PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, UBND TP.HCM vừa đưa ra ý kiến vận động cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo,… yếu kém nghỉ hưu trước thời hạn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: Theo quan điểm của tôi, hiện nay, đề xuất đó là khá hợp lý. Bởi, bộ máy Nhà nước của chúng ta hiện đang hết sức cồng kềnh. Các công việc trong chức danh, nhiệm vụ cũng chưa rõ ràng. Nếu chúng ta làm rõ các vấn đề đó, chắc chắn rằng nhân sự trong bộ máy nhà nước ở các sở, ban, ngành,… sẽ thừa ra khá nhiều.
Thế nên, chúng ta muốn vận động cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo nghỉ hưu trước thời hạn, chủ yếu là vận động những người làm việc không hiệu quả. Những người làm tốt, có năng lực chắc chắn sẽ không nằm trong diện vận động nghỉ hưu trước.
PV: Khi có đề án vận động nghỉ hưu trước tuổi, nhiều người lo ngại rằng người có năng lực thì đi mà người không có năng lực sẽ ở lại?
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: Thực tế, trong việc vận động này khá phức tạp, chúng ta phải thực hiện hết sức cẩn thận. Bởi, nó sẽ rất dễ xảy ra các trường hợp “nhân có đề án này, một số người sẽ lợi dụng để đẩy bớt những người không cùng phe cánh với họ ra” lại rất nguy hiểm. Vì thế, khi vận động, cơ quan chức năng phải rà soát hết sức cẩn thận.
Ngoài ra, đề án này phải linh động với đề án vị trí việc làm. Ví dụ, một công việc có bao nhiêu vị trí và một vị trí bao nhiêu người... tại các cơ quan, ban, ngành. Chúng ta phải rà soát một cách cẩn thận, tránh những trường hợp người nên đi thì không đi mà người nên ở lại, lại không ở lại.
PV: Để tránh những trường hợp như ông vừa nói, khi thực hiện đề xuất vận động này, chúng ta có nên đưa ra tiêu chí gì không?
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: Trước hết, để thực hiện được đề xuất này, bộ máy Nhà nước phải cải cách, minh bạch, rõ ràng, chắc chắn rằng sẽ có nhiều người không có tâm với công việc tự động xin nghỉ mà không cần vận động. Bởi, hiện nay, bộ máy Nhà nước chúng ta có một bộ phận tham nhũng, “ăn” ở mọi lúc mọi nơi.
Tại sao các cán bộ Nhà nước hưởng lương khá ít ỏi nhưng vẫn có nhiều người bám trụ? Đó là vì họ có thể kiếm thêm những khoản tiền khác. Vì vậy, một khi chúng ta minh bạch, rõ ràng trong bộ máy Nhà nước sẽ không cần đưa ra tiêu chí gì khi vận động. Nếu vận động không thôi chỉ là một chiều, không thuyết phục theo kiểu “nói cho hay”.
PV: Vậy, làm thế nào để bộ máy Nhà nước chúng ta tiến đến sự minh bạch, rõ ràng?
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: Hiện nay, các vấn đề liên quan đến tham nhũng, “con sâu” đục khoét trong bộ máy Nhà nước ta, những bộ phận thanh tra, kiểm tra không phát hiện ra. Đa phần, những vấn đề đó được người dân phát hiện rồi phản ánh lên báo chí. Từ đó, bộ phận thanh tra, kiểm tra mới vào cuộc. Nếu chúng ta chỉ vận động một cách tràn lan thì nó chỉ như “gãi ngứa khắp nơi”.
Ví như khi ra làm ngoài ở các công ty, nếu anh làm được việc, ông chủ cho làm tiếp cùng những chính sách đãi ngộ, còn anh không làm được chủ cho nghỉ việc ngay, hết sức rõ ràng, hoàn toàn không có tham nhũng. Nếu tham nhũng, sẽ bị đuổi việc ngay. Vì vậy, nếu chúng ta siết chặt vấn đề minh bạch rõ ràng, tự khắc, các vấn đề khác như tham nhũng, "cắp ô đi cắp ô về", nhân sự thừa, bộ máy nhà nước cồng kềnh,… tự khắc sẽ giải quyết được.
Lành Nguyễn - Dương Hạnh