Quách Tĩnh là nhân vật chính trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và là một trong những nhân vật quan trọng trong Thần điêu đại hiệp (Thần điêu hiệp lữ) của cố nhà văn Kim Dung, luôn được độc giả yêu mến bởi sự trung hậu, nghĩa khí và võ công cao cường.
Xuất thân và cuộc đời đầy thử thách
Quách Tĩnh là con trai của Quách Khiếu Thiên và Lý Bình. Sau khi cha bị sát hại bởi Hoàn Nhan Hồng Liệt, chàng lớn lên tại thảo nguyên Mông Cổ. Tên của Quách Tĩnh được đạo sĩ Khưu Xứ Cơ, phái Toàn Chân, đặt để nhắc nhở chàng và Dương Khang về mối nhục Tĩnh Khang của triều đại Tống.
Quách Tĩnh được mô tả là người mày rậm, mắt to, gương mặt vuông vức, tính tình hào sảng, dũng cảm và chân thành. Tuy nhiên, chàng cũng nổi tiếng với sự khờ khạo và vụng về trong giao tiếp.
Hành trình học võ công
Nhờ những duyên kỳ ngộ, Quách Tĩnh bái sư và học võ từ nhiều cao thủ:
Giang Nam thất quái: Những vị sư phụ đầu tiên truyền dạy cho Quách Tĩnh những kiến thức cơ bản về võ công.
Mã Ngọc Chân nhân: Đại sư huynh của Toàn Chân thất tử đã truyền thụ cho Quách Tĩnh bí quyết luyện nội công thâm hậu của phái Toàn Chân.
Hồng Thất Công: Thiên tài võ học Hồng Thất Công đã truyền thụ cho Quách Tĩnh tuyệt kỹ Hàng Long Thập Bát Chưởng, trở thành võ công trấn phái của Cái Bang.
Chu Bá Thông: Tại Đào Hoa đảo, Quách Tĩnh được Chu Bá Thông truyền dạy Song Thủ Hỗ Bác, Không Minh Quyền và thậm chí là Cửu Âm Chân Kinh.
Hàng Long Thập Bát Chưởng - Võ công trứ danh
Hàng Long Thập Bát Chưởng là môn võ công mà Quách Tĩnh sử dụng thành thạo nhất. Với sức mạnh nội công hùng hậu và sự rèn luyện bền bỉ, Quách Tĩnh đã phát huy tối đa uy lực của bộ chưởng pháp này, trở thành một trong những cao thủ hàng đầu võ lâm.
Khi đến tuổi trung niên thì có thể nói võ công của Quách Tĩnh đã đạt tới mức cao thủ hạng nhất. Trong thiên hạ khi đó, số người có thể đấu ngang ngửa Quách Tĩnh có lẽ không quá 5 người. Trong Thần điêu đại hiệp, Quách đại hiệp còn đảm nhận vai trò trụ cột bảo vệ thành Tương Dương vừa chống chọi rất nhiều binh sĩ Mông Cổ vừa đánh trả Kim Luân Pháp Vương (đại cao thủ của Mông Cổ), và nhiều lần một mình địch trăm người để bảo vệ thành Tương Dương.
Quốc Tiệp (t/h)