Ỷ thiên đồ long ký còn được dịch ra tiếng Việt là Cô gái đồ long, là một tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung. Đây là cuốn cuối cùng trong bộ tiểu thuyết Xạ điêu tam khúc (gồm có: Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp và Ỷ thiên đồ long ký).
Bối cảnh tiểu thuyết lấy vào cuối thời nhà Nguyên, 80 năm sau sự kiện trên đỉnh Hoa Sơn trong Thần điêu đại hiệp, lúc này nhà Nguyên đang bị suy yếu bởi các cuộc khởi nghĩa và vì sự xa hoa lãng phí của triều đình. Truyện kết thúc với sự sụp đổ của nhà Nguyên, người Mông Cổ phải rút về thảo nguyên phía bắc cùng với sự thành lập của nhà Minh bởi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Câu chuyện tranh hùng của các nhân vật lịch sử có thật như Trần Hưu Lượng và Chu Nguyên Chương thời Nguyên mạt Minh sơ, đã được cố nhà văn Kim Dung đưa vào cuốn tiểu thuyết này.
Trong truyện, Trần Hữu Lượng là trưởng lão tám túi của phái Cái Bang, lúc nhỏ Hữu Lượng là đệ tử tục gia của phái Thiếu Lâm, một lần Trương Tam Phong mang Trương Vô Kỵ bị trúng độc Huyền Minh thần chưởng đến chùa Thiếu Lâm cầu mượn cuốn Cửu dương thần công cứu mạng, đã trao đổi bằng khẩu quyết võ công phái Võ Đang, Trần Hữu Lượng mới nghe qua một lần mà thuộc lòng, đọc lại không sót chữ nào, phương trượng chùa Thiếu Lâm thấy vậy nói rằng "võ công phái Võ Đang bản tự đã có, mời Trương tôn sư về cho".
Khi thất hiệp Mạc Thanh Cốc (đệ tử thứ bảy của Trương Tam Phong) chứng kiến cháu mình Tống Thanh Thư (người được Trương Tam Phong chọn là chưởng môn đời thứ 3 và truyền thụ võ công) nhòm trộm các nữ đệ tử phái Nga My nên đã định trừng phạt. Với bản tính nông nổi, nóng vội, Tống Thanh Thư đã giết chết sư thúc mình là Mạc Thanh Cốc qua lời khiêu khích của Trần Hữu Lượng. Bất đắc dĩ phải gia nhập Cái Bang và Nga My, Tống Thanh Thư bị mọi người xem thường, khinh rẻ, gọi là gian nhân.
Trần Hữu Lượng sau đó muốn khống chế Minh giáo đối phó với Võ Đang, nên bắt ép Tống Thanh Thư hạ độc Võ Đang nhưng may thay âm mưu bị lộ ra ngoài đến tai các bậc tiền bối Võ Đang. Tống Thanh Thư vì quá si mê cuồng yêu Chu Chỉ Nhược và bị Trần Hữu Lượng xúi giục mà trở nên thân bại danh liệt.
Khi Trương Vô Kỵ tấn công vào Cái Bang, qua lời giải thích của Dương cô nương (Hoàng Sam nữ tử - được coi là hậu duệ của Dương Quá và Tiểu Long Nữ) sự thật bắt đầu hé lộ, Trần Hữu Lượng và sư phụ của hắn sát mưu đồ độc bá thiên hạ, nên đã sát hại Bang chủ Cái Bang Sử Hỏa Long, sau đó kiếm một người đóng giả Sử Hỏa Long để làm con rối cho họ.
Sau khi mưu kế bị bại lộ, Trần Hữu Lượng đã bỏ trốn khỏi phái Cái Bang, khởi xướng cuộc nổi dậy của dân nghèo chống Nguyên, đồng thời là đại kình địch của lực lượng Minh giáo do Trương Vô Kỵ cầm đầu. Ở cuối truyện, Chu Nguyên Chương lập mưu khiến Trương Vô Kỵ tưởng lầm là các tướng muốn làm phản, vì vậy chàng bỏ đi cùng Triệu Mẫn. Chu Nguyên Chương sau đó khống chế Minh giáo, đánh bại người Mông Cổ và bè đảng Trần Hữu Lượng, lập ra nhà Minh.
Video: Trần Hữu Lượng khống chế Tống Thanh Thư.
Trần Hữu Lượng là nhân vật có thật trong lịch sử
Trần Hữu Lượng (1316 - 1363) là một thủ lĩnh quân phiệt thời Nguyên mạt Minh sơ trong lịch sử Trung Quốc, là người Miện Dương, Hồ Bắc.
Năm Chí Chính thứ 19 (1359), Trần Hữu Lượng sát hại tướng Triệu Phổ Thắng và sau đó cùng Từ Thọ Huy dời kinh đô về Giang Châu (ngày nay là Cửu Giang, Giang Tây), tự lập làm Hán vương. Năm sau, lại giết Từ Thọ Huy, tự xưng làm hoàng đế, quốc hiệu Đại Hán, niên hiệu Đại Nghĩa, dùng Trâu Phổ Thắng làm thái sư, Trương Tất Tiên làm thừa tướng, Trương Định Biên làm thái uý. Chính quyền Đại Hán một mặt chống nhà Nguyên, một mặt kháng cự với quân đội của Chu Nguyên Chương.
Chu Nguyên Chương xông pha trận mạc từ lúc mới 24 tuổi, ròng rã trong suốt 16 năm trời, mới dẹp tan được tất cả các chướng ngại để lên ngôi hoàng đế vào năm 1368.
Trong thời gian tung hoành ngang dọc qua các chiến trận, địch thủ tranh bá đồ vương lợi hại nhất của ông ta là Trần Hữu Lượng, một nhân vật có thế mạnh, quân nhiều trong cuộc chiến đương thời. Phải đợi đến năm 1364 sau khi đã diệt xong được đại đối thủ Trần Hữu Lượng trong trận sống mái cuối cùng tại hồ Bà Dương (có bản dịch là Phiên Dương), địa vị của Chu Nguyên Chương về mặt quân sự mới trở nên vững chắc và từ đó ông mới có thể tiến lên xưng đế vào năm 1368.
Video: Trần Hữu Lượng bị vạch mặt ở Cái Bang.
Quốc Tiệp (t/h)