Gia đình có người thân bị bệnh thần kinh, quá vất vả trong việc đưa họ đi chữa bệnh. Vì bệnh nhân tâm thần bao giờ cũng khẳng định mình không tâm thần và vô cùng sợ đi chữa bệnh. Thế nhưng, những tên tội phạm trong loạt bài chúng tôi đã từng đề cập, rất thích đi chữa bệnh, tự nguyện chữa bệnh, thậm chí, đi chữa bệnh lúc nào chẳng ai biết.
Tờ giấy mà biết nói năng...
Theo những tài liệu mà chúng tôi có được sau khi "xin xỏ" và tìm kiếm ở cơ quan điều tra, tội phạm trình "chứng chỉ điên" đơn giản tới mức bất ngờ. Chỉ cần có bệnh án, có kết luận giám định pháp y (GĐPY) tâm thần của sở Y tế địa phương là được cơ quan điều tra đình chỉ điều tra bị can theo luật định để đối tượng đi chữa bệnh bắt buộc, dù có phạm tội nghiêm trọng tới mức nào.
Ảnh minh họa.
Trung tâm GĐPY tâm thần - sở Y tế Hải Phòng kết luận về "bệnh điên" của Tuấn “tượng” như sau: "Hiện nay có mắc bệnh tâm thần. Bệnh động kinh có rối loạn tâm thần (theo bảng phân loại bệnh quốc tế ICD lần X, có mã G 40). Trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội, Tuấn mắc bệnh này. Bệnh làm Tuấn giảm khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Bệnh cần theo dõi và điều trị lâu dài". Và, tương tự, Thắng "Quán Toan", Vượng "tộ tích", Dũng "tình" cũng có những kết luận như trên, ngoài ra còn có thêm cả bệnh án chữa bệnh. Rồi những tên tội phạm khác như, cha con nhà Hùng "máu"... chúng đều trình được "chứng chỉ điên" hoàn hảo. Sao lại như vậy? "Kiếm chứng chỉ điên" dễ vậy sao?
Tìm hiểu về lĩnh vực này, PV được trung tá Nguyễn Đức Hồng, người có gần 30 năm làm việc ở lĩnh vực GĐPY, đã nghỉ hưu, phân tích: "Sổ, bệnh án khám chữa bệnh tâm thần của bệnh viện có thể "dễ kiếm" chứ kết luận GĐPY thì không đơn giản. Tội phạm trình kết luận GĐPY đơn giản như vậy, chắc là có uẩn khúc gì trong đó. Bởi quy trình để đưa một người đi GĐPY tâm thần không đơn giản theo kiểu thích là được. Khi tôi còn là giám định viên, tôi thấy quy trình rất chặt chẽ.
Cụ thể, tên A. chuyển hồ sơ sang cơ quan giám định thì phải có tên cơ quan, tổ chức đề nghị giám định - tức là tư cách pháp nhân. Tự bệnh nhân hay gia đình chỉ đề nghị lên cơ quan thực thi pháp luật, chính quyền... và xét thấy, đủ điều kiện thì pháp nhân đó giới thiệu đi giám định. Họ có thể đi khám tâm thần và chữa bệnh thông thường được. Chính quyền địa phương đề xuất GĐPY tâm thần cho công dân B., chắc chắn phải dựa trên cơ sở, thấy người đó có nhiều triệu chứng tâm thần, giám định để có kết luận nhằm yêu cầu gia đình đưa đi chữa bệnh, tránh ảnh hưởng đến cộng đồng và có thể làm hồ sơ đề nghị Nhà nước hỗ trợ tiền chữa bệnh...". Trung tá Hồng khẳng định: "Tội phạm "kiếm" GĐPY tâm thần đơn giản như... chắc là thiếu sự trong sáng".
Luật sư Hà Đăng (đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: “Về nguyên tắc, bắt tội phạm xong, gia đình, người thân, luật sư và chính tội phạm đó chứng minh được mình bị bệnh tâm thần (GĐPY, sổ, bệnh án khám, chữa bệnh thường xuyên...) thì cơ quan điều tra phải cho tên tội phạm này đi chữa bệnh bắt buộc. Thế nhưng, quá trình theo dõi, cơ quan điều tra phát hiện, chúng có nhiều biểu hiện giả điên, vẫn gây án, vẫn vi phạm pháp luật thì thực hiện đúng luật, bắt chúng về quy án là đúng.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn phải xem xét kỹ kết luận GĐPY, bệnh án tâm thần của chúng là giả hay thật? Chúng có nguỵ tạo bệnh án không? Có thuê người đi chữa bệnh không? Rồi thì, chúng đi giám định có đúng quy trình không? Có thực hiện khám chữa bệnh như trong bệnh án ghi chép không hay chỉ là những tờ giấy khống, giúp chúng trốn tránh pháp luật. Nếu cơ quan điều tra chứng minh được, chúng giả điên để phạm tội, để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật thì đó là tình tiết tăng nặng khi áp dụng khung hình phạt với chúng”.
Bản Kết luận điều tra và báo cáo vụ bắt tội phạm giả điên của Công an Hải Phòng.
Điên thật thì khốn khổ không kiếm được... "chứng chỉ"
Bác L. (ở Bắc Ninh), đã ở cái tuổi thượng thọ, buồn rầu tâm sự về đứa con bị mắc bệnh thần kinh của mình: "Con trai tôi SN 1968, tên D. chẳng may mắc bệnh thần kinh, gia đình phải nhốt. Gia đình sơ ý là nó trốn ra ngoài, trêu ghẹo phụ nữ, rồi cởi hết đồ ra, đi lang thang, ảnh hưởng đến bà con. Vợ con nó cũng rất khổ vì chồng và cha. Cả gia đình đã nhiều lần "lừa", dỗ dành đủ kiểu để nó đồng ý đi khám, bị bệnh nặng, gia đình xin nhập viện tâm thần, chữa trị luôn nhưng nó nhất quyết không đi. Nó chỉ ở nhà. Nó bảo: “Con có làm sao đâu mà phải chữa bệnh. Con mà điên à! Điên mà lại có vợ, có con”.
