Căng thẳng vẫn tiếp diễn
Vài tuần trở lại đây, thế giới liên tục chứng kiến tình trạng leo thang nghiêm trọng trong những căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên. Bình Nhưỡng tuyên bố với thế giới đã tới lúc họ đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất khi phải hoàn thiện đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ và nhẹ để khớp với tên lửa giúp nó hoạt động tốt nhất trong khí quyển.
Hôm 17/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Mỹ sẽ triển khai các hành động cụ thể và ngay lập tức nhằm bắn hạ tên lửa của Triều Tiên, nếu tên lửa đó được phóng về phía bất cứ nước đồng minh nào của Washington.
Trong bối cảnh căng thẳng sôi sục bao trùm khắp bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã ra dấu hiệu sẽ không chấp nhận bất cứ hành động quân sự nào của Mỹ hay Hàn Quốc, nhằm thay đổi chế độ chính trị của Bình Nhưỡng. Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh sẽ giữ thái độ trung lập nếu Triều Tiên chủ động tấn công Mỹ trước. Tuy nhiên, cũng theo tờ báo này, “nếu Mỹ và Hàn Quốc tiến hành oanh kích và cố gắng thay đổi chế độ của Triều Tiên, Trung Quốc sẽ là nhân tố đứng ra ngăn cản, không để viễn cảnh đó xảy ra”.
Mặt khác, Moscow và Bắc Kinh đã thống nhất kế hoạch “đóng băng kép”, trong đó thúc giục Washington và Seoul ngừng các cuộc tập trận chung tại khu vực, đổi lại Bình Nhưỡng cũng ngừng các cuộc thử tên lửa.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 21/8, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi”, dự kiến có hàng chục nghìn binh sĩ của hai nước tham gia. Washington và Seoul khẳng định, cuộc tập trận này mang tính phòng vệ, tuy nhiên Triều Tiên từ lâu lên án đây là cuộc tổng duyệt cho cuộc chiến tranh hạt nhân chống Triều Tiên.
Diễn biến xung quanh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đang ngày càng phức tạp khi các bên liên quan liên tục đưa ra những động thái bất ngờ nhằm đẩy mâu thuẫn lên cao. Trong bối cảnh ấy, có một sự thật khác đã được tiết lộ, đó là mối quan hệ xa cách bất thường giữa Mỹ và các quốc gia đồng minh phương Tây.
Những rạn nứt sâu sắc
“Trái ngược với mọi dự đoán, những đồng minh lâu năm của Washington ở châu Âu đang bày tỏ sự bất mãn ngày càng gia tăng với những mâu thuẫn chính trị giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như những phát ngôn của Tổng thống Donald Trump”, nhà bình luận chính trị Rostislav Ishchenko của hãng RIA Novosti nhận xét.
Trước đây, những đồng minh châu Âu của Washington đã không ít lần công khai chỉ trích chính sách của chính quyền Donald Trump đối với Triều Tiên. Việc Washington đẩy mạnh cuộc khẩu chiến với Bình Nhưỡng trong những ngày vừa qua cũng không hề nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia phương Tây. Theo Rostislav Ishchenko, thực tế cho thấy vấn đề rạn nứt trong quan hệ giữa các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Để lập luận cho quan điểm đó, ông Ishchenko đã nêu lên những diễn biến thực tế trong suốt thời gian gần đây. Theo đó, trong cuộc phỏng vấn với báo Koelner Stadt-Anzeiger, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã chỉ trích ông Trump về “những phát ngôn thiếu hiểu biết về quân sự”.
“Tổng thống Mỹ đang sử dụng những ngôn từ cho thấy sự thiếu hiểu biết về quân sự. Điều nguy hiểm nằm ở chỗ, họ khiến căng thẳng leo thang bằng ngôn ngữ và mọi chuyện lại kết thúc bằng những động thái quân sự”, ông Gabriel nhấn mạnh.
Về phần mình, cuối tuần trước, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, cuộc khủng hoảng Triều Tiên không thể giải quyết bằng “sức mạnh của nắm đấm”, đồng thời bà cũng chỉ trích cuộc chiến ngôn từ không có hồi kết giữa Washington và Bình Nhưỡng.
“Đức sẽ rất tích cực tham gia vào việc tìm kiếm các giải pháp không liên quan tới sức mạnh quân sự. Tôi cho rằng sự gia tăng căng thẳng bằng các cuộc khẩu chiến là một phản ứng sai lầm (của Mỹ)”, bà Merkel bình luận về những dòng chia sẻ của Tổng thống Trump trên mạng xã hội Twitter.
Theo chuyên gia Ishchenko, những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khiến giới quan sát lo lắng về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Washington và Bình Nhưỡng, đồng thời nó cũng cho thấy những phản ứng của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với cuộc xung đột đó.
Tuần trước, tờ báo Đức Deutsche Welle bình luận, các đồng minh châu Âu của Washington đã phải miễn cưỡng tham gia vào cuộc đối đầu quân sự tiềm ẩn giữa Mỹ và Bình Nhưỡng. Tất nhiên họ không hề hài lòng với việc này.
Tờ báo nêu rõ, Điều 5 của Hiệp ước Washington không quy định rằng các thành viên trong khối NATO buộc phải hỗ trợ các đối tác khác, mà nó tùy thuộc vào quyết định của mỗi nước về việc có nên triển khai hạm đội tới trợ giúp, hay chỉ giúp đỡ thông qua con đường ngoại giao. Tờ Deutsche Welle cho rằng Đức sẽ chỉ hỗ trợ Mỹ thông qua biện pháp ngoại giao.
Tương tự, nước Anh, đồng minh truyền thống của Mỹ, cũng sẽ không “nhảy vào viện trợ” nếu đảo Guam thuộc lãnh thổ của Mỹ bị Triều Tiên tấn công, tờ báo nêu quan điểm.
“Mặc dù trước đây các quốc gia châu Âu thường “ngoan ngoãn” hướng theo chính sách đối ngoại của Mỹ nhưng hiện tại các nước phương Tây đã dứt khoát từ chối giúp đỡ Mỹ trong việc gây hấn chống lại Triều Tiên”, ông Ishchenko nhận xét. Theo ông, trong suốt giai đoạn hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai, đây là lần đầu tiên phương Tây bị chia tách rõ ràng về một vấn đề then chốt: Chiến tranh và hòa bình. Mối quan hệ thời hậu chiến giữa Mỹ và châu Âu đang ở mức rất thấp, chuyên gia nói.
Tuy nhiên, hiện tại chiến tranh và bạo lực không phải ưu tiên của bất kỳ phía nào trong mâu thuẫn trên bán đảo Triều Tiên. Cả Mỹ và các quốc gia đồng minh châu Âu đều đang thể hiện thiện chí nhằm xây dựng một tiến trình hòa bình để tìm ra giải pháp hóa giải căng thẳng. Trong thời gian tới, phương Tây sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm kiềm chế sự giận dữ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời kêu gọi Mỹ hướng tới con đường ngoại giao để đối thoại với Triều Tiên, giới quan sát kết luận.
Xem thêm: Kết thúc cuộc khẩu chiến Mỹ-Triều: Mở cánh cửa đàm phán hay bước lùi toan tính?
D.T