Tiếu ngạo giang hồ được coi là một trong những tiểu thuyết đặc sắc nhất của tác giả. Bộ tiểu thuyết là những câu chuyện về sự dối trá và phản bội trong cả tình bạn lẫn tình yêu, kèm theo đó cũng là những âm mưu ham muốn quyền lực của những người muốn ngồi vào ngôi vị Minh chủ thống nhất võ lâm, cai trị cả hai phái Chính - Tà.
Trung tâm của toàn bộ cốt truyện là nhân vật chính Lệnh Hồ Xung, đại đệ tử của chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần. Xuyên suốt câu chuyện, người đọc được dẫn dắt theo hành trình trở thành một kiếm khách lẫy lừng của chàng lãng tử này, đồng thời trải nghiệm những chứng kiến của Lệnh Hồ Xung đối với nhiều âm mưu tranh quyền đoạt vị trên giang hồ.
Các diễn biến được phát triển dựa trên những huyền thoại về Tịch tà kiếm pháp của họ Lâm (Lâm Viễn Đồ). Trong quá khứ, Lâm Viễn Đồ ban đầu là một nhà sư pháp danh Ðộ Nguyên thiền sư, là đệ tử của Hồng Diệp thiền sư. Sau đó vô tình nhận được một phần bí kíp Quỳ Hoa bảo điển ở phái Hoa Sơn từ Nhạc Túc và Chu Tử Phong, ông đã hoàn tục, rời chùa Thiếu Lâm, lập gia đình, lập ra Phước Oai tiêu cục ở Phúc Châu.
Ông trở thành một cao thủ kiếm thuật, sử dụng 72 đường kiếm gọi là Tịch tà kiếm pháp đánh bại nhiều cao thủ (trong đó có đệ nhất kiếm thuật Trương Thanh Tử thuộc phái Thanh Thành) nên bí kíp Tịch tà kiếm pháp đã khiến nhiều nhân vật giang hồ thèm muốn. Trong đó có những nhân vật tiếng tăm trên giang hồ như Tả Lãnh Thiền, chưởng môn phái Tung Sơn, minh chủ khối Ngũ Nhạc, Nhạc Bất Quần, chưởng môn phái Hoa Sơn, Dư Thương Hải trưởng môn phái Thanh Thành hay Mộc Cao Phong, Lao Đức Nặc... Chính từ đây đã nảy sinh bao âm mưu, bất hòa, tranh chấp hòng giành giật pho bí kíp này, xưng bá võ lâm.
Tuy nhiên, tác hại của việc luyện Tịch tà kiếm pháp rất lớn, vì vậy vợ chồng Lâm Chấn Nam trước khi chết đã chỉ nơi giấu kiếm phổ cho Lệnh Hồ Xung, nhưng lại nhờ y căn dặn Lâm Bình Chi không luyện tập bí kíp Tịch tà kiếm phổ mà tổ tiên đã truyền lại, từ đó Lệnh Hồ Xung bị cuốn vào cuộc tranh giành đẫm máu của võ lâm. Thế nhưng ngoài Tịch tà kiếm phổ, ảnh hưởng đến cuộc đời Lệnh Hồ Xung còn có một cuốn phổ khác đó chính là nhạc phổ Tiếu ngạo giang hồ.
Tiếu ngạo giang hồ bắt đầu từ sự kiện Lưu Chính Phong - Chưởng môn phái Hành Sơn quyết định rời khỏi giang hồ và mời các đồng đạo đến dự lễ rửa tay gác kiếm. Tuy nhiên sự kiện này không thành khi chưởng môn Tả Lãnh Thiền của phái Tung Sơn và các giáo phái chính thống khác kéo đến cáo buộc Lưu Chính Phong câu kết với Ma giáo, do trước đó ông kết bạn với Khúc Dương - một thành viên của Nhật Nguyệt thần giáo.
Trước khi hi sinh vì cuộc tấn công của đồng đạo võ lâm, cả Lưu Chính Phong và Khúc Dương đã cùng nhau tấu lên Tiếu ngạo giang hồ - bản nhạc mà cả hai người từng đồng tâm sáng tác trước đó, may mắn có duyên phận kỳ ngộ Lệnh Hồ Xung, hai người ngày đã tặng lại bài nhạc cho Lệnh Hồ Xung vì mong muốn cuốn nhạc phổ này sẽ được lưu truyền hậu thế. Và từ sự kiện đó đến xuyên suốt các diễn biến tình tiết của bộ tiểu thuyết, tất cả đều sớm thể hiện rõ từng chất hỷ, nộ, ái, ố... giống như chính lời nhạc phổ Tiếu ngạo giang hồ vậy.
Lệnh Hồ Xung mang lời nhạc phổ Tiếu ngạo giang hồ trong người, gặp không biết bao nhiêu điều đau khổ. Nhưng cũng chính Tiếu ngạo giang hồ đã đưa chàng lãng tử vô hạnh này gặp được ngọc nữ Nhậm Doanh Doanh, đại tiểu thư của giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo.
Họ yêu thương nhau, đến với nhau, hoá giải được biên giới chính tà, hợp tấu cầm tiêu trong bộ Tiếu ngạo giang hồ đi đến chỗ tâm linh tương thức - điều mà hai vị tiền bối Lưu Chính Phong và Khúc Dương không thể làm được.
Sau khi trải qua bao nhiêu sóng gió và chán nản bởi tất cả các xung đột do tranh giành quyền lực, Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh từ bỏ giang hồ, kết duyên chồng vợ, ngày ngày cùng nhau tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ.
Video: Lưu Chính Phong và Khúc Dương hợp tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ.
Quốc Tiệp