Ông kể, lúc nó lấy vợ thì chưa phát bệnh. Hai vợ chồng chỉn chu, làm ăn được lắm...Chỉ một lần duy nhất đưa nó đi khám được là lên bệnh viện tâm thần ở chỗ cây số 4, thuộc địa phận Bắc Giang. Sau khi khám, làm các xét nghiệm trên máy, các bác sỹ khẳng định, cần phải điều trị thần kinh. Gia đình cho nhập viện gấp. Hai hôm sau, có người trong xóm gọi điện, gia đình tất tả đi xem, thấy con ở ngoài đường thật. Nó thất thểu, đen đủi, đói khát, mặt bầm dập... Từ đó, gia đình tôi nhốt con trong nhà, không cho ra ngoài nữa”.
Vợ anh D. bộc bạch: "Cả làng, cả xóm biết chồng tôi bị tâm thần nên rất thương cảm. Chính quyền địa phương thì vận động, đem chồng đi khám, lấy bệnh án về, chính quyền sẽ tìm nguồn hỗ trợ kinh phí. Thế nhưng, thủ tục mãi chẳng đủ. Lúc thì thiếu kết luận GĐPY, lúc thì thiếu sổ khám bệnh ban đầu... Chính quyền thương gia đình chúng tôi, trích quỹ của địa phương ủng hộ tiền hàng tháng".
Theo vợ anh D., đưa chồng đi khám bệnh đã khó, để được một cái kết luận GĐPY tâm thần thì càng khó hơn. Các bác sỹ giải thích rằng: Có bệnh thì chữa, có liên quan đến pháp luật đâu mà phải giám định?! Trong khi tội phạm, kiếm bộn tiền từ hành vi vi phạm pháp luật, sống sung túc, "kiếm" bệnh án, kết luận GĐPY tâm thần dễ thế.
Cùng cảnh ngộ như gia đình anh D., mẹ của H. “dở” (Hải Dương) cũng phàn nàn: "Cháu nó bị tâm thần bao năm nay, cả làng, cả xã ai chẳng biết. Đưa nó đi chữa bệnh nhiều nơi không khỏi. Gia đình mải việc, không để ý trông nom là nó trốn ra ngoài, đi lang thang. Có lần, cả nhà bỏ việc đi tìm con cả tuần mới thấy nó ở xó chợ, bẩn thỉu, hôi hám... Vì không đủ giấy tờ, gia đình chỉ cho H. đi chữa bệnh tự nguyện. Mỗi lần như thế, tốn gần 20 triệu đồng. Thế nên, việc chữa bệnh bị gián đoạn. Cả nhà để dành được tiền thì lại cho H. đi, không thì đón về. "Cháu biết, có chính sách chăm sóc người bệnh tâm thần của Nhà nước, kinh phí rất ít, sao bác không hỏi?".
Cha chị H. bộc bạch: "Con H. nhà tôi không thuộc dạng đó. Muốn vào chữa bệnh theo tiêu chuẩn, chính sách của Nhà nước, cần nhiều giấy tờ, thủ tục lắm. Bệnh án chữa bệnh chỉ là một căn cứ thôi, phải có GĐPY kết luận là bị tâm thần thì mới phải đi chữa bệnh bắt buộc, tránh ảnh hưởng đến cộng đồng. Thế nhưng, gia đình làm gì có tiền...". Mẹ chị H. cho biết thêm: "Mỗi lần đưa con đi chữa bệnh là cực hình, đầy nước mắt đối với gia đình. Nó không chịu đi, nó bảo có bị điên đâu mà bắt nó đến ở với người điên". Ai đã từng chứng kiến cơn tâm thần của chị H. thì mới thấy thương người thân của chị. Chị H. tự lột hết quần áo, chạy như điên ở trong phòng, rồi va đầu vào tường, chảy máu là cười. Vì thế, gia đình phải dùng dây xích sắt ngắn để chị di chuyển trong một không gian hẹp, không đi ra gần tường mà tự đập đầu được nữa...
Trong khi tội phạm giả điên như Vượng "tộ tích", Tuấn "tượng", Thắng "Quán Toan" lúc nào cũng bảnh bao, dùng hàng hiệu, sức nước hoa thơm nức, đi vào nhà hàng, vũ trường hưởng thụ cuộc sống vương giả...
Một người dân (xin được ẩn tên) ở cùng khu phố với Vượng "tộ tích" cho biết: Vượng vẫn sinh hoạt bình thường, với người dân khu phố thì thân thiện, không thấy biểu hiện của bệnh thần kinh. Gia đình Vượng cũng không phàn nàn gì về việc Vượng bị thần kinh. Khi cơ quan điều tra bắt Vượng và công bố, có "chứng chỉ điên", thường xuyên đi chữa bệnh... chúng tôi khá bất ngờ. Bất ngờ nhất là việc, Vượng có hẳn kết luận của GĐPY tâm thần Hải Phòng là bị tâm thần. Vị này còn cho biết thêm, theo quy định về quản lý người tâm thần ở cộng đồng, đáng ra chính quyền phải biết để quản lý nhưng chẳng hiểu sao chính quyền không quản lý mà để người điên phạm tội nghiêm trọng thế, chính quyền cũng không thể vô can trong chuyện này. |
Ngân - Lan - Anh
Kỳ cuối: Các chuyên gia nói gì về tội phạm giả điên?