Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2012

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2012

Thứ 5, 18/04/2013 08:31

Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng cập nhật chi tiết cho Việt Nam năm 2012 vừa được Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố ngày 17/4 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, GS Trần Thục - viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng theo các kịch bản phát thải khí nhà kính toàn cầu theo 3 mức: Thấp- Trung bình- Cao

Đây là phiên bản cập nhật của kịch bản năm 2009, được bổ sung dữ liệu, kiến thức mới về hệ thống khí hậu và các phương pháp tính toán mới.

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2012 cũng cho biết, đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam tăng 2-3°C trên phần lớn diện tích cả nước, lượng mưa năm tăng từ 2-7%. 

Theo phương pháp tính toán này, Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng chia thành 7 khu vực bao gồm: Móng Cái đến Hòn Dáu; Hòn Dáu đến Đèo Ngang; Đèo Ngang đến Đèo Hải Vân; Đèo Hải Vân đến Mũi Đại Lãnh; Mũi Đại Lãnh đến Mũi Kê Gà; Mũi Kê Gà đến Mũi Cà Mau; Mũi Cà Mau đến Hà Tiên.

Việc phân chia thành 7 khu vực giúp việc tính toán mực nước biển dâng chi tiết, cụ thể hơn, đồng thời thuận lợi để phối hợp xây dựng giải pháp ứng phó mang tính liên tỉnh.

Việt Nam Xanh - Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2012

Toàn cảnh buổi lễ công bố (Ảnh VOV)

Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị việc sử dụng Kịch bản BĐKH, nước biển dâng trong việc đánh giá tác động và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó hoặc thích ứng với BĐKH, cần được xem xét và lựa chọn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực địa phương với các tiêu chí; tính đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; tính hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường; tính bền vững; tính khả thi và khả năng lồng ghép với các chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển.

Đề cập đến việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012-2020, ông Trương Đức Trí, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhấn mạnh: Theo nội dung Quyết định 1474 của Thủ tướng Chính phủ, đã có 61 dự án ưu tiên cấp bách ứng phó với BĐKH đã được phê duyệt, trong đó có 13 dự án được cấp kinh phí thực hiện trong năm nay. Mặt khác, thông qua hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này, tính đến nay Việt Nam huy động được tổng cộng 1,3 tỷ USD để ứng phó với BĐKH và nước biển dâng.

Việc triển khai, xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH sẽ được phân kỳ để thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xác định mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn và nguồn lực có được trong từng giai đoạn để đưa ra kịch bản phù hợp nhất. Theo đó, kịch bản phát thải thấp và kịch bản phát thải trung bình sẽ được áp dụng đối với các tiêu chuẩn thiết kế cho các công trình không lâu dài và các quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn. Kịch bản phát thải cao sẽ được áp dụng cho các công trình vĩnh cửu, các quy hoạch, kế hoạch dài hạn.

Ban liên chính phủ về BĐKH sẽ công bố kịch bản BĐKH toàn cầu và khu vực trong Báo cáo đánh giá lần thứ 5 vào năm 2014. Do đó, Kịch bản BĐKH của Việt Nam được tiếp tục cập nhật vào năm 2015. Các báo cáo tác động và khả năng bị tổn thương do BĐKH sẽ được rà soát, cập nhật khi kịch bản mới được công bố.

P.Sang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.