Khủng hoảng Zimbabwe: Những diễn biến kịch tính

Khủng hoảng Zimbabwe: Những diễn biến kịch tính

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Thứ 6, 17/11/2017 06:00

Cuộc khủng hoảng tại Zimbabwe thu hút sự chú ý của dư luận thế giới khi quân đội xuất hiện trên khắp các tuyến phố của Thủ đô Harare, trong khi vị Tổng thống Robert Mugabe bị quản thúc tại nhà riêng.

Tổng thống 93 tuổi bị quản thúc

Sự việc bắt đầu vào giữa tuần này, khi những tiếng nổ lớn cùng âm thanh từ súng đạn được ghi nhận ở giữa Thủ đô Harare của Zimbabwe. Chỉ sau một đêm, binh sĩ của quân đội Zimbabwe đã xuất hiện trên các tuyến phố đổ về trung tâm đất nước. Xe bọc thép, xe tăng và các phương tiện, khí tài quân sự tràn ra đường dưới sự điều khiển của quân đội.

Tiêu điểm - Khủng hoảng Zimbabwe: Những diễn biến kịch tính

Tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe.

Ở những diễn biến đầu tiên, quân đội Zimbabwe đã chiếm trụ sở đài truyền hình quốc gia ZBC trong nhiều giờ liền. Sau đó, trong một phát ngôn chính thức được phát sóng toàn quốc, quân đội phủ nhận những đồn đoán về một vụ đảo chính, khẳng định họ đang hành động nhằm vào những tội phạm xung quanh Tổng thống Mugabe, những kẻ “đã gây ra sự xáo trộn với nền kinh tế, xã hội của quốc gia”.

Quân đội hứa hẹn khi “sứ mệnh” của họ hoàn tất, cuộc sống của người dân Zimbabwe sẽ sớm trở lại bình thường. Do đó, những người lính kêu gọi tất cả các lực lượng an ninh cùng hợp tác vì “lợi ích quốc gia” và cảnh báo mọi hành vi khiêu khích sẽ được đáp trả thích đáng.

Vị Tổng thống 93 tuổi của Zimbabwe Robert Mugabe đã bị quân đội bắt giữ, quản thúc tại nhà riêng cùng gia đình. Phía quân đội cho hay, tình trạng sức khỏe của họ vẫn ổn.

Tiêu điểm - Khủng hoảng Zimbabwe: Những diễn biến kịch tính (Hình 2).

Binh sĩ Zimbabwe trên đường phố Thủ đô Harare.

Một tài khoản mạng xã hội Twitter được cho là của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận Yêu nước (ZANU PF) đã đăng một loạt tuyên bố, chủ yếu khẳng định đó không phải một cuộc đảo chính quân sự mà chỉ là “quá trình chuyển giao không đổ máu”.

Theo tuyên bố của đảng ZANU PF, cựu Phó Tổng thống vừa bị phế truất Emmerson Mnangagwa sẽ tạm thời nắm quyền lãnh đạo đất nước. Một tài khoản Twitter chưa xác định nêu rõ: “Cả Zimbabwe và đảng ZANU đều không thuộc về ông Mugabe hay vợ ông ấy. Ngày hôm nay là thời điểm khởi đầu của một thời kỳ mới và ông Mnangagwa sẽ giúp chúng ta xây dựng một Zimbabwe tốt đẹp hơn”.

37 năm cầm quyền

Hồi đầu tháng, Tổng thống Zimbabwe vừa phế truất Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, một nhân vật cực kỳ có uy tín với lực lượng quân đội quốc gia. Ông Mnangagwa từng được dự đoán là người sẽ lên nắm quyền thay thế ông Mugabe.

Tiêu điểm - Khủng hoảng Zimbabwe: Những diễn biến kịch tính (Hình 3).

Tổng thống Zimbabwe và vợ Grace Mugabe.

Do đó, việc phế truất ông Mnangagwa được đánh giá là động thái nhằm “mở rộng đường” cho quá trình đưa người vợ Grace Mugabe (52 tuổi) của ông Mugabe trở thành Tổng thống kế nhiệm.

Là một người có học thức cao, thẳng thắn nhưng ông Mugabe cũng gây ra không ít tranh cãi trong suốt thời gian 37 năm cầm quyền. Ông từng là giáo viên, sở hữu 7 tấm bằng đại học. Mugabe được biết đến sau khi lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích đẫm máu chống lại cộng đồng thiểu số da trắng cầm quyền ở Rhodesia (tên gọi trước đây của Zimbabwe). Khi đó, ông bị bỏ tù 10 năm vì cáo buộc có “bài diễn văn lật đổ” năm 1964.

Vào năm 1980, ông Mugabe trở thành Thủ tướng của quốc gia mới độc lập Rhodesia. Sau đó 7 năm, ông chính thức lãnh đạo đất nước ở cương vị Tổng thống và từng được người châu Phi ca ngợi là vị anh hùng đấu tranh cho độc lập.

Vị Tổng thống kết hôn với bà Grace Mugabe vào năm 1996. Kể từ đó, ông đã giành chiến thắng ở một loạt các kỳ bầu cử gây tranh cãi bởi những cáo buộc gian lận. Đáng chú ý nhất là năm 2008, khi ông Mugabe được cho là đã thất bại trước đối thủ là Thủ tướng hiện tại Morgan Tsvangirai, nhưng kết quả bỏ phiếu vẫn tuyên bố ông chiến thắng.

Tiêu điểm - Khủng hoảng Zimbabwe: Những diễn biến kịch tính (Hình 4).

Ông Emmerson Mnangagwa, Phó Tổng thống vừa bị phế truất của Zimbabwe.

Còn vị Phó Tổng thống vừa bị phế truất, ông Emmerson Mnangagwa (71 tuổi), là một trong những người sáng lập đảng ZANU PF vào những năm 60. Ông cũng từng chiến đấu vì độc lập quốc gia và bị bắt giam 10 năm vào năm 1965.

Ông Mnangagwa trở thành trợ lý đặc biệt của ông Mugabe vào năm 1977, lãnh đạo cả quân đội và các cơ quan dân sự của đảng. Sau độc lập, ông Mnangagwa trở thành Bộ trưởng An ninh Quốc gia đầu tiên và giữ nhiều vị trí chính trị quan trọng, trở thành Phó Tổng thống năm 2013.

Là một cựu quân nhân đồng thời là một nhân vật có quyền lực trong đảng ZANU PF, ông Mnangagwa được xem là người kế nhiệm sáng giá của ông Mugabe. Tuy nhiên, ông này đã bị phế truất hồi đầu tháng 11/2017 vì cáo buộc âm mưu chống lại lãnh đạo và sau đó trốn sang Nam Phi. Hiện tại, ông đã về nước.

Trước những diễn biến phức tạp trên, một loạt các quốc gia đã đưa ra phản ứng. Đức và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tìm kiếm một giải pháp giải quyết khủng hoảng hòa bình. Trong khi đó, Nam Phi đề nghị quân đội Zimbabwe “không có những hành động trái hiến pháp của Chính phủ”.

Washington đã đóng cửa Đại sứ quán tại Zimbabwe và đưa ra thông báo tới công dân Mỹ đang cư trú tại đây nên hạn chế ra đường. Anh cũng đưa ra cảnh báo tương tự với người dân nước này.

Xem thêm: Lý do Lầu Năm Góc khước từ lời mời cùng diệt IS với Nga

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.