Nghiên cứu khoa học là để giúp con người phát triển, tìm ra những công nghệ, những phương thuốc chữa bệnh mới cho nhân loại. Nhưng ngược lại với những giá trị nhân văn mà người dân mong mỏi. Trong lịch sử, nhiều nhà khoa học đã tiến hành những phương pháp không những không cứu được người mà còn gây ra biết bao cái chết cho người dân, cho những đứa trẻ vô tội. Cũng có nhiều kẻ lợi dụng điều này, trá hình dưới cái mác ‘tìm thuốc cứu người’ để tiến hành những phương pháp tàn độc nhằm giết chết người bệnh. Dưới đây là một vài phương pháp mang tính chất hủy hoại của các nhà khoa học trong lịch sử.
Thí nghiệm triệt sản
Vào ngày 14/7/1933, Luật Phòng chống gen khiếm khuyết Progeny đã được thông qua nhằm tránh các nguồn gen xấu di truyền lại qua các thế hệ sau bao gồm các gen gây yếu thần kinh, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, mù, điếc và các dị tật khác. Có khoảng 1% dân số trong độ tuổi 17 đến 24 đã bị triệt sản trong vòng 2 năm.
Trong vòng 4 năm sau, có 300.000 tù nhân bị triệt sản trong các trại tập trung tại Auschwitz và Ravensbruck, dưới sự chỉ huy của bác sĩ Carl Clauberg. Người ta hy vọng sẽ tìm ra cách triệt sản hàng triệu người trong 1 khoảng thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất.
Các phương thức triệt sản bao gồm phẫu thuật X-quang, sử dụng thuốc hoặc tiêm i-ốt và nitrat bạc vào cơ thể nhưng chúng để lại các tác dụng phụ nghiêm trọng như chảy máu âm đạo, đau bụng dữ dội hay ung thư cổ tử cung. Do đó, Đức quốc xã ưu tiên sử dụng các phương thức triệt sản phóng xạ. Các tù nhân được đưa vào phòng và phải điền một mẫu đơn đăng ký với mục đích đánh lừa họ. Các bác sĩ đã làm cho căn phòng này bị nhiễm phóng xạ làm họ bị triệt sản hoàn toàn. Một số tù nhân bị bỏng phóng xạ rất nặng.
Nghiên cứu chữa bệnh giang mai Tukegee
Năm 1930, cơ quan dịch vụ y tế Mỹ tiến hành một nghiên cứu về bệnh giang mai - căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Chiến dịch này được quảng bá rộng rãi, hứa hẹn "điều trị đặc biệt" cho chững ai có triệu chứng mắc bệnh giang mai.
Chương trình ‘chữa bệnh miễn phí’ đã thu hút được 400 người da đen Mỹ gốc Phi nghèo ứng tuyển để tiến hành thí nghiệm. Những người này cảm thấy vui sướng vì được chữa bệnh miễn phí, nhưng họ không hề hay biết mình đã bị nhiễm bệnh giang mai một cách bí mật.
Trong cuộc thử nghiệm kéo dài 40 năm, bắt đầu từ năm 1932 - 1972, các bác sỹ không chữa trị cho những người bị bệnh giang mai mà chỉ quan sát xem bệnh này phát triển như thế nào.
Những người này không bao giờ được thông báo hay chữa trị căn bệnh lây nhiễm mà chỉ nhận được bữa ăn miễn phí và bảo hiểm chôn cất.
Đến cuối nghiên cứu, chỉ có 74 người trong tổng số các đối tượng tham gia thử nghiệm còn sống. Trong số gần 400 ứng viên tham gia thí nghiệm, có 28 người đàn ông đã chết bởi bệnh giang mai, 100 người chết vì lây nhiễm các biến chứng liên quan. Ngoài ra, 40 người vợ của nạn nhân bị nhiễm bệnh và 19 trẻ em đã được sinh ra với bệnh giang mai bẩm sinh.
Dự án Mk-Ultra
Dự án Mk-Ultra là cuộc thí nghiệm được thực hiện trên cơ thể con người do CIA tiến hành vào giai đoạn thập niên 1950 đến cuối thập niên 1960. Những nạn nhân bị tiêm các loại thuốc như ma túy mạnh gây ra ảo giác (LSD), thuốc an thần, liệu pháp thôi miên, tác nhân sinh học và phóng xạ.
