Kiểm ngư Việt Nam: Nỗ lực ngăn chặn khai thác IUU

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 3, 17/12/2024 17:39

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản không chỉ nhằm tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC mà còn mở ra cơ hội tăng cường xuất khẩu.

Chiều 17/12, Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Trong năm 2024 Cục Kiểm ngư cơ bản đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng được giao, đóng góp đáng kể trong việc thực thi pháp luật thủy sản, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động nghề cá, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền biển, đảo.

Hàng trăm tàu cá vi phạm bị xử phạt

Báo cáo tại hội nghị, ông Dương Văn Cường - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, tính đến hết tháng 11/2024 Chi cục Kiểm ngư Vùng I, V đã thực hiện 21 chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và 6 chuyến tuần tra của xuồng kiểm ngư.

Qua đó kiểm tra 948 tàu cá, trong đó 931 tàu cá Việt Nam và 17 tàu cá nước ngoài; phát hiện 130 lượt tàu vi phạm, trong đó 110 tàu cá Việt Nam, 20 tàu cá nước ngoài vi phạm. Số tiền đã xử phạt 6,7 tỷ đồng (chưa bao gồm số liệu của 5 chuyến tuần tra tháng 12/2024 đang thực hiện nhiệm vụ trên biển).

Kiểm ngư Việt Nam: Nỗ lực ngăn chặn khai thác IUU- Ảnh 1.

Ông Dương Văn Cường - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư.

Đối với hoạt động kiểm ngư địa phương, Cục đã tổ chức hơn 380 chuyến tuần tra, kiểm tra hơn 6.600 tàu cá, trong đó xử phạt hơn 720 tàu cá với số tiền xử phạt khoảng 14 tỷ đồng.

Đối với hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật trên biển Bộ Quốc phòng đã phát hiện, tuyên truyền, nhắc nhở tàu mất tín hiệu VMS trên biển gần 48.000 lượt tàu; yêu cầu gần 12.000 lượt tàu hoạt động gần ranh giới với các nước không xâm phạm vùng biển nước ngoài; kêu gọi nhắc nhở 477 lượt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài quay trở lại vùng biển Việt Nam.

Ông Dương Văn Cường cho biết, năm 2024, Cục Kiểm ngư đã hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch, đề án, chương trình và văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của Cục góp phần quản lý nghề cá bền vững, có trách nhiệm, chống khai thác IUU.

"Lực lượng kiểm ngư trung ương đã có hiện diện dân sự, thực hiện chấp pháp tại vùng biển Vịnh Bắc bộ, Tây Nam bộ, qua đó bảo vệ ngư dân khai thác hợp pháp trên biển, ngăn chặn tình trạng khai thác IUU, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển", ông Cường nhấn mạnh.

Kiểm ngư Việt Nam: Nỗ lực ngăn chặn khai thác IUU- Ảnh 2.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản không chỉ nhằm tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC mà còn mở ra cơ hội tăng cường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc phối hợp thực thi pháp luật thủy sản trên biển, chống khai thác IUU với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả; đặc biệt là mở các đợt cao điểm tuần tra, duy trì hệ thống tàu trực sẵn sàng thường xuyên trên biển để ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các quốc gia khác…

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cũng nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế như việc triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Đội tàu kiểm ngư chậm so với năm 2023. Nguyên nhân là do việc xây dựng nội dung nhiệm vụ, kế hoạch chưa sát, cần điều chỉnh và công tác điều hành ngân sách nhà nước năm 2024 có nhiều nội dung mới hoặc vướng mắc.

"Công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước đối với kiểm ngư địa phương chưa đảm bảo hiệu quả do tổ chức kiểm ngư địa phương mặc dù đã được lập tại 28 tỉnh/thành phố ven biển nhưng mô hình tổ chức chưa thống nhất", ông Cường nói.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ thường trực chống khai thác IUU mặc dù rất quyết tâm, nỗ lực, nhưng đến nay Việt Nam chưa gỡ được cảnh báo Thẻ vàng của EC. Nguyên nhân là do còn một số nhiệm vụ, mục tiêu chưa hoàn thành so với yêu cầu của EC, cần thời gian và nguồn lực để triển khai thực hiện.

Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm có nhiều chuyển biến

Ông Nguyễn Văn Thức, đại diện Chi đội Kiểm ngư số 3, cho biết: "Chi đội Kiểm ngư số 3 được giao nhiệm vụ quản lý vùng biển từ Đèo Ngang (tỉnh Quảng Bình) đến Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định)".

Từ tháng 11/2023 đến tháng 12/2024, đơn vị đã triển khai 13 đợt với 33 lượt tàu thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU. Đồng thời, các lực lượng cũng thường xuyên trực tại khu vực biển trọng điểm, kết hợp tuần tiễu, trinh sát, kiểm tra và kiểm soát tình hình ngư trường. Nhờ những hoạt động này, Chi đội đã kịp thời ngăn chặn tình trạng tàu cá nước ngoài khai thác trái phép tại vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Thức thẳng thắn chia sẻ một số khó khăn còn tồn tại. "Vùng biển quản lý rất rộng, trong khi lực lượng chức năng hoạt động tại thực địa lại mỏng, dẫn đến việc kiểm soát trên biển còn hạn chế", ông nói. Ngoài ra, điều kiện sóng gió khắc nghiệt cũng gây trở ngại lớn trong công tác tuyên truyền trực tiếp, buộc lực lượng phải chủ yếu dựa vào các hình thức tuyên truyền gián tiếp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực". Đây là minh chứng cho sự chấp hành nghiêm ngặt hơn các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Thủy sản năm 2017, mặc dù tổ chức thực hiện tại một số địa phương vẫn chưa thật sự nghiêm túc.

Trong công tác bảo tồn, việc thả rạn nhân tạo đã góp phần tăng cường đa dạng sinh học và nhanh chóng phục hồi nguồn lợi thủy sản. Hoạt động thả cá, tái tạo giống cũng được thực hiện rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống người dân.

Kiểm ngư Việt Nam: Nỗ lực ngăn chặn khai thác IUU- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Về công tác chống khai thác IUU, Thứ trưởng đánh giá, Bộ NN&PTNT đã có những bước đi thực chất và sâu sát hơn. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Ngoài các biện pháp răn đe, hình thức tuyên truyền và giáo dục cũng được đẩy mạnh, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đã có 31 vụ vi phạm được xử lý lưu động, tại chỗ, giúp hạn chế tối đa các đường dây móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép) cũng giảm mạnh từ hơn 17.000 chiếc xuống còn hơn 1.600 chiếc và sẽ tiếp tục giảm.

Tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép) cũng giảm mạnh từ hơn 17.000 chiếc xuống còn hơn 1.600 chiếc.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản. "Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản không chỉ nhằm tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC) mà còn mở ra cơ hội tăng cường xuất khẩu. Đây là giải pháp quan trọng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa tận dụng nguồn tài nguyên biển một cách hiệu quả và bền vững", Thứ trưởng Tiến nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.