Thực hiện các quy định, cơ chế, công cụ, biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đánh giá môi trường chiến lược đối với 1 dự án chiến lược, quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với gần 250 dự án đầu tư; tổ chức kiểm tra, xác nhận hoàn thành việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với 80 dự án, làm căn cứ cho phép dự án được vận hành chính thức; phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết đối với hơn 30 cơ sở đang hoạt động (trước đây chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt). Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, Bộ cũng đã phê duyệt 4 phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
Bộ cũng đã cấp mới, điều chỉnh và cấp lại Giấy phép quản lý chất thải nguy hại đối với 24 doanh nghiệp; cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm đối với hơn 16 đơn vị; xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với 73 đơn vị; chỉ định tổ chức đủ điều kiện giám định phế liệu đối với 2 đơn vị; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường đối với 61 tổ chức.
Công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường được triển khai tập trung, có trọng điểm tại 13 tỉnh, thành phố (Cà Mau, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Phòng; Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Lâm Đồng, Hải Dương, Ninh Bình). Hiện nay, đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở trên địa bàn 2 tỉnh: Hà Nam, Bắc Ninh. Đối với các đoàn thanh tra đã tổ chức trong năm 2016, đã hoàn thành việc ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 81.214 tỷ đồng và 825 kết luận thanh tra.
Tính đến hết tháng 10/2017, đã có 400/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đạt tỷ lệ 91,1%, 209/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg cơ bản hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường, đạt tỷ lệ 44%.
Kiểm soát ô nhiễm môi trường các khu vực tập trung nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường
Đối với các khu, cụm công nghiệp, bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng bộ hệ số phát thải phục vụ kiểm soát khí thải đối với một số ngành công nghiệp chính ở Việt Nam; điều tra, thống kê, kiểm kê nguồn khí thải công nghiệp cho các ngành xi măng, nhiệt điện, lò hơi công nghiệp, thép và hóa chất trên toàn quốc; tính toán kiểm kê khí thải cho 5 ngành công nghiệp chính tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong 10 tháng đầu năm 2017, đã có 9 KCN hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nâng tỷ lệ các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 78% (so với 75% của năm 2016); 33 KCN đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, nâng tỷ lệ các KCN có thiết bị quan trắc nước thải tự động đạt 41% (so với 29 % của năm 2016); 16 CCN hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nâng tỷ lệ các CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 9% (so với 6,1% của năm 2016).
Đối với khu vực làng nghề và nông thôn, Bộ tiếp tục triển khai Đề án bảo vệ môi trường làng nghề. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường làng nghề trong cả nước để kịp thời theo dõi, tổng hợp các thông tin có liên quan. Tích cực đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM); lồng ghép nội dung xử lý triệt để một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; đôn đốc các địa phương bố trí kinh phí và đẩy mạnh thực hiện công tác BVMT trong xây dựng NTM; xây dựng sổ tay hướng dẫn xây dựng NTM cấp xã giai đoạn 2016-2020 trong đó có các nội dung quy định về điều kiện BVMT làng nghề theo các tiêu chí môi trường trong xem xét, công nhận NTM; phối hợp với bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017 - 2020 tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 26/5/2017.
Đối với các lưu vực sông, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tích cực triển khai 3 Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, hệ thống sông Đồng Nai; tổ chức các đoàn khảo sát tình hình thực hiện Đề án tại các tỉnh trên các lưu vực sông; kiểm tra tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các tỉnh trên lưu vực sông Trà Khúc; xây dựng kế hoạch chuẩn bị tổ chức Phiên họp của Ủy ban BVMT các lưu vực sông; triển khai hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp quản lý các nguồn nước thải lớn, quản lý ô nhiễm lưu vực sông; thực hiện điều tra, thống kê nguồn thải, xác định các điểm nóng về môi trường, phân vùng môi trường; xây dựng hệ thống thông tin môi trường; tuyên truyền, phổ biến về bảo vệ môi trường lưu vực sông. Trong tháng 10/2017, đã tổ chức Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, tại tỉnh Hải Dương.
Xử lý các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường
Trong 10 tháng đầu năm 2017, Bộ đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, xử lý được hơn 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường (bao gồm: vụ việc xuất hiện vệt màu đỏ tại cảng Vũng Áng và Sơn Dương, Hà Tĩnh; vụ việc đổ chất thải trái phép ra ruộng lúa của người dân thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội; vụ việc xả thải gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công bãi xỉ nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân I; vụ việc khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai gây cá chết hàng loạt; vụ việc cá chết trôi vào bờ biển ở xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; vụ việc nhiều cơ sở sản xuất tại Cụm Công nghiệp Tân Hồng, tỉnh Hải Dương ồ ạt xả thải khiến sông Bắc Hưng Hải ô nhiễm nghiêm trọng, cá chết hàng loạt; hoạt động tái chế chất thải của Công ty TNHH Vạn Lợi (có cơ sở tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) gây ô nhiễm môi trường; vụ việc tôm hùm nuôi chết tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên;...
Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị đang hoạt động xử lý chất thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội; vụ việc một số tàu hút bùn đất từ Cảng biển Nghi Sơn và đổ thải tại vùng biển gần bờ giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa gây ô nhiễm môi trường biển; vụ việc hải sản chết nhiều tại khu vực ven biển xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương và xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; vụ việc nhiều tàu chở nix thải mất tích...; hiện tượng cá chết tại Đập Hố Chuối và hồ nuôi cá tại thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngoài ra, Bộ cũng chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đã thành lập và duy trì thường xuyên Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Dự án Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam (Trong tháng 10/2017 đã tổ chức Đoàn công tác do Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam), thường xuyên báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả giám sát; tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An,…
Tiếp tục thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình khắc phục các lỗi vi phạm và việc cho phép Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) vận hành thử nghiệm, trong năm 2017 đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra trực tiếp tại Công ty, tổ chức nhiều buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng như đã tham mưu tổ chức Hội đồng giám sát liên ngành để đánh giá kết quả khắc phục các lỗi vi phạm của FHS và xem xét việc cho phép FHS vận hành thử nghiệm trong tháng 5/2017.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác khắc phục, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường gây ra tại các tỉnh ven biển miền Trung như: tham gia các Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tại 4 tỉnh; tham gia Tổ công tác liên ngành với nhiệm vụ đánh giá, xác nhận kết quả phân loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại; xây dựng tài liệu tuyên truyền kết quả khắc phục hậu quả do sự cố môi trường.
Các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phục hồi môi trường và trồng rừng tại các vùng bị suy thoái nặng do chất độc hóa học
Đã xây dựng chương trình hành động của bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đang tiếp tục triển khai dự án xây dựng hành lang đa dạng sinh học kết nối các hệ sinh thái khu vực trung Trường Sơn tại 3 tỉnh Quảng trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam với tổng diện tích rừng trồng, phục hồi rừng là 6.000 ha, dự kiến hoàn thành năm 2019.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chương trình bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020. Triển khai hướng dẫn các địa phương rà soát, chuyển đổi và thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Trình Bộ trường ký ban hành Quyết định số 2456/QĐ-BTNMT ngày 10 tháng 10 năm 2017 về việc cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ nghiên cứu không vì mục đích thương mại nguồn gen hiếm của Viện Sịnh thái và Tài nguyên sinh vật.
Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị hoàn thiện hồ sơ, trình ban Thư ký Hiệp ước ASEAN hồ sơ đề cử khu Di sản ASEAN cho Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà và hoàn thiện các hồ sơ (bao gồm: Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Vườn Quốc gia Ngọc Linh (Kon Tum), Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát (Tây Ninh), Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) đề cử khu Di sản ASEAN để chuẩn bị trình Ban thư ký ASEAN xem xét công nhận trong năm 2017; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ trao bằng công nhận Khu di sản ASEAN cho Vườn quốc gia Bái Tử Long nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Đa dạng sinh học 2017. Thúc đẩy Ban thư ký Công ước Ramsar xem xét, công nhận Khu Ramsar Vân Long; phối hợp với Vườn quốc gia U Minh Hạ hoàn thiện hồ sơ đề cử của khu Ramsar U Minh Hạ. Xây dựng dự thảo mạng lưới các khu Ramsar ở Việt Nam nhằm tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin và nâng cao hiệu quả quản lý khu Ramsar ở Việt Nam. Trong tháng 10, đã tổ chức kiểm tra thực tế và thẩm định hồ sơ đề cử Vườn di sản ASEAN Bidoup Núi Bà trở thành Vườn di sản ASEAN; hướng dẫn 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về quy trình xây dựng hồ sơ, đề cử khu Ramsar và khu AHP.
Việc tổ chức thực hiện các dự án phục hồi môi trường và trồng rừng tại các vùng bị suy thoái nặng do chất độc hóa học tiếp tục được các Bộ, ngành và địa phương thực hiện lồng ghép trong Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 44 - 45% vào năm 2020.
Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án quản lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường
Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã đầu tư và xây dựng các khu liên hợp xử lý chất thải rắn có quy mô lớn như Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 (Hà Nội). Rà soát, thực hiện 53 dự án di dời, cải tạo phục hồi môi trường, xử lý ô nhiễm từ nước rỉ rác và áp dụng kỹ thuật chôn lấp hợp vệ sinh tại các bãi rác thuộc đối tượng công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương; triển khai các dự án xây dựng 07 khu xử lý chất thải rắn liên tỉnh với tổng kinh phí 9.683 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tại các địa phương, tính đến nay đã có 56 dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung được hoàn thành. Đặc biệt, trong thời gian qua, đã có gần 20 chương trình, dự án thu gom, xử lý chất thải rắn tại các địa phương được thực hiện từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi với tổng kinh phí hơn 400 triệu USD. Đến nay, trên phạm vi cả nước có 10 nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào vận hành, tăng 37% so với năm 2014. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 5% so với năm 2014.
Tiếp tục hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 5 địa phương (Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Trị) để triển khai 24 dự án xử lý các điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV với tổng kinh phí là 88,351 tỷ đồng; đến nay đã có 5/24 dự án đã hoàn thành xử lý.
Thực hiện Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, hiện nay bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổng hợp, xây dựng và đề xuất 30 bãi rác và 70 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV đặc biệt nghiêm trọng cần ưu tiên xử lý trong giai đoạn 2016-2020 trong danh mục các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích giai đoạn 2016 – 2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo monre.gov.vn