Trong thế giới kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Trương Tam Phong, hay còn gọi là Trương Chân Nhân, tên lúc nhỏ là Trương Quân Bảo, tổ tiên gốc ở Long Hổ Sơn, tỉnh Giang Tây. Từ nhỏ ông đã được mẹ gửi đi học võ tại chùa Thiếu Lâm. Nhưng sau đó vì vô tình bộc lộ võ công cùng sư phụ là Giác Viễn đại sư nên phải chạy trốn khỏi chùa.
Nhờ bản tính thông minh hơn người, nên Trương Tam Phong đã sử dụng võ công của Thiếu Lâm để tạo nên một loại võ công mới đó là Thái cực thần công danh tiếng và xây dựng nên môn phái Võ Đang lừng lẫy.
Trong Ỷ thiên đồ long ký môn phái Võ Đang thành lập được khoảng 70 năm, lúc này sư tổ Trương Tam Phong tuổi đã rất cao. Tuy xuất hiện muộn nhưng phái Võ Đang lại sánh ngang hàng với Thiếu Lâm Tự uy chấn ngàn năm. Không chỉ nổi tiếng nhờ những tuyệt kĩ võ công của Trương Tam Phong, phái Võ Đang còn để lại ấn tượng với thế hệ đệ tử đầu đầy nghĩa khí, luôn hành hiệp trượng nghĩa. Họ được giang hồ tôn kính gọi là Võ Đang thất hiệp.
Tống Viễn Kiều
Tống Viễn Kiều là đại đệ tử của Trương Tam Phong và cao tuổi nhất, vì chưởng môn Trương Tam Phong đã nhiều tuổi, Tống Viễn Kiều là người đại diện phái Võ Đang toàn quyền điều hành và xử lý công việc. Ông chỉ có một người con trai bảo bối là Tống Thanh Thư, chiều chuộng rất mực. Nhưng vì say đắm vẻ đẹp của Chu Chỉ Nhược mà Tống Thanh Thư phản bội lại Võ Đang, giết sư thúc Mạc Thanh Cốc và có mưu đồ hạ độc vào đồ ăn thức uống để hại phái Võ Đang và Trương Tam Phong. Ông được Trương Tam Phong truyền chức chưởng môn, sau bị cách chức vì tội không giáo dục được con.
Du Liên Châu
Du Liên Châu là đệ tử thứ 2 của Trương Tam Phong, ông là người thâm trầm, ít nói, hiền lành lại thông minh nhưng cẩn thận và hành xử rất có chừng mực. Du Liên Châu được coi là có võ công cao cường nhất trong 7 đệ tử, thậm chí hơn cả Tống Viễn Kiều. Chính ông là người đón gia đình Trương Thúy Sơn về đất liền, hết lòng bảo vệ họ trải qua sóng gió giang hồ. Trong số bảy huynh đệ, ông có cơ hội tiếp xúc lâu nhất với Ân Tố Tố và hiểu rõ hoàn cảnh, con người nàng. Điều đó khiến ông yêu thương Trương Vô Kỵ hơn cả.
Sau này khi biết Tống Thanh Thư nhân phẩm đồi bại, ông dứt khoát đánh hắn suýt chết rồi lại nương tay cho đại ca xử lý. Du Liên Châu hành xử cẩn trọng, biết suy tính trước sau nên được Trương Tam Phong tin tưởng giao chức chưởng môn thay thế Tống Viễn Kiều.
Du Đại Nham
Du Đại Nham là đệ tử thứ 3 của Trương Tam Phong, trong một biến cố bất ngờ, Du Đại Nham bắt gặp Đồ Long đao và giao chiến với Ân Dã Vương của Thiên Ưng giáo, nhưng bị trúng ám khí của Ân Tố Tố làm tê liệt toàn thân. Ân Tố Tố đã trả tiền nhờ Long Môn tiêu cục của Đô Đại Cẩm để đưa Du Đại Nham về Võ Đang sơn trong vòng 10 ngày (nếu sai lệnh thì cả tiêu cục sẽ chết hết). Đô Đại Cẩm đã thực hiện đúng mọi thứ ngoại trừ việc giao nhầm Du Đại Nham cho sáu kẻ thuộc hạ của Sát Hãn Nhữ Dương Vương đang tìm kiếm tung tích của Đồ Long đao. Du Đại Nham đã chịu Đại Lực Kim Cương Chỉ và tàn phế, sau hơn 20 năm ngồi xe lăn, Du Đại Nham được Trương Vô Kỵ dùng Hắc ngọc đoạn tục cao do Triệu Mẫn đưa để trị bệnh giúp ông có thể chống nạng đi lại.
