Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có văn bản thông báo nộp tiền mua cổ phần của nhà đầu tư trúng giá gửi tới công ty TNHH An Quý Hưng.
Theo đó, tại phiên đấu giá cả lô 254,9 triệu cổ phần (57,71% vốn điều lệ) tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã chứng khoán VCG) do SCIC nắm giữ, diễn ra ngày 22/11/2018, An Quý Hưng là nhà đầu tư trúng giá với mức giá trọn lô là 7.366 tỷ đồng.
Theo văn bản thông báo của SCIC, trừ số tiền đã đặt cọc, An Quý Hưng còn phải đóng 6.823 tỷ đồng để được sở hữu trọn lô cổ phần nói trên. Hạn cuối để đóng tiền là ngày 4/12/2018. Như vậy, An Quý Hưng còn không quá 1 tuần để thu xếp đủ 6.823 tỷ đồng, nếu muốn trở thành cổ đông chi phối 57,7% vốn Vinaconex.
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, việc An Quý Hưng – một công ty có quy mô vừa phải, kết quả kinh doanh không có gì nổi bật – đã “chi bạo” tới gần 7.400 tỷ đồng để “mua bằng được” lô cổ phần VCG, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm SCIC công bố và cao hơn giá cổ phiếu VCG đang giao dịch trên sàn tới 56,2%, là một ẩn số khiến giới đầu tư và dư luận tò mò.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh hiện tại cũng như tài sản của Vinaconex cũng không có gì quá hấp dẫn nhà đầu tư. Bởi vậy, các chuyên gia chứng khoán và M&A (mua bán và sáp nhập) “nói vui" rằng thương vụ An Quý Hưng "mua hớ" cổ phiếu Vinaconex chẳng khác gì "vén tay áo xô". An Quý Hưng mua VCG với mục đích gì - câu trả lời đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Thắc mắc này có lẽ sẽ được hóa giải trong vòng một tuần tới, sau khi có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi An Quý Hưng có mua đứt 57,71% cổ phần Vinaconex hay không? Phương án huy động vốn của An Quý Hưng ra sao để có 6.823 tỷ đồng trong một tuần?
Tờ Đầu tư Chứng khoán bình luận, 7.366 tỷ đồng là con số quá lớn với quy mô vốn và tài sản hiện tại của An Quý Hưng. Được biết, số tiền đặt cọc tham gia đấu giá của An Quý Hưng cũng phải đi vay thế chấp một số tài sản, kể cả quyền lợi từ việc hợp tác đầu tư dự án The Terra Hào Nam vào VPBank.
Vậy sẽ có những kịch bản nào có thể xảy ra để An Quý Hưng “xoay sở” ra số tiền còn phải nộp là 6.823 tỷ đồng trong 1 tuần?
Thông thường, để thực hiện các thương vụ M&A với quy mô lớn, nhà đầu tư thường sử dụng chiến lược LBO (viết tắt của leveraged buyout) - một hình thức mua lại và sáp nhập doanh nghiệp bằng nguồn tài chính đi vay.
Theo chiến lược này, nhà đầu tư phải có một lượng tiền nhất định để thanh toán trước một phần giá trị mua và cầm cố cổ phần vừa mua để có nguồn thanh toán cho các cổ đông cũ. Sau đó, dùng dòng tiền và tài sản của doanh nghiệp mua được cầm cố để trả lại khoản vay ban đầu.
Tuy nhiên, trong trường hợp của An Quý Hưng thì LBO không khả thi, bởi lô đấu giá vừa qua là đấu giá nguyên lô, bắt buộc An Quý Hưng phải thanh toán dứt điểm một lần toàn bộ số tiền 6.823 tỷ đồng. Nếu có công ty chứng khoán lớn nào, có nguồn tiền mạnh chịu vượt rào đứng ra nhận cầm cố cổ phiếu VCG và chấp nhận giải ngân trước khi cổ phiếu VCG về tài khoản lưu ký chứng khoán của An Quý Hưng, thì nếu căn cứ vào giá cổ phiếu đang giao dịch ngày 28/11/2019 là 18.600 đồng/CP, giá trị vay được tại công ty chứng khoán với giới hạn tối đa cấp margin cho 1 mã chứng khoán không vượt quá 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của VCG, thì số tiền vay được chỉ khoảng 200 tỷ đồng.
Chắc chắn không một bên tài trợ nào dám mạo hiểm cho vay, cầm cố cổ phiếu VCG với giá cao ngất ngưởng, cao hơn 56,2% so với giá trên sàn.
Khả năng cao An Quý Hưng sẽ sử dụng nguồn tiền mặt thông qua hợp tác đầu tư để huy động vốn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các ngân hàng cũng đang hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán, do đó, nếu đơn vị nào hợp tác đầu tư với An Quý Hưng, thì đơn vị đó cũng phải sẵn có nguồn tiền mặt, có tiềm lực tài chính mạnh.
Dù vậy, nếu có đối tác có tiềm lực tài chính mạnh, quan tâm đến VCG thì họ đã tham gia đấu giá trực tiếp, chứ không thể qua trung gian. Phải có lý do nào đó rất quan trọng, thì họ mới nhận hợp tác đầu tư với An Quý Hưng trong thương vụ VCG. Phải chăng lý do đó là họ không muốn minh bạch nguồn tiền đầu tư?
Điều quan trọng cần lưu ý là hình thức hợp tác đầu tư thường có tính pháp lý rất yếu và bên góp vốn trong trường hợp này lại không được đứng tên sở hữu cổ phiếu.
H.Y (tổng hợp)