Trong số rất nhiều những mối tình được cố nhà văn Kim Dung xây dựng “khắc cốt ghi tâm”, thì mối tình oan nghiệt của Lý Mạc Sầu trong Thần điêu đại hiệp có thể nói là gây nhức nhối và khó quên nhất.
Lý Mạc Sầu là nhân vật nữ trong tác phẩm kiếm hiệp Thần điêu đại hiệp của cố nhà văn Kim Dung. Lý Mạc Sầu là đệ tử đời thứ ba của phái Cổ Mộ, là sư tỷ của Tiểu Long Nữ, là một con người rất xinh đẹp nhưng tàn độc với công phu Ngũ độc thần chưởng (còn gọi là Xích luyện thần chưởng) và Băng phách ngân châm. Lý Mạc Sầu hay cưỡi một con lừa hoa mà trên cổ có đeo một chiếc chuông có thể phát ra tiếng nhạc. Nổi tiếng mỗi lần xuất hiện thường nhắc đến câu: "Hỡi thế gian tình là chi, mà đôi lứa hẹn thề sống chết".
Đến nay, câu này vẫn được nhiều người sử dụng mỗi khi nói về tình yêu. Theo Sina, vì sự phổ biến của tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp cũng như hàng chục tác phẩm chuyển thể phim ảnh, nhiều người lầm tưởng câu trên là sáng tác của Kim Dung.
"Hỡi thế gian tình là chi, mà đôi lứa hẹn thề sống chết" vốn thuộc bài từ trong tác phẩm Mô ngư nhi - nhạn khâu của nhà văn Nguyên Hiếu Vấn (1190-1257) ở cuối nhà Kim đầu nhà Nguyên. Nguyên Hiếu Vấn là nhà văn, nhà sử học đạt thành tựu cao nhất thời đại của ông. Hiện còn hơn 1.300 bài thơ của Nguyên Hiếu Vấn được lưu truyền cùng hơn 380 bài từ, 250 tản văn.
Theo QQ, cảm hứng để Nguyên Hiếu Vấn viết bài từ đến từ lần ông đi ứng thí, trên đường gặp một thợ săn, người này kể cho ông câu chuyện một đôi chim nhạn lớn bay trên trời, người này bắt giết một con. Con còn lại lao xuống đất chết. Nhà thơ, lúc đó mới 16 tuổi, xúc động vì câu chuyện, mua xác hai con chim chôn cùng nhau, còn làm bia mộ cho chúng. Sau đó, ông sáng tác bài từ, bày tỏ sự thương cảm với tình yêu của đôi chim nhạn.
“Hỡi thế gian tình ái là chi,
Mà đôi lứa hẹn thề sống chết.
Trời Nam đất Bắc đôi nơi,
Cánh chim rũ mỏi mấy hồi hàn ôn.
Vui ân oán, biệt ly buồn,
Si tình nhi nữ, khởi nguồn bi hoan.
Tiếng xưa xa khuất mây ngàn,
Về đâu lẻ bóng Thiên San tuyết chiều.”
Hai câu “Hỡi thế gian tình ái là chi, mà đôi lứa hẹn thề sống chết” sau đó được Kim Dung sử dụng như một câu hỏi lớn nhất cuộc đời cứ đeo bám mãi Lý Mạc Sầu và khiến chữ “Tình” trong mối tình oan nghiệt của ma nữ xinh đẹp này trở nên thật day dứt.
Mối tình oan nghiệt của Lý Mạc Sầu
Lý Mạc Sầu vốn là một cái tên xinh đẹp, người đặt tên cho nàng ắt hẳn muốn nàng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc an nhàn không vương bụi trần, cũng chẳng vướng phiền muộn nhân gian. Tuy nhiên số phận khéo đưa đẩy khiến cho cô gái ngây thơ, thiện lương ấy gặp phải chàng thư sinh nho nhã hiền lành Lục Triển Nguyên để rồi đem lòng yêu thương chàng. Nhưng sau đó Lục Triển Nguyên bội ước, lấy cô gái Hà Nguyên Quân làm vợ. Cuộc tình tan vỡ đã khiến Lý Mạc Sầu trở thành một con người tàn nhẫn và độc ác.
Lý Mạc Sầu vì tình yêu mà rời bỏ môn phái, phản bội sư phụ, vứt bỏ danh tiếng nhưng đổi lại nàng chẳng được gì ngoài hai chữ “thất tình”. Cay đắng cùng cực với tình yêu bị ruồng rẫy, không cam tâm trước ánh mắt coi thường của thiên hạ, nàng nhất quyết lựa chọn cho mình một lối đi đầy oan nghiệt. Khoác lên mình bộ mặt lạnh lùng, độc ác, tàn nhẫn nàng khiến cho cả thiên hạ phải khiếp đảm trước nàng. Nỗi oán hận của nàng trời không thấu, đất không dung. Nàng có thể ra tay giết một đám người chỉ vì lẽ người ta mang tên họ Hà, cùng bộ họ Lục trùng với tình lang cũ. Nàng còn chạy ra sông Nguyên phá hủy sáu mươi ba chiếc thuyền chở hàng có đề chữ “Nguyên” trên mạn thuyền. Nàng còn thề, kẻ nào muốn nhắc đến ba chữ Hà Nguyên Quân trước mặt nàng, tức là kẻ thù không đội trời chung, hoặc kẻ đó hoặc nàng phải chết. Nàng đuổi cùng giết tận không bỏ sót bất cứ ai. Nàng hận Lục Triển Nguyên, hận vợ Lục Triển Nguyên, hận con Lục Triển Nguyên, những người nàng cho rằng đã cướp đi hạnh phúc của nàng. Mối hận mười năm không tan, mối hận khiến nàng nhất quyết không bỏ qua cho cả người chết. Khi biết tin vợ chồng Lục Triển Nguyên đã qua đời, nàng vẫn đến mộ của họ đào hài cốt của hai vợ chồng lên, vứt một bộ lên núi, một bộ xuống biển, khiến cho họ mãi mãi phải chia lìa.
Video: Lý Mạc Sầu trả thù.
Quốc Tiệp (tổng hợp)