Bò cày nương trở thành đấu sĩ
Đã thành thông lệ, những năm gần đây huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) mở hội chọi bò trong những ngày Lễ hội Chợ tình Khau Vai. Hội chọi bò ở đây xôm tụ và tưng bừng hệt như lúc các thôn bản mở hội vui chơi ngày Tết. Khác với hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), những con bò chọi ở Mèo Vạc không phải nuôi để chọi, mà thường ngày chúng vẫn cày nương, kéo xe, đến hội bò trở thành võ sỹ.
Ông Nguyễn Chí Thường, ủy viên Ban thường vụ huyện ủy, chủ tịch UBND huyện cho biết: "Chuẩn bị đến ngày hội chọi bò, những gia đình nào thấy bò nhà mình khỏe thì đăng ký với ban tổ chức. Ban tổ chức cử người đi khắp 17 xã, thị trấn, chọn ra khoảng 30 chú bò triển vọng nhất để tham gia hội chọi. Các chú bò sẽ tham gia đấu loại trực tiếp để tìm ra nhà vô địch".
Các “đấu sĩ” lao vào nhau vô cùng quyết liệt
Sân chọi bò nằm trên một bãi đất trống rộng, có diện tích xấp xỉ sân bóng đá. Ngày hội chọi, có hàng ngàn khách du lịch và người dân bản địa đến xem, quây kín vòng trong, vòng ngoài reo hò tán thưởng những cú đánh ngoạn mục. Rất nhiều du khách đến từ các tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh đều tỏ ra thích thú thưởng thức, len lỏi trong đám đông, cố chụp cho được những pha đấu ấn tượng. Giải thưởng không nhiều, chủ nhân của nhà vô địch cũng chỉ được thưởng trên chục triệu đồng. Tuy nhiên trong khi đang đấu, nhiều khán giả hâm mộ đã thưởng nóng cho những con bò có miếng đánh hay để động viên theo tinh thần thượng võ.
Theo những người dân bản địa, ở cao nguyên đá này, ngoài việc phục vụ cho lao động sản xuất (cày nương) ở núi đá cheo leo thì bò còn là hàng hóa trao đổi ở các phiên chợ vùng cao. Việc đem bò đi thi đấu là một công việc khá xa lạ đối với bà con dân bản nơi đây, bởi từ bao năm nay chú bò trở thành thành viên trong gia đình, là công cụ canh tác hữu hiệu của đồng bào. Chính vì thế, nhiều trận đấu diễn ra với những tình huống khá hài hước. Trong trận đấu, có lúc hai chú bò đối thủ nhìn nhau như những người bạn, chúng tỏ vẻ âu yếm, quấn quýt, trông rất ngộ. Tuy nhiên, cũng có những trận đấu rất ác liệt, kịch tính và vô cùng hấp dẫn.
Điểm khác biệt của hội chọi bò Mèo Vạc với các lễ hội chọi trâu, chọi bò nơi khác (khi hội kết thúc, những chú trâu, bò dù thắng hay thua cuộc đều phải giết thịt để bán với giá cao gấp mấy lần thịt thường) khi xong hội chọi, chủ của các chú bò lại dắt các đấu thủ trở về nhà để ngày mai lại tiếp tục nhiệm vụ chính là cày nương hoặc kéo xe.
Kịch tính, hấp dẫn du khách
Quy định bò tham gia chọi ở Mèo Vạc không tính theo trọng lượng vì có những con chỉ nặng chưa đầy 4 tạ, trong khi đó con to nhất nặng xấp xỉ 5 tạ. Ban tổ chức phân hạng bò ra thành hai loại A và B dựa theo cân nặng, tuổi để các cặp bốc thăm thi đấu. Anh Trần Văn Kim (tổ1, thị trấn Mèo Vạc) - chủ bò chọi đoạt giải nhất hạng B cho biết: "Trọng lượng không phải là thứ quyết định. Trong cuộc đấu quyết liệt, có khi chú bò nhẹ hơn đối thủ hàng tạ lại thắng cuộc. Như con bò vô địch năm nay của gia đình tôi chỉ nặng hơn 4 tạ, kém đối thủ bị nó cho đo ván hơn một tạ rưỡi".
Hỏi về cách thức chăm sóc bò đi dự hội chợ, anh Kim tiết lộ: "Gia đình tôi cho bò ăn, chăm sóc bình thường như bò kéo cày. Để có thể lựa chọn trong đàn một "vận động viên" tốt nhất, bà con chúng tôi thường nhắm vào những con bò tinh nghịch, năng động, lưng gù nhô cao, sừng không quá dài nhưng sắc nhọn và đặc biệt phải là con bò ăn khỏe nhất đàn". Được biết, đây là lần thứ 2 anh Kim tham gia giải chọi bò của huyện, năm trước chú bò nhà anh giành giải nhì hạng A.
Trong những hoạt động mang nhiều ý nghĩa của Lễ hội Chợ tình Khau Vai, giải chọi bò 2013 đã đem lại sự hứng khởi cho đông đảo du khách thập phương cùng bà con bản địa. Điều này hứa hẹn sẽ tăng thêm thu nhập vào các phiên chợ bò mỗi chủ nhật hàng tuần tại Mèo Vạc, nơi mà lái buôn từ miền xuôi vẫn đánh xe lên chợ Mèo Vạc để mua bò với giá từ 15- 30 triệu đồng một con, nhiều hơn hẳn khoản thu nhập vào ngô và đậu tương của đồng bào nơi đây. Và đó cũng là cơ sở để người dân có thể tự tin hơn khi phát triển giống bò độc đáo của cao nguyên đá.
Anh Nguyễn Văn Minh, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết: "Lần đầu tiên tôi đến cao nguyên đá, được xem hội chọi bò, thấy vô cùng hấp dẫn và có những giây phút hồi hộp đến thót tim khi các đấu sỹ bò lao vào nhau quyết liệt. Nhất định tôi sẽ trở lại Mèo Vạc vào mùa sau".
Hội chọi bò là một hoạt động văn hóa mang nhiều ý nghĩa, là dịp để địa phương sưu tầm, bổ sung thêm vào các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc diễn ra hàng năm, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần của bà con các dân tộc.
Giá một "bò chiến" có thể cả trăm triệu đồng Từ năm 2000 đến nay, huyện Mèo Vạc có chủ trương đẩy mạnh phát triển đàn trâu, bò hàng hoá. Đều đặn mỗi chủ nhật hàng tuần, tại Mèo Vạc lại diễn ra phiên chợ bò nhằm trao đổi, mua bán bò giữa những người nông dân và thương lái của các tỉnh dưới xuôi. Đồng thời, đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ, tâm tình của những người dân bản địa... Anh Giàng A Lầu, chủ nhân chú bò đạt giải nhất hạng A, là người từng yêu thích và chơi bò chọi cách đây 5 năm cho biết: Đây là lần thứ ba tôi đoạt giải. Con bò này khoảng 8 năm tuổi. Tôi mới mua cách đây 3 tháng từ Cao Bằng. Những con bò to, khỏe và có thể chiến đấu ác liệt thế này, giá mỗi con có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Hiện tôi đang có hai con. Khi mua cần chọn chú bò có cặp sừng to khỏe, nhọn, dáng to khỏe, cơ bắp, chân vững, đôi mắt nhanh, sáng, tai to... Tôi rất yêu thích những cuộc đấu thế này. Đã có lần tôi lặn lội gần ngàn cây số vào tận Nghệ An để chọn mua bò. |
Hoàng Sa