Thời gian gần đây, tắc kè hoa, thường được gọi là Chameleon, đã trở thành một vật nuôi độc được nhiều bạn trẻ Việt Nam săn lùng ráo riết.
Với nhiều chủng loại, xuất xứ khác nhau, phân bố từ châu Phi cho đến Nam Á, tắc kè hoa là một họ bò sát rất nổi tiếng trong thế giới của các loài bò sát.
Không chỉ có tác dụng ngụy trang, việc đổi màu còn là một ngôn ngữ được sử dụng để bảo vệ lãnh thổ, thể hiện cảm xúc và giao tiếp với bạn tình tiềm năng, cũng như một phương tiện điều tiết thân nhiệt.
Các tế bào chứa nhiều sắc tố nằm dưới da tắc kè hoa có thể mở, đóng để phơi bày màu sắc. Ví dụ, khi tức giận, tắc kè hoa mở tế bào chứa sắc tố nâu - melanin, giúp biến nó thành màu thẫm. Khi ve vãn bạn tình, nó tạo ra rất nhiều màu sắc và hoa văn.
Loài tắc kè hoa được nuôi phổ biến nhất là Veiled Chameleon. Một loài khác là Panther Chameleon có vằn đỏ vàng cũng rất được ưa chuộng.
Tắc kè hoa được đưa vào Việt Nam từ các trang trại ở nước ngoài. Giá của chúng không rẻ chút nào: một con non nhỏ cỡ hai ngón tay giá cũng xấp xỉ 1 triệu đồng, cỡ càng to thì giá càng cao. Ngoài ra, tùy theo chủng loại và màu sắc, giá của chúng cũng khác nhau.
Trong tự nhiên, tắc kè hoa chủ yếu sống trên cây. Chúng thường ngồi bất động hàng giờ đồng hồ và chờ đợi con mồi để đi qua. Thức ăn chủ yếu là các loài động vật chân đốt và nhỏ có xương sống. Do cử động chậm chạp, thích bám vào một chỗ cố định và rất hiền lành, tắc kè hoa là một vật cưng rất phù hợp để nâng niu trên tay, thậm chí là đem ra đường chơi.
Theo Khám phá