"Làm khó" Saudi Arabia vì vụ Khashoggi, Mỹ dễ mất "quyền lực Ả Rập" vào tay Nga?

"Làm khó" Saudi Arabia vì vụ Khashoggi, Mỹ dễ mất "quyền lực Ả Rập" vào tay Nga?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 4, 24/10/2018 19:00

Trong lúc Saudi Arabia bị áp lực bủa vây từ phương Tây vì vụ nhà báo Khashoggi, người Nga vẫn cho thấy rằng họ không quay lưng với đối tác Ả Rập.

Tiêu điểm - 'Làm khó' Saudi Arabia vì vụ Khashoggi, Mỹ dễ mất 'quyền lực Ả Rập' vào tay Nga?

Vụ nhà báo Khashoggi đang đe dọa quan hệ Mỹ-Saudi Arabia.

Cái chết gây chấn động toàn cầu

Khi cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi đang tiếp tục diễn biến căng thẳng, mối quan hệ giữa Saudi Arabia và các liên minh lâu đời đang rơi vào một thử thách khó khăn, theo CNBC.

Ngược lại với Tổng thống Donald Trump, người đã lên tiếng phản đối bất kỳ sự thay đổi nào đối với các giao dịch bán vũ khí cho Saudi Arabia, các thành viên của Quốc hội đang công khai kêu gọi trừng phạt đối với khách hàng số một của nước Mỹ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 21/10 đã thông báo về việc cắt giảm các giao dịch vũ khí cho vương quốc Ả Rập trong thời gian này, một động thái được nhiều nước ca ngợi.

Tuy nhiên, một khi những lời đe dọa trên trở thành sự thật, nhiều người phương Tây đang sợ rằng việc quay lưng với Saudi sẽ càng thúc đẩy quốc gia này xoay mình về phía Đông.

"Nếu Mỹ và phương Tây đều đồng lòng hướng tới các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng với Saudi, chúng tôi từng nói đùa rằng người Ả Rập sẽ chỉ im lặng và chấp nhận nó", Ayham Kamel, người đứng đầu lĩnh vực Trung Á và Bắc Phi của Eurasia Group, nói với CNBC.

“Nhưng Saudi đã bắt đầu xoay mình, họ sẽ làm ăn nhiều hơn với Trung Quốc và Nga. Tôi không nghĩ rằng ông Putin sẽ mang thêm những rắc rối cho Saudi như ông Trump đang làm”, chuyên gia này nói thêm.

Thử thách cho quan hệ

Khashoggi, một nhà bình luận cho tờ Washington Post và là nhân vật thường xuyên chỉ trích hoàng gia Ả Rập, đã mất tích bí ẩn sau khi bước vào lãnh sự quán Saudi tại Istanbul vào ngày 2/10.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ông bị sát hại bởi một nhóm người của Saudi Arabia.

Sau lời khẳng định ông Khashoggi rời khỏi lãnh sự bình an vô sự, Chính phủ Saudi tuần trước phải thừa nhận nhà báo này đã chết trong tòa nhà lãnh sự, nhưng không đưa ra nhiều chi tiết về vụ việc. Các cuộc điều tra từ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi đang được tiến hành.

Vụ bê bối đã khiến nhiều quan chức và CEO của các tập đoàn lớn từ chối tham dự một hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn được tổ chức tuần này tại Riyadh, nhằm giới thiệu các cơ hội đầu tư của Saudi.

Nhưng trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cùng với các CEO của Mỹ rời bỏ hội nghị, người đứng đầu quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) vẫn xác nhận sẽ tham dự, điều cho thấy Moscow sẽ không quan tâm nhiều đến vụ lùm xùm Khashoggi.

Cơ hội cho Nga và Trung Quốc?

Saudi Arabia đã tăng cường làm ăn với người Nga và người Trung Quốc trong vài năm trở lại đây. Hồi tháng 6, Tổng thống Vladimir Putin đón tiếp Thái tử Mohammed bin Salman tại Điện Kremlin, nơi hai bên nhất trí "mở rộng hợp tác trong các vấn đề dầu khí" sau khi hợp tác với nhau về các thỏa thuận đầu ra nhằm ổn định thị trường trong bối cảnh giá dầu thô thế giới biến động.

