Vương Trùng Dương
Trong Anh hùng xạ điêu, Vương Trùng Dương mất trước khi thời đại Xạ Điêu bắt đầu. Những câu chuyện về ông thường được kể thông qua sư đệ Chu Bá Thông và các học trò của ông.
Tại Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Vương Trùng Dương là người võ công cao nhất trong nhóm Ngũ tuyệt, hiệu là Trung Thần Thông, được giữ bộ Cửu âm chân kinh. 4 người còn lại là Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng và Bắc Cái Hồng Thất Công.
Võ công của Vương Trùng Dương là vô địch khi còn sống, nhưng cố nhà văn Kim Dung lại không nói đến xuất xứ võ công của ông, chỉ nói Vương Trùng Dương từng là một lãnh tụ chống nhà Kim, sau đó thất chí nên xuất gia làm đạo sĩ, tu tập các phép dưỡng sinh của Đạo gia. Từ đó ta có thể tạm suy luận rằng võ công của ông được sáng tạo bằng cách tổng kết các phép cận chiến từ chiến trận và phép khí công của Đạo gia.
Tiên thiên công là môn nội công thượng thặng của Vương Trùng Dương, có tác dụng đả thông kỳ kinh bát mạch, tu luyện đến mức tận cùng cũng không thua kém gì Cửu âm chân kinh vì theo lời Vương Trùng Dương, có luyện thêm nữa cũng chỉ là thiên hạ đệ nhất mà thôi. Và thực chất ông giành Cửu âm chân kinh chỉ để cho thiên hạ thái bình...
Vương Trùng Dương thu nhận 7 để tự, được giang hồ gọi là Toàn Chân Thất Tử, gồm: Mã Ngọc, Khưu Xử Cơ, Đàm Xứ Đoan, Vương Xử Nhất, Hách Đại Thông, Lưu Xứ Huyền và Tôn Bất Nhị. Trong những người này, võ công của Khưu Xử Cơ là lợi hại nhất, nhưng ông chẳng thể sánh võ công của nhóm Ngũ tuyệt, thậm chí còn chẳng đánh lại đệ tử của những cao thủ này. May thay Toàn Chân Thất Tử được Vương Trùng Dương truyền thụ lại Thiên Canh Bắc Đẩu trận, phát huy sức mạnh tập thể của 7 người, mới giúp Toàn Chân Giáo có thể trụ vững trên võ lâm thêm một thời gian.
Tiêu Dao Tử
Trong Thiên long bát bộ, Tiêu Dao Tử là tổ sư sáng lập phái Tiêu Dao, tuy nhiên không có nhiều thông tin về thân thế cũng như cuộc đời của ông, nhưng thông qua các đệ tử của ông. Tiêu Dao Tử được nhiều người đọc đánh giá là một trong số những nhân vật có võ công và nội lực cao nhất trong các bộ tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung.
Ông tự mình sáng tạo ra tuyệt học riêng và truyền lại cho 3 người đệ tử. Theo thứ tự nhập môn, họ bao gồm Thiên Sơn Đồng Lão, Vô Nhai Tử và Lý Thu Thủy, Cả 3 để tử này của Tiêu Dao Tử đều là cao thủ hàng đầu trong võ lâm bấy giờ khiến nhiều người chỉ nghe đến tên cũng phải khiếp sợ. Sau này truyền đến Hư Trúc thì môn phái này không xuất hiện thêm nữa trong các tiểu thuyết khác của Kim Dung. Bảo vật trấn phái của chưởng môn Tiêu Dao là một chiếc nhẫn bằng bảo thạch.
Thậm chí, nhiều fan cho rằng với việc sáng tạo ra vô số môn võ công trác tuyệt, cải lão hoàn đồng, hay khinh công, ám khí bậc nhất thiên hạ, Tiêu Dao Tử đã vượt qua giới hạn con người, đắc đạo thành thần tiên.
Trương Tam Phong
Là người sáng lập ra Võ Đang phái danh tiếng, vo công của ông cao thâm khó lường, không có đối thủ. Hồi nhỏ ông được Giác Viễn Đại Sư truyền một phần của Cửu dương thần công, giúp nội lực đại tăng. Sau này khi về già, Trương Tam Phong còn tự sáng ra bộ võ Thái cực quyền và Thái cực kiếm lấy nguyên lý dùng tĩnh chế động, dùng nhu khắc cương. Tư chất võ học của ông khó có ai sánh bằng, đến chính cố nhà văn Kim Dung còn phải công nhận Trương Tam Phong là một nhân vật ngàn năm trước không ai hơn và ngàn năm sau cũng chẳng có ai sánh bằng.
Trương Tam Phong có 7 người đệ tử gồm: Tống Viễn Kiều, Du Liên Châu, Du Đại Nham, Trương Tùng Khê, Trương Thúy Sơn, Ân Lê Đình và Mạc Thanh Cốc, được giang hồ tôn làm Võ Đang thất hiệp. Phái Võ Đang trở thành thái sơn bắc đẩu trong võ lâm, được sánh ngang với chùa Thiếu Lâm.
Quốc Tiệp