Trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, cố nhà văn Kim Dung mô tả Nhạc Bất Quần là chưởng môn nhân phái Hoa Sơn, tên Nhạc Bất Quần nguyên nghĩa là "không chơi với ai" nhưng y lại có rất nhiều bạn bè. Nhạc Bất Quần tự nhận là dòng dõi Nhạc Phi đời Tống.
Nhạc Bất Quần là sư phụ của Lệnh Hồ Xung, có ngoại hiệu là Quân tử kiếm nhưng kỳ thực là một kẻ ngụy quân tử. Nhạc Bất Quần không chỉ là một nhân vật phản diện bình thường, hắn là đại diện tiêu biểu của kẻ "nguỵ quân tử".
Trước mặt nhân sĩ võ lâm, hắn luôn miệng nói về nhân nghĩa lễ trí tín nhưng sau lưng lại ngấm ngầm tiến hành những âm mưu thủ đoạn hòng chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ của Lâm gia.
Về ngoại hình, Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần là một "thư sinh có năm chòm râu dài, mặt đẹp như mặt ngọc, chính khí hiên ngang khiến người phải đem lòng ngưỡng mộ". Ngoại hiệu của y là Quân tử kiếm cho nên không bao giờ đánh lén, đánh sau lưng người khác, ăn nói mực thước, không bao giờ lên tiếng tranh biện với ai, y kết giao với rất nhiều bạn hào sĩ giang hồ chính phái.
Khi Nhạc Bất Quần xuất hiện trong phần đầu của Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung thường dùng hai chữ "tiên sinh" để ca ngợi Nhạc Bất Quần. Trong nhiều phiên bản điện ảnh, Nhạc Bất Quần luôn được tạo hình rất đạo mạo, phong thái quân tử.
Thế nhưng ít ai biết được đằng sau tài năng hơn người đó, hắn thực chất là một kẻ nham hiểm, xảo trá, dùng võ công và danh tiếng của mình cho mưu đồ nhỏ mọn. Chính vì thế không thể coi Nhạc Bất Quần là người quân tử.
Về tài năng, Nhạc Bất Quần là sư tôn một danh môn, sáng lập ra Hoa Sơn kiếm pháp lấy nội công làm căn cơ, ngoài ra Nhạc Bất Quần có môn Tử hà thần công thâm hậu, đây là môn luyện nội công và trị liệu thân thể, đồng thời giúp người luyện cải lão hoàn đồng. Nhờ môn thần công này mà Nhạc Bất Quần dù đã trên sáu mươi tuổi nhưng nhìn qua, chỉ mới như cỡ bốn mươi.
Theo mô tả của cố nhà văn Kim Dung, Tử hà thần công là môn võ công chính tông đạo gia nội công. Tu luyện môn nội công này rất khó khăn và mất nhiều năm, luyện 5 năm mới xem như là nhập môn, luyện 10 năm mới xem như là tiểu thành, muốn tu luyện tới đại thành, ít nhất cũng đến 20 năm. Nhưng nếu luyện thành, nội lực tự sinh gia tăng liên tục, sẽ có một nội lực thâm hậu, thần công này còn có tác dụng chữa thương rất hiệu quả. Chân khí của người thi triển ra có màu tím, cho nên được gọi là "Tử hà".
Nguồn gốc của môn nội công này được nhắc đến qua lời kể của Nhạc Bất Quần. Theo đó chưởng môn đời thứ 14 phái Hoa Sơn là người đã ghi chép lại bộ bí kíp này.
Có giả thuyết cho rằng Tử hà thần công bắt nguồn từ Tiên thiên công của Toàn Chân giáo. Một trong Toàn Chân Thất tử là Hách Đại Thông trong tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp là người luyện được võ công mà khi tức giận toát lên khí tím, giống như Nhạc Bất Quần. Tuy nhiên Tử hà bí kíp được ghi lại bởi một người trong phe Khí tông, trong đó có nhắc đến Quỳ hoa bảo điển một pho võ công vô địch thiên hạ. Do đó, có thể Tử hà thần công là một dị bản kết hợp bởi Tiên thiên công và Quỳ hoa bảo điển. Tử hà thần công sau này cũng không xuất hiện thêm trong các tiểu thuyết khác của cố nhà văn Kim Dung.
Video: Nhạc Bất Quần dùng Tử hà thần công đấu Dư Thương Hải.
Quốc Tiệp (t/h)