Hóa công đại pháp – hút chất độc để luyện công
Hóa công đại pháp là một môn nội công trong truyện Thiên long bát bộ của cố nhà văn Kim Dung, khởi nguồn từ Bắc minh thần công. Hóa công đại pháp được sáng tạo bởi Đinh Xuân Thu, bộ võ công này có mục đích là làm suy yếu nội lực của đối phương nhưng không thể đem nội lực của đối phương để cho bản thân sử dụng. Nguyên lý của môn võ công này là hút chất độc từ các loài độc vật vào cơ thể sau đó đánh vào cơ thể của đối thủ để hóa giải đi nội công của đối thủ. Bộ võ công này khuyết điểm là phải hút chất độc hằng ngày để luyện công và cần dùng Thần Mộc Vương Đỉnh để luyện công. Đây cũng là nguyên nhân khi A Tử đánh cắp Thần Mộc Vương Đỉnh khiến cho Đinh Xuân Thu từ Tinh Túc phải trở về Trung nguyên. Ngoài ra, Hóa công đại pháp khi phát công, đánh vào cơ thể của đối thủ mà không được thì sẽ bị chất độc từ chưởng pháp của mình đả thượng lại, chính vì vậy khi Đinh Xuân Thu đấu chưởng với Trang Tụ Hiền không được đã phải đánh vào người đệ tử để truyền chết độc đó sang người vị đồ đệ này.
Video: Đinh Xuân Thu đả thương đệ tự.
Thiên thù vạn độc thủ - làm biến dạng dung nhan
Xuất hiện trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký. Thiên thù vạn độc thủ là công phu được Ân Ly, con gái của Ân Dã Vương, và cháu nội của Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính sử dụng.
Đặc điểm của môn võ công này phải dùng nhện hoa để luyện công, khi luyện từ hai chục con nhện hoa trở đi thì chất độc trong cơ thể tích tụ đã nhiều, dung mạo bắt đầu biến đổi. Đến khi luyện xong một nghìn con, mặt mũi sẽ xấu xí vô cùng. Cứ mỗi con nhện hoa thân mình từ hoa biến thành đen, từ đen biến thành trắng thì hết chất độc mà chết, bao nhiêu chất độc trong người con nhện truyền cả vào ngón tay. Ít nhất phải luyện khoảng một trăm con nhện hoa mới là tiểu thành. Còn công phu muốn cho sâu thì phải một nghìn, hai nghìn con.
Video: Ân Ly luyện Thiên thù vạn độc thủ.
Thất thương quyền – khiến nội tạng người luyện bị tổn thương
Thất thương quyền là môn quyền pháp trấn sơn của Phái Không Động, nổi tiếng cùng với nhân vật Tạ Tốn trong Ỷ thiên đồ long ký.
Theo Kim Dung, chiêu này đánh vào thân cây trông thì không thấy gì, song một lát sau lá cây héo dần, vì bên trong các thớ gỗ đã bị rã rời, người bình thường chỉ đẩy nhẹ thôi cũng ngã.
Đặc điểm của Thất thương quyền là bên trong một thế quyền bao hàm bẩy loại kình lực khác nhau không loại nào giống loại nào.Quyền lực trong cương có nhu, trong nhu có cương, thu vào nhả ra, lúc mạnh lúc yếu, huyễn ảo trăm chiều, địch thủ khó mà đề phòng chống đỡ.
Tuy nhiên môn quyền pháp này đòi hỏi người luyện, khi bắt đầu luyện phải có một nội lực cao cường thì mới có thể dẫn khí đến mọi huyệt đạo, thu phát tuỳ tâm tuỳ ý. Nếu nội công chưa đủ khi luyện sẽ hại đến chính bản thân người luyện. Luyện Thất thương quyền cao hơn một mức, thì chính nội tạng trong cơ thể mình lại bị tổn hại thêm một mức. Một lần luyện bảy lần tổn thương.
Môn quyền thuật này được Tạ Tốn làm nổi danh giang hồ sau khi đánh cắp và tu luyện. Nhưng Tạ Tốn vì nóng lòng trả thù đã vội vàng luyện Thất thương quyền nên tâm mạch bị tổn thương, thỉnh thoảng sẽ nổi điên không nhận ra người quen. Vì vậy ngay phái Không Động cũng rất ít người dám luyện, trong phái Không Động duy chỉ có tổ sư là Mộc Linh Tử luyện thành mà danh trấn thiên hạ.
Video: Tạ Tốn luyện Thất thương quyền.
Mốn võ công phải “dẫn đao tự cung” mới luyện được
Xuất hiện trong bộ tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung. Quỳ hoa bảo điển và Tịch tà kiếm pháp có chung nguồn gốc.
Nguyên tắc luyện Quỳ Hoa Bảo Điển và Tịch tà kiếm pháp trước hết phải “dẫn đao tự cung”. Đây là loại võ công mang tính dương tà, khi luyện hơi nóng sẽ bốc lên ngùn ngụt vì vậy cần phải cắt đi bộ phận sinh dục để tránh khỏi tẩu hỏa nhập ma.
Quỳ hoa bảo điển nổi tiếng với "Thân pháp quỷ mị", xuất chiêu cực nhanh cùng với tuyệt kĩ ám khí "Tú Hoa Châm" mà vô địch. Quỳ hoa bảo điển không phải không có sơ hở nhưng vì thân pháp quá nhanh chỉ để lại tàn ảnh nên có tìm được điểm yếu cũng không dễ dàng đánh trúng.
Đông Phương Bất Bại là giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo, cũng là người duy nhất luyện thành Quỳ hoa bảo điển và trở thành đệ nhất cao thủ trong Tiếu ngạo giang hồ.
Về Tịch tà kiếm pháp, hai người trực tiếp luyện là Lâm Bình Chi và Nhạc Bất Quần đều đã tự cung và trở thành những kẻ ái nam ái nữ. Trong quá khứ, Lâm Viễn Đồ biết điều này nên đã lập gia đình, có vợ con rồi mới luyện tập để không triệt đi nòi giống của mình. Cuối đời, hiểu tác hại của Tịch tà kiếm pháp, Lâm Viễn Đồ đã giấu chiếc áo cà sa có chép Tịch tà kiếm phổ và để lại di ngôn nhắc nhở con cháu nhất quyết không được mở ra xem. Lời di chúc này dù Lâm Bình Chi biết (nhờ cha mẹ anh ta truyền qua Lệnh Hồ Xung) nhưng vì để trả thù cho cả nhà, Lâm Bình Chi vẫn quyết ý luyện.
Giang hồ cho rằng khi luyện Tịch tà kiếm pháp họ sẽ thành kiếm thủ vô địch, bất khả chiến bại. Nhưng trên thực tế, cả hai người luyện Tịch tà kiếm pháp thành thục là Lâm Bình Chi và Nhạc Bất Quần đều bị Lệnh Hồ Xung dùng Độc cô cửu kiếm đánh bại bằng việc tìm ra sơ hở của quá trình biến chiêu thức.
Video: Đông Phương Bất Bại đấu với 4 đại cao thủ.
Còn tiếp…
Quốc Tiệp (t/h)