Trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của cố nhà văn Kim Dung, Quỳ Hoa Bảo Điển và Tịch Tà Kiếm Pháp là hai bí kíp võ công thượng thừa khiến nhiều cao thủ trong võ lâm mơ ước. Tuy nhiên, Giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo Nhậm Ngã Hành dù sở hữu Quỳ Hoa Bảo Điển, lại không hề luyện tập môn võ công này. Vậy từ đâu mà Nhậm Ngã Hành lại có Quỳ Hoa Bảo Điển?
Trước tiên phải nói về Nhật Nguyệt thần giáo, đây là một giáo phái lớn nhất thời điểm đó, được cho là đời sau của Minh giáo trong Ỷ thiên đồ long ký. Đóng quân ở Hắc Mộc Nhai, Nhật Nguyệt thần giáo bị các môn phái khác gọi là Ma giáo và xếp vào hàng tà phái. Tuy nhiên, đây cũng là phái tập hợp nhiều nhân tài, kỳ nhân dị sĩ, thường xuyên xung đột với các môn phái khác để đánh cắp bí kíp, làm suy yếu đối thủ.
Trước thời đại Tiếu ngạo giang hồ, có hai cao thủ của phái Hoa Sơn là Nguyên Mẫn Túc (tổ sư phe Khí tông) và Chu Tử Phong (tổ sư phe Kiếm tông) cùng đến Nam Thiếu Lâm, không rõ bằng cách nào đã đọc lén được Quỳ Hoa Bảo Điển rồi mang về Hoa Sơn tu luyện. Tuy nhiên, mâu thuẫn về việc giải thích sách đã dẫn đến chia rẽ phái Hoa Sơn thành hai trường phái là Khí tông coi trọng việc rèn luyện nội công và Kiếm tông chú trọng rèn luyện kiếm chiêu. Hậu quả là hai phe tranh chấp, dẫn đến chém giết lẫn nhau.
Kết cục của việc này là mười đại trưởng lão Nhật Nguyệt thần giáo tiến đánh Ngũ nhạc kiếm phái và kéo đến Hoa Sơn quyết chiến. Dù đa số các trưởng lão Nhật Nguyệt thần giáo bị giam lại và giết chết, vẫn có vài người cướp được bộ Quỳ Hoa Bảo Điển đem về Nhật Nguyệt thần giáo.
Chính nhờ điều này mà giáo chủ đời sau của Nhật Nguyệt thần giáo, Nhậm Ngã Hành, mới có Quỳ Hoa Bảo Điển trong tay. Tuy nhiên, Nhậm Ngã Hành nhận thức rõ những tác hại khôn lường của môn tuyệt học này nên đã không tu luyện.
Như vậy, Quỳ Hoa Bảo Điển đến tay Nhậm Ngã Hành qua nhiều biến động trong giang hồ. Tuy nhiên, vì những lý do riêng, Nhậm Ngã Hành đã không lựa chọn luyện tập môn võ công này, mà tu luyện Hấp Tinh Đại Pháp do mình sáng tạo ra.
* Bài viết này là góc nhìn của tác giả. Bạn đọc có thể có những suy nghĩ và ý kiến khác.
Quốc Tiệp