Trương Tùng Khê (Trương Tòng Khê)
Trương Tùng Khê là đệ tử thứ 4 của Trương Tam Phong, ông là người thông minh, đa mưu túc trí luôn được Trương Tam Phong hỏi ý kiến mỗi khi có những việc lớn cần sự tư vấn. Ông luôn tin rằng Trương Thúy Sơn không hại chết toàn gia quyến Long Môn Tiêu Cục nên suốt mười năm liền nghĩ cách giảng hòa cứu giúp ngũ đệ.
Biết rõ những vị tiêu đầu khác sẽ kết thù với Trương Thúy Sơn, ông khổ cực tìm hiểu ngọn ngành cuộc sống của họ có gì khó khăn rồi hết lòng cứu giúp. Những người đó mang ơn phái Võ Đang nên không sinh sự nữa, đủ thấy Trương Tòng Khê thật biết tính toán sâu xa. Ông còn góp công lớn trong trận chiến chống quân Nguyên nhờ mưu trí và sự nhiệt tình của mình.
Trương Thúy Sơn
Trương Thúy Sơn ngoại hiệu Ngân câu Thiết hoạch là đệ tử thứ 5 của Trương Tam Phong và cũng là cha của Trương Vô Kỵ. Trương Thúy Sơn là người hợp ý nhất với Trương Tam Phong vì ngộ tính cao và tài hoa. Trong lần điều tra kẻ hãm hại Du Đại Nham tại Long Môn Tiêu Cục, Trương Thúy Sơn bị nghi oan là kẻ giết chết cả tiêu cục này. Đồ Long Đao rơi vào tay Thiên Ưng giáo. Thiên Ưng giáo yêu cầu các phái khác quy phục tại hội nghị trên đảo Vương Bàn Sơn, Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn tới đây cướp lấy đao và hạ độc thủ đối với quần hùng, đồng thời bắt Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố (con gái của ‘’Bạch Mi Ưng Vương’’ Ân Thiên Chính), theo mình tới Băng Hỏa đảo tận Bắc Cực để không ai tìm được bảo đao Đồ Long.
Sau đó, Trương Thúy Sơn lấy Ân Tố Tố, sinh ra Trương Vô Kỵ. Vô Kỵ nhận Tạ Tốn làm cha nuôi, Trương Thúy Sơn kết nghĩa anh em với Tạ Tốn. Sau khi trở lại Trung thổ sau 10 năm xa cách, Trương Thúy Sơn và vợ đã tự vẫn để bảo vệ tung tích của Tạ Tốn trước sức ép của lục đại môn phái.
Ân Lê Đình
Ân Lê Đình (bản dịch cũ: Hân Lợi Hanh) là đệ tử thứ 6 của Trương Tam Phong, là người được cho là thân thiết nhất với Trương Thúy Sơn. Ân Lê Đình là người tính tình giàu tình cảm, si tình, ban đầu yêu Kỷ Hiểu Phù phái Nga My. Ân Lê Đình ôm trong lòng mối tình với Kỷ Hiểu Phù sau khi cô chết và thù hận Dương Tiêu cũng như Minh Giáo vì cho rằng Dương Tiêu đã giết Kỷ Hiểu Phù. Sau cuộc chiến trên Quang Minh đỉnh, Ân Lê Đình đau khổ biết rằng Kỷ Hiểu Phù không yêu mình trái lại lại yêu và có con với Dương Tiêu. Chàng bỏ xuống núi và bị các thuộc hạ của Triệu Mẫn dùng Đại lực Kim cương chỉ đánh gãy chân tay giống như Du Đại Nham. Sau này, nhờ có Trương Vô Kỵ dùng Hắc ngọc đoạn tục cao của Triệu Mẫn tặng, Ân Lê Đình đã khôi phục sức khỏe và võ công, đồng thời lại yêu và lấy con gái của Dương Tiêu và Kỷ Hiểu Phù là Dương Bất Hối.
Mạc Thanh Cốc
Là đệ tử cuối cùng của Trương Tam Phong, trẻ tuổi nhất và tính tình ngay thẳng, có phần nóng nảy. Mạc Thanh Cốc chứng kiến Tống Thanh Thư nhìn trộm các ni cô phái Nga My nên đã định trừng phạt nhưng đã bị Tống Thanh Thư cùng với sự trợ giúp của Trần Hữu Lượng giết chết.
Video: Tống Thanh Thư giết chết Mạc Thanh Cốc.
Quốc Tiệp