Sự xuất hiện bất ngờ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại trụ sở NATO để yêu cầu cung cấp thêm vũ khí cho quốc gia Đông Âu đã nhấn mạnh mối lo ngại của Kiev về sự hỗ trợ của đồng minh đang suy giảm.
Mối lo ngại của Ukraine là có có sở trong bối cảnh sự phản đối của Đảng Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ và sự chú ý chuyển hướng sang cuộc xung đột tàn khốc giữa Israel và Hamas.
“Phản công là một chuyện, nhưng các vị cũng cần phải tự bảo vệ mình, vì phía bên kia là Nga, một đội quân đông đảo”, Tổng thống Zelensky cho biết tại cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels hôm 11/10, cố gắng giải thích rằng không chỉ số phận của cuộc phản công của Ukraine đang bị đe dọa.
Ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn
Các nhà phân tích cho rằng, sự gián đoạn tạm thời – dù chỉ là vài tuần – trong dòng viện trợ cũng đủ ảnh hưởng đến chiến lược và chiến thuật tác chiến của Kiev, từ đó hạn chế cuộc phản công khốc liệt của Ukraine, giảm bớt áp lực lên các lực lượng Nga và cho đối phương cơ hội khôi phục sức mạnh chiến đấu.
Rào cản đối với viện trợ quân sự và tài chính do một nhóm nhỏ đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ dựng lên khó có thể có tác động ngay lập tức, ông Max Bergmann, Giám đốc Chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết.
“Nhưng trong vài tuần nữa… nếu Quốc hội Mỹ không có gì thực sự thay đổi, tôi nghĩ điều đó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định trên chiến trường của Ukraine. Và nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của họ khi bước vào mùa đông và mùa xuân”, ông Bergmann nhận định.
Với sự không chắc chắn về nguồn viện trợ quân sự của Mỹ, việc Ukraine phải suy nghĩ lại về chiến thuật và chiến lược của mình là “không thể tránh khỏi”, ông Mick Ryan, cựu Thiếu tướng Quân đội Australia, người theo dõi chặt chẽ cuộc chiến, cho biết. Và theo ông Ryan, Tổng tham mưu trưởng Ukraine Valerii Zaluzhnyi sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản tệ nhất.
Lầu Năm Góc vẫn còn hơn 5 tỷ USD trong ngân sách để cung cấp vũ khí và hỗ trợ an ninh khác cho Ukraine thông qua Quyền Rút vốn của Tổng thống (PDA), sau khi Quốc hội Mỹ từ chối cấp thêm kinh phí. Khoản tiền này đủ dùng trong vài tháng với mức chi tiêu hiện tại. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sử dụng PDA để trang bị cho Ukraine gần 25 tỷ USD vũ khí và dịch vụ hỗ trợ.
Tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Charles Q. Brown hôm 11/10 cho biết, Washington đã lên kế hoạch bàn giao thiết bị cho đến ít nhất là ngày 1/1/2024. Cam kết chung của Mỹ và các đồng minh sẽ cho phép Ukraine giữ nguyên kế hoạch của mình, ông nói. “Tôi không cho rằng kế hoạch của họ sẽ phải thay đổi”.
Thêm 9,4 tỷ USD nữa đã được chi cho các hợp đồng mua sắm cho Ukraine trong khuôn khổ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) – một chương trình tài trợ do Bộ Quốc phòng Mỹ đứng đầu, chủ yếu là đạn pháo, máy bay đánh chặn phòng không, tên lửa tầm xa chính xác và xe bọc thép. Nhưng nhiều hợp đồng vẫn chưa được thực hiện.
Nhưng các quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận sẽ không còn lại gì trong quỹ trên cho đến khi Quốc hội “xứ cờ hoa” phân bổ thêm tiền. Tất cả sẽ có thể ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn của Kiev, trong khi đây là thời điểm quan trọng đối với Ukraine, trong bối cảnh quốc tế bắt đầu mệt mỏi và sự chú ý của thế giới chuyển sang Trung Đông.
Cuộc xung đột khốc liệt giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine cũng có thể là con dao 2 lưỡi đối với Kiev. Ukraine và Israel cuối cùng có thể sẽ phải cạnh tranh để giành được một số hỗ trợ nhất định từ Mỹ, bao gồm cả đạn pháo và máy bay đánh chặn phòng không.
Một số quan chức Mỹ cho biết điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức vì Mỹ đã cam kết viện trợ vũ khí sát thương trị giá 3,8 tỷ USD cho Israel. Nhu cầu chính của Israel hiện nay là các tên lửa đánh chặn cho hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) tầm ngắn mà Ukraine hiện không sở hữu.
“Chúng tôi có thể làm cả hai việc (hỗ trợ cả Israel và Ukraine), và chúng tôi sẽ làm cả hai”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố hôm 11/10.
