Lịch sử lâu dài của các cuộc xung đột quân sự đã dạy cho công chúng một bài học đó là một cuộc chiến tranh cũng giống như hôn nhân: “Vào thì luôn dễ nhưng thoát ra mới khó”.
Tương tự như vậy, cuộc chiến mà Mỹ có nguy cơ rơi vào với Iran cũng không ngoại lệ, tờ Business Insider nhận định.
"Đó sẽ không phải là một cuộc chiến cân sức", tướng Frank McKenzie của Mỹ từng bình luận khi căng thẳng bùng lên trong tháng này, giữa bối cảnh Washington điều các tàu chiến và máy bay ném bom để đối phó với cái gọi là “các mối đe dọa” đến từ Iran đối với lợi ích của Mỹ ở khu vực Vịnh Ba Tư.
Với tư cách là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách miền Trung (CENTCOM), tướng McKenzie sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo và thực hiện kế hoạch chiến đấu trong trường hợp chiến tranh xảy ra.
Mặc dù bác bỏ "tin tức giả" từ tờ New York Times về kế hoạch gửi 120.000 lính Mỹ đến Trung Đông, Tổng thống Donald Trump cũng không che giấu thiên hướng của mình đó là: Đã không làm thì thôi, một khi đã làm thì phải “chơi lớn”, theo Business Insider.
"Nếu chúng tôi làm điều đó, chúng tôi sẽ phải gửi một đội quân nhiều hơn thế", ông nói .
Quân đội Mỹ được đánh giá là vượt trội hơn nhiều so với Iran về mọi mặt. Không quân Iran có khoảng 330 máy bay chiến đấu, chủ yếu là các mẫu máy bay cũ, đã lỗi thời của Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô, bao gồm cả F-14 của Mỹ có từ trước Cách mạng Hồi giáo 1979.
Hải quân Iran có khoảng 130 tàu chiến đấu, cùng với ba tàu ngầm diesel và quân số của quốc gia này chiếm hơn nửa triệu, với khoảng 350.000 binh sĩ trong quân đội và 150.000 thành viên trong Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.
Quân đội Mỹ ưa dùng vũ khí tối tân và sử dụng các chiến thuật thực chiến được mài giũa qua hàng thập kỷ chiến đấu. Trong khi đó, khả năng hiện đại hóa quân đội của Iran đã bị tê liệt bởi bốn thập kỷ trừng phạt và họ đã không chiến đấu trong một cuộc chiến lớn nào trong 30 năm qua.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư năm 1991, Mỹ đã giành chiến thắng trong thời gian ngắn, ít nhất là trên mặt lý thuyết. Trong khi trận chiến tiêu biểu nhất mà người Mỹ thắng lợi là cuộc xâm lược Iraq năm 2003.
Iran có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể bằng kho vũ khí tấn công chính xác, tên lửa hành trình và máy bay không người lái có vũ khí của mình.
Cùng với đó, Iran có thể đưa cả mục tiêu quân sự và thương mại vào nguy cơ rủi ro, tiêu biểu bằng cách đóng cửa eo biển Hormuz quan trọng, nơi 1/5 lượng vận chuyển dầu của thế giới chảy qua.
Cả Mỹ và Iran đều nói rằng họ không muốn chiến tranh, nhưng với các lời đe dọa của cả hai bên, chiến tranh sẽ đến chỉ bằng một sự cố dựa trên tính toán sai lầm.
"Tôi nghĩ rằng hoàn toàn có nguy cơ đó", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nói trên CBS. "Nếu người Iran có thể phạm sai lầm khi tiến hành một cuộc tấn công ở Vịnh Ba Tư vào tàu chiến Mỹ, hoặc nếu họ thực hiện một chiến dịch chống lại quân đội Mỹ ở Iraq hoặc một cái gì đó tương tự, chính quyền có lẽ sẽ không có cách nào khác ngoài trả đũa".
Cuộc chiến Mỹ-Iran sẽ thế nào?
Mọi thứ có thể bắt đầu chậm. Một cuộc tấn công đến từ tàu tuần tra Iran nhắm vào tàu Mỹ sẽ vấp phải một cuộc không kích đáp trả từ tàu sân bay USS Abraham Lincoln ở Vịnh Ba Tư.
Trong trường hợp một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran nhắm vào tàu sân bay, sẽ có nhiều cuộc không kích của Mỹ chống lại các mục tiêu của Iran, bao gồm cả hệ thống phòng không S-300 tiên tiến mà Iran có từ Nga.
Hoạt động vận chuyển sẽ ngừng hoạt động, không phải vì Iran đóng cửa eo biển mà vì Vịnh Ba Tư đã trở thành khu vực rơi vào tình trạng chiến tranh.
Mỹ có thể trừng phạt Iran và khả năng quét sạch lực lượng không quân và đánh chìm tàu Iran, nhưng trừ khi Washington muốn xâm lược và chiếm đóng một quốc gia có diện tích gấp bốn lần Iraq, bằng không người Mỹ không thể buộc Iran đầu hàng. Những bài học của Mỹ ở Iraq và Afghanistan vẫn còn đó.
Phát động chiến tranh là một động thái mạo hiểm, đầy rẫy những tình huống khó lường và hậu quả không lường trước được, bởi không có cuộc chiến nào đi theo đúng kế hoạch.
Ngay cả trong cuộc chiến tranh Iraq năm 1991, mặc dù liên minh do Mỹ lãnh đạo đã giải phóng Kuwait chỉ sau 6 tuần ném bom và một cuộc xâm lược trên mặt đất kéo dài bốn ngày - được ca ngợi như một chiến dịch đi ra từ sách giáo khoa – vẫn khiến cho Mỹ thất bại trong nhiều năm giám sát vùng cấm bay ở phía Bắc và phía Nam.
Tưởng chừng như đó là một chiến thắng nhanh chóng và dễ dàng nhưng nó đã khiến 20.000 lính Mỹ bị trói buộc ở Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ chơi trò mèo vờn chuột với tên lửa phòng không của Saddam Hussein trong hơn một thập kỷ và trở thành một phần của động lực thúc đẩy cuộc xâm lược năm 2003 để kết thúc tất cả.
Chiến tranh với Iran cũng sẽ là một viễn cảnh rất lộn xộn. Nếu không có mục tiêu rõ ràng có thể đạt được và chiến lược rút lui thực tế, Mỹ có thể lại tiến vào cuộc chiến kéo dài mà không có cái kết thỏa mãn nào, Business Insider nhận định.