lúc qua mặt cả Mỹ và đồng minh tại châu Âu. Đến lúc này, người Mỹ mới hiểu rằng, Khrushchev đã chơi một nước cờ độc. Những tên lửa Liên Xô tại Cuba chĩa vào lãnh thổ Mỹ, nhưng chúng lại xóa xổ được 2 căn cứ tên lửa quan trọng của đối phương tại châu Âu.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1962 cũng giúp hai siêu cường đại diện cho hai phe trong cuộc Chiến tranh Lạnh là Mỹ và Liên Xô lần đầu tiên thiết lập một đường dây nóng. Nhờ đó, thông tin giữa hai bên được trao đổi, thảo luận với nhau, tránh cho việc xảy ra xung đột từ những sự cố, va chạm nhỏ.
Hiệp ước Kennedy-Khrushchev cũng giúp Cuba trở thành hòn đảo tự do, chấm dứt mối lo thường trực cho Fidel Castro về việc sẽ bị quân đội Mỹ xâm chiếm. Một điều khiến ông Fidel chưa hài lòng là hiệp ước đã không nhân tiện giúp Cuba giải phóng vịnh Guantanamo khỏi quân đội Mỹ. Vịnh này được Chính phủ Cuba tiền nhiệm Baptista cho Mỹ thuê vô thời hạn. Hiện, Hoa Kỳ vẫn đang kiểm soát vịnh này.
Thanh Tùng (T/h)