Kịch bản "thâu tóm, lột xác và bơm vốn" tại dự án Thanh Xuân Complex

Kịch bản "thâu tóm, lột xác và bơm vốn" tại dự án Thanh Xuân Complex

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 2, 15/01/2018 06:30

Từng “vinh dự” là 1 trong số 60 dự án vừa qua bị bộ Tài chính kiến nghị thanh tra bởi có dấu hiệu thất thoát tài sản Nhà nước, Thanh Xuân Complex đang dần đi vào những khâu hoàn thiện cuối cùng, đem lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng cho chủ đầu tư.

Thâu tóm, lột xác và bơm vốn

Cận Tết Nguyên đán 2018, dự án 24T3 Hapulico Complex (hay còn gọi là Thanh Xuân Complex) đã tiến hành đợt mở bán cuối cùng, chuẩn bị bàn giao nhà cho khách hàng trước tháng 6/2018. Với mức giá từ 35-39 triệu đồng/m2, Thanh Xuân Complex được đánh giá là dự án căn hộ cao cấp hiếm hoi còn lại trong nội thành. Đây là toà nhà cuối cùng trong tổ hợp "đất vàng" Hapulico rộng 6ha được vây quanh bởi bốn đường lớn là Ngụy Như Kon Tum, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng và Lê Văn Thiêm.

Bất động sản - Kịch bản 'thâu tóm, lột xác và bơm vốn' tại dự án Thanh Xuân Complex

Dự án Thanh Xuân Complex số 6 Lê Văn Thiêm từng nằm trong danh sách 60 dự án bị bộ Tài chính kiến nghị thanh tra bởi có dấu hiệu thất thoát tài sản Nhà nước.

Câu chuyện lắt léo về chủ đầu tư dự án khi "thâu tóm" một doanh nghiệp có vốn Nhà nước để sở hữu khu đất từ năm 2013 đến nay xứng đáng trở thành kịch bản kinh điển thâu tóm đất vàng hiện nay.

Theo giới thiệu, chủ đầu tư Thanh Xuân Complex là công ty Cổ phần Phát triển Thanh Xuân, tiền thân là công ty Cổ phần Vận tải Hành khách Thanh Xuân. Sau khi tái cơ cấu đã được CTCP Đầu tư  Phát triển Đô thị Thương mại (TUDI.,JSC) của ông Phạm Đình Mạnh mua lại và tái cơ cấu.

Theo tài liệu của PV Người Đưa Tin, ngày 7/8/2013, HĐQT CTCP Đầu tư Vinamotor (Vinamotor Invest, đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam) thông qua nghị quyết thoái toàn bộ 408.000 cổ phần - tương đương tỷ lệ 55% (vốn điều lệ 7,5 tỷ đồng) tại công ty Cổ phần Vận tải hành khách Thanh Xuân. Giá chào bán khởi điểm được đưa ra là 50.000 đồng/cổ phần.

Mức giá đưa ra ngay lập tức biến CTCP Vận tải hành khách Thanh Xuân trở thành hàng hot trên thị trường. Tuy vậy, khi nhìn vào kết quả kinh doanh không mấy nổi bật, nhà đầu tư lại đặt ra nhiều dấu hỏi.

Báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 cho thấy, doanh thu của công ty này chưa khi nào vượt quá con số 10 tỷ đồng, sụt giảm mạnh trong năm 2012. Với việc cõng thêm các chi phí, chủ yếu là tiền thuê đất tăng mạnh đã khiến đơn vị của Vinamotor Invest ngậm ngùi báo lỗ 1 tỷ đồng vào năm 2012.

Nhưng lợi thế của doanh nghiệp này lại nằm ở khu đất có vị trí đắc địa tại số 6 Lê Văn Thiêm - vị trí dự án Thanh Xuân Complex hiện nay được UBND TP.Hà Nội cho thuê 15.000m2 tại số 25 Lê Văn Thiêm trong thời hạn 15 năm để kinh doanh kho bãi (theo Hợp đồng thuê đất số 227-245/ĐC-NĐ-HĐTĐ với sở Địa chính – Nhà đất Hà Nội).

Kết luận số 1653/KL-TTTP-P2 của Thanh tra TP.Hà Nội về dự án Thanh Xuân Complex cho thấy, năm 2013 - trước thời điểm Vinamotor Invest thoái vốn, UBND TP.Hà Nội có điều chỉnh diện tích đất thuê thành 14.744m2 để làm bãi đỗ xe và văn phòng điều hành, có thời hạn 50 năm kể từ 26/10/1999.

Ngay sau khi về tay TUDI.,JSC vào năm 2014, CTCP Vận tải hành khách Thanh Xuân "lột xác" thành CTCP Phát triển Thanh Xuân, làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng 14.744m2 đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở hỗn hợp để thực hiện đầu tư dự án.