Mặt khác, các quan chức Nhà Trắng và một số nhà lập pháp Mỹ đang xem xét khả năng tích hợp viện trợ cho Israel và Ukraine trong cùng một gói. Điều này có thể coi là mở ra một con đường mới trong việc hỗ trợ cho Kiev. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo khả năng này có thể xảy ra.
Định hình lại cuộc chiến
Khi tình trạng bế tắc ở Washington tiếp tục, Quân đội Ukraine sẽ có xu hướng giảm quy mô sử dụng các hệ thống vũ khí và đạn dược do Mỹ cung cấp để phòng khi nguồn viện trợ bị gián đoạn.
Với các công sự dày đặc, các bãi mìn sâu và dàn máy bay không người lái của Nga, cuộc phản công của Ukraine xoay quanh việc sử dụng pháo binh để tiêu diệt các vị trí của kẻ địch, với mức tiêu hao 6.000-7.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Do đó, tốc độ sử dụng đạn pháo của Ukraine sẽ nhanh hơn mức các đồng minh có thể sản xuất và gửi ra tiền tuyến.
“Nếu họ (Ukraine) cảm thấy không thể tiến được nữa, họ sẽ lùi bước và điều đó sẽ khiến cuộc phản công phải dừng lại”, bà Dara Massicot, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết. “Sự gián đoạn hỗ trợ dù chỉ trong vài tuần cũng có thể dẫn đến những tổn thất và sự kéo lùi”.
Trong khi đó, kho dự trữ pháo binh của Mỹ đang cạn kiệt, buộc Washington phải gửi đạn chùm gây tranh cãi tới Ukraine. Mỹ đang đặt mục tiêu tăng công suất sản xuất đạn pháo 155mm từ 28.000 quả/tháng lên 60.000 quả/tháng vào năm 2024, và 100.000 quả/tháng vào mùa hè năm 2025.
Về mặt lý thuyết, Liên minh châu Âu (EU) có thể thu hẹp khoảng cách trong viện trợ tài chính và kinh tế cho Ukraine, nhưng liên minh này còn lâu mới so được với Mỹ về viện trợ quân sự.
Vào thời điểm Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine, các nước châu Âu đã cạn kiệt lượng tồn kho vũ khí và năng lực sản xuất hàng quốc phòng rất thấp.
“Cạn trơ đáy” là từ Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO và là quan chức quân sự cấp cao nhất của NATO, sử dụng để nói về kho dự trữ đạn dược của châu Âu khi phát biểu tại Diễn đàn An ninh Warsaw vào tuần trước.
Các nước đang chạy đua để tái nạp đầy kho dự trữ của mình. EU đã dành 3 tỷ euro để cung cấp đạn pháo cho Ukraine và lấp đầy kho. Một quan chức cấp cao cho biết, EU đang trên đà đạt được mục tiêu gửi cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo trong năm nay, nhưng không rõ có bao nhiêu trong số này đến từ sản phẩm mới.
Nếu người Ukraine không tự tin về việc tiếp tục được cung cấp đầy đủ đạn pháo, đạn chùm hoặc đạn súng cối thì họ có thể buộc phải rút lui về vị trí phòng thủ, ông Bergmann của CSIS cho biết. “Vì vậy, nó thực sự sẽ định hình lại cuộc chiến đối với họ”.
Bộ Quốc phòng Nga công bố video về các đơn vị BM-21 Grad MLRS của Quân khu Trung tâm tiêu diệt các vị trí của địch trên hướng Krasny Liman, trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Video đăng trên kênh Telegram Ukraine Watch ngày 12/10/2023.
Bức tranh tương tự về phòng không cũng đang được bày ra trước mắt. Hôm 10/10, Đức tuyên bố sẽ gửi hệ thống Patriot thứ hai do Mỹ sản xuất và hệ thống IRIS-T thứ năm do Đức sản xuất tới Ukraine. Nhưng Kiev vẫn phụ thuộc vào các máy bay đánh chặn của Mỹ đối với phần lớn các khẩu đội phòng không do phương Tây thiết kế. Các lực lượng Ukraine có thể sẽ hạn chế sử dụng chúng vì lo nguồn cung bị hạn chế.
Các Bộ trưởng NATO cho rằng sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine cần phải chuyển từ cung cấp trực tiếp sang mua sắm và sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các hợp đồng với các công ty quốc phòng nước ngoài và việc mở rộng sản xuất ở Ukraine sẽ cần thời gian để mang lại kết quả.
“Ukraine đang phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và điều đó là cần thiết ngay bây giờ”, ông Oleksiy Melnyk, cựu Trung tá Không quân Ukraine và hiện là Đồng Giám đốc của tổ chức nghiên cứu Razumkov Center có trụ sở tại Kiev, cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã chỉ ra tầm quan trọng của nguồn cung phương Tây đối với Ukraine. Phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 20 của Câu lạc bộ Đối thoại Valdai hôm 5/10, ông Putin nói nếu không có nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây, Ukraine “sẽ chỉ tồn tại được 1 tuần”.
Minh Đức (Theo FT, CNN)