Tiêu điểm - 'Làm khó' Saudi Arabia vì vụ Khashoggi, Mỹ dễ mất 'quyền lực Ả Rập' vào tay Nga? (Hình 2).

Nga sẽ dang tay cứu giúp Saudi nếu người Mỹ quay lưng?

Tháng 10 năm ngoái cũng đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một vị vua Saudi – Quốc vương Salman - có chuyến thăm chính thức đến Nga, trong đó hai nước đã thành lập một quỹ đầu tư 1 tỷ USD, đi kèm với15 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết trong các lĩnh vực công nghệ, quốc phòng và nông nghiệp. Ngoài ra, Moscow cũng sẵn sàng bán cho Riyadh hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tiên tiến nhất của mình.

Trung Quốc trong khi đó là đối tác thương mại lớn nhất của vương quốc Ả Rập, với 42 tỷ USD thương mại song phương trong năm 2017. Tháng 3 vừa qua, hai bên đã ký một thỏa thuận trị giá 65 tỷ USD trong các lĩnh vực từ công nghệ năng lượng đến không gian.

Một số ý kiến của Riyadh cũng đã thảo luận về các hoạt động mua bán dầu bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng đô la để đáp trả các lệnh cấm vận của Mỹ.

Tuy nhiên, khi căng thẳng thương mại với Mỹ tiếp tục gây sức ép cho nền kinh tế Trung Quốc, điều này được cho là khó xảy ra, bởi Bắc Kinh muốn tránh gây ra xung đột lớn hơn với Washington trong giai đoạn hiện tại.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng chưa thể thay thế vũ khí của Mỹ về độ tinh vi cũng như năng lực thực chiến, theo nhận định của các chuyên gia quốc phòng.

Bắc Kinh đã có các giao dịch vũ khí trị giá 20 triệu USD với Saudi vào năm ngoái, con số vẫn còn nhỏ khi so với 3,4 tỷ USD của Mỹ, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Cân bằng với 3 “ông lớn”

Theo Saman Vakil, nhà nghiên cứu tại trung tâm phân tích Chatham House, việc Saudi Arabia có những động thái gắn kết với các trung tâm quyền lực ở phía Đông không phải là điều gì đó quá mới mẻ, nhưng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay, mọi thứ sẽ tăng tốc nhanh hơn.

"Ở Riyadh, việc đa dạng hoá các mối quan hệ và không đưa tất cả trứng vào giỏ của người Mỹ luôn là một chính sách lâu dài", Vakil nói với CNBC, lấy ví dụ về các thỏa thuận năng lượng mà Saudi đã có với Trung Quốc từ những năm 1990.

"Điều này có thể là mối quan tâm liên tục của Saudi, bởi vì nếu phải nhận về các đòn trừng phạt sắp tới từ EU hoặc Mỹ về các vấn đề nhân quyền, rõ ràng chính sách không can thiệp của Trung Quốc sẽ có ý nghĩa đối với quốc gia này về mặt chiến lược", ông nói thêm.

Tuy nhiên, liên minh gần 90 năm với Mỹ - được coi là một "mối quan hệ đặc biệt" kể từ khi quan hệ ngoại giao được thành lập lần đầu tiên vào năm 1933 - vẫn là điều tối quan trọng cho sự ổn định của vương quốc, điều mà Riyadh biết rất rõ.

"Một sự phá vỡ đối với Mỹ, dù là bất kỳ điều gì trong mối quan hệ cũng không phải là điều mà họ đang quan tâm", Vakil nói thêm. "Vì vậy, họ sẽ cố gắng duy trì ba danh mục đầu tư khác nhau (Mỹ, Nga, Trung Quốc)".

"Hoàng gia Saudi sẽ suy yếu nếu không có sự ủng hộ của Mỹ", Kamel của Eurasia Group thừa nhận những lợi ích mà Saudi có được từ nhiều thập kỷ ủng hộ quân sự và ngoại giao của Washington.

Theo nhà phân tích này, mặc dù không có Mỹ, Saudi cũng sẽ không thể sụp đổ, nhưng quốc gia Ả Rập sẽ không thể nào mạnh mẽ giống như hiện tại.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.