Thuốc được tiêm cho cả người của CIA, bác sĩ, quân nhân, y tá, nhân viên chính phủ, gái mại dâm, bệnh nhân tâm thần, tù nhân và cả những người bình thường.
Mục đích của dự án Mk-Ultra này là khống chế và khai thác tù nhân chiến tranh, đồng thời tạo ra đội quân lính Mỹ “bằng thép”, không có cảm giác sợ hãi trên chiến trường, chấp hành mọi mệnh lệnh và không biết đầu hàng dù bị tra tấn hoặc mua chuộc bằng tiền.
Dự án do CIA điều hành nên mọi việc được giữ kín, từ khâu chi tiền, chọn đối tượng đều được ngụy trang bằng nhiều dự án nghiên cứu khoa học.
Khi dự án bị "phanh phui", năm 1973, giám đốc CIA lúc bấy giờ là Richard Helms đã ra lệnh hủy tất cả các tài liệu về dự án Mk-Ultra. Do đó, cho đến nay, nhiều thông tin cụ thể liên quan đến dự án Mk-Ultra vẫn chưa được tiết lộ.
Kế hoạch điều trị đồng tính luyến ái
Kế hoạch Aversion được quân đội Nam Phi triển khai trong thập niên 70, 80 thế kỷ XX nhằm thử nghiệm và điều trị chứng đồng tính luyến ái cho gần 1.000 binh lính.
Theo "Kế hoạch Aversion", việc chữa trị "chứng bệnh" này cho các quân nhân được tiến hành trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu được tiến hành ngay tại đơn vị quân đội cơ sở, các quân nhân mắc chứng đồng tính luyến ái sẽ bị biệt giam sau khi chịu trói vào một cọc gỗ ngoài trời để đồng đội chế giễu, thậm chí đánh đập.
Các chuyên gia thời đó cho rằng, biện pháp chữa trị này sẽ tác động đến tinh thần của những người mắc chứng đồng tính luyến ái, thúc đẩy họ kiên quyết từ bỏ "chứng bệnh" này. Nếu không từ bỏ được, họ buộc phải chuyển sang điều trị ở giai đoạn 2.
Ở giai đoạn 2, binh lính được chuyển qua điều trị tại bệnh viện quân đội Voortrekkerhoogte, gần Pretoria. Dưới sự chỉ huy của tiến sĩ Aubrey Levin - người đứng đầu nghiên cứu này, bệnh nhân sẽ phải trải qua các liệu pháp giật điện với tần số tăng dần đến mức khiến họ gặp ảo giác.
Ngoài ra, một số bệnh nhân còn được thử nghiệm tiêm vào cơ thể các loại hormone tăng trưởng để chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ. Đây là liệu pháp được cho là tàn bạo dễ gây tử vong nhất cho bệnh nhân.
Ghép liền các cặp sinh đôi
Trong chiến thế giới thứ 2, quân Đức đã tiến hành hàng loạt thí nghiệm vô nhân tính nhất trên cơ thể con người trong các trại tập trung. Đối tượng của các thí nghiệm này phần lớn là người Do Thái.
Thí nghiệm gây ra cái chết hàng loạt cho các cặp song sinh được thực hiện bởi Joseph Mengele. Bác sĩ tử thần của trại tập trung Auschwitz, với mong muốn tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong gen của các cặp song sinh.
Từ năm 1943 đến năm 1944, có khoảng 1.500 cặp song sinh đã bị đưa đến để phục vụ cho các thí nghiệm và chỉ có khoảng 200 cặp sống sót. Các cặp song sinh này được phân loại theo giới tính và bị nhốt trong các doanh trại suốt quá trình tiến hành thí nghiệm. Các bác sĩ đã tiêm thuốc nhuộm vào mắt các cặp song sinh để theo dõi sự đổi màu của mắt có diễn ra không, họ truyền máu giữa 2 anh em của một cặp song sinh để kiểm tra tương thích máu và ghê rợn hơn, khâu người các cặp song sinh lại với nhau để tạo ra các cặp song sinh dính liền.
Duyên Trần