Ngày 13/5, ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được diễn ra tiếp nối, dưới sự chủ trì của Bộ Tài nguyên & Môi trường, phối hợp cùng UNDP và Bộ Ngoại giao Na Uy.
Những con số đáng báo động
Phát biểu từ Hội nghị, bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn của con người, đồng thời là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Tuy vậy, biển cả và đại dương hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.
Đây không chỉ là vấn đề lớn, phức tạp ở quy mô, phạm vi, mà về cả mặt tri thức, hiểu biết, cũng như quá trình phát sinh, phát tán, biến đổi, đặc biệt là tác động đến các hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường, hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.
Ô nhiễm rác thải nhựa và ô nhiễm rác thải đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT cho biết ô nhiễm nhựa là đã điều nghiêm trọng, nhưng chưa phải tất cả.
Bởi, khi rác thải nhựa được vận chuyển ra biển, dưới tác động của các điều kiện khắc nghiệt môi trường nước biển, quá trình chuyển hoá và tác động vật lý khác, nhựa sẽ biến thành những vi nhựa (micro plastic), thậm chí là siêu vi nhựa (nano plastic). Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ hệ sinh thái, đi vào chuỗi thức ăn và ảnh hưởng tới trực tiếp sức khỏe của con người.
Theo con số thống kê từ Bộ TN&MT về chỉ số tiêu thụ nhựa ở mỗi dân Việt Nam cho thấy, con số này tăng khá nhanh, từ 3,8kg/người/năm (1990), đã tăng lên đến 54kg/người/năm vào năm 2018. Trong đó, cũng đã ước tính ra tỉ lệ trên 37% sản phẩm bao bì, trên 29% là đồ gia dụng.
Bên cạnh đó, việc xả rác nhựa bừa bãi cùng với những hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp cùng số lượng rác thải trôi dạt từ đại dương khác tới vùng ven biển và hải đảo của nước ta đang ở mức báo động.
Trước thực trạng đó, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới trong Chính sách Pháp luật về BVMT, cùng những hành động thiết thực điển hình như thông qua Luật BVMT sửa đổi, trong đó, luật hoá các nội dung liên quan đến quản lý, tái sử dụng, tái chế, và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa. Bên cạnh đó, còn ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Nhiệm vụ của thế kỷ
Một lần nữa nhấn mạnh, bà Hằng cho rằng: “Đây là thời điểm để chúng ta hành động và chung tay giải quyết những vấn đề cấp bách về rác thải nhựa đại dương".
Với tinh thần, đó, thay mặt Bộ TN&MT, bà kêu gọi tất cả, đặc biệt là lãnh đạo các nước sẽ cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, giải pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương trong bối cảnh phục hồi sau Covid-19.
Từ đó, hướng tới những thỏa thuận toàn cầu về giải quyết vấn đề này, xây dựng cơ chế tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên đất liền và biển cả.
Ở góc độ đóng góp ý kiến từ quốc tế, bà Mona Aarhus Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý biển và Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Khí hậu và Môi trường Na Uy chỉ ra: “Chấm dứt rác thải nhựa là một nhiệm vụ quan trọng của Thế kỷ này”.
Với tư cách là một quốc gia mong muốn đóng góp vào công cuộc chung của thế giới, Na Uy nhận thấy đây cũng là một điểm mấu chốt đối với sức khỏe và an ninh lương thực của nhân loại.
Để giảm thiểu vấn đề này, bà Mona cho rằng, chúng