Ngày 2/12/2015, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định 6612/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Thanh Xuân Complex. Để có tiền đầu tư, TUDI.,JSC đã bơm vốn cho doanh nghiệp chủ đầu tư tăng vốn điều lệ từ 7,5 tỷ đồng vọt lên mức 305 tỷ đồng, gấp hơn 40 lần. Chỉ trong vòng 2 tháng, đơn vị này đã đóng hết tiền sử dụng đất 50 năm cho TP.Hà Nội với tổng giá trị gần 480 tỷ đồng.

Bất động sản - Kịch bản 'thâu tóm, lột xác và bơm vốn' tại dự án Thanh Xuân Complex (Hình 2).

Khu biệt thự thấp tầng "không khoảng xanh" và tổ hợp Hapulico Complex số 1 Nguyễn Huy Tưởng nhìn từ căn hộ Thanh Xuân Complex. 

Doanh nhân kín tiếng

Tuy kịch bản thâu tóm khu đất số 6 Lê Văn Thiêm hơi lòng vòng, nhưng tất cả đều xoay quanh một nhân vật chính, lại là ông chủ của TUDI.,JSC - doanh nhân Phạm Đình Mạnh cùng các dự án đất vàng ngay trung tâm Thủ đô. 

Theo tìm hiểu, TUDI.,JSC được thành lập từ năm 2005, ban đầu là thành viên của Tổng công ty Sông Hồng thuộc bộ Xây dựng. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ - ông Phạm Đình Mạnh (SN 1963) từng là cán bộ của bộ Xây dựng và là người đại diện phần vốn Nhà nước tại TUDI. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nhất, TUDI cuối năm 2016 đã tiến hành tăng vốn từ 155 tỷ đồng lên 208 tỷ đồng.

TUDI.,JSC hiện sở hữu 88% vốn công ty Cổ phần Bất động sản Hapulico – chủ đầu tư tổ hợp Hapulico Complex nằm ngay ngã ba Nguyễn Huy Tưởng - Nguỵ Như Kon Tum. Cá nhân ông Phạm Đình Mạnh từng là Phó Chủ tịch HĐQT của Hapulico. Và người đại diện pháp luật của Hapulico hiện tại cũng là một cá nhân cùng họ với ông – ông Phạm Đình Minh. Về phía công ty Cổ phần Phát triển Thanh Xuân, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này hiện tại cũng là một cá nhân mang họ Phạm Đình – ông Phạm Đình Việt.

Theo tài liệu của PV, Hapulico còn đang góp 120 tỷ đồng để cùng công ty CP Đầu tư Phát triển Thanh Xuân thực hiện dự án số 6 Lê Văn Thiêm và còn khoản phải thu 128 tỷ đồng đối với công ty mẹ - TUDI.,JSC của doanh nhân Phạm Đình Mạnh. Các khoản vốn bị chiếm dụng trên lên tới gần 250 tỷ đồng, chiếm già nửa vốn điều lệ của Hapulico.

Ở đầu kia thành phố, TUDI.,JSC còn nổi tiếng với một dự án "đất vàng" khác ngay mặt đường Láng Hạ từng "đắp chiếu" nhiều năm. Giữa tháng 7/2017, sau TUDI.,JSC đã ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện và Hợp đồng tín dụng trị giá 250 tỷ đồng với ngân hàng Vietcombank để thực hiện Dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại cao tầng tại số 11 Láng Hạ, quận Ba Đình (Friend’s Tower).

Bất động sản - Kịch bản 'thâu tóm, lột xác và bơm vốn' tại dự án Thanh Xuân Complex (Hình 3).

Dự án đất vàng số 11 Láng Hạ từng "đắp chiếu" nhiều năm đang được TUDI.,JSC và Vietcombank bơm vốn hồi sinh.

Friend’s Tower khởi công xây dựng vào ngày 17/07/2017 trên diện tích đất 1.166m2, cao 20 tầng với 7 tầng khối đế, 13 tầng phần thân và 3 tầng hầm. Giữa năm 2013, dự án 11 Láng Hạ khi đó của CTCP Đầu tư dự án Phát triển Đô thị (UDPI) đã bị UBND TP.Hà Nội “tuýt còi” vì chậm tiến độ nghiêm trọng và bị đưa vào diện thanh tra, giám sát. Theo tìm hiểu, công ty UDPI đã dừng hoạt động. Nhiều khả năng dự án sau đó đã được chuyển giao cho TUDI.

Không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc, TUDI còn góp vốn thành lập công ty TNHH Minh Hưng (vốn điều lệ 27 tỷ đồng) - pháp nhân sở hữu bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà tại 137 Nguyễn Văn Cừ, Q.Long Biên, ông Phạm Đình Mạnh làm Chủ tịch HĐTV.

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin!

Hoa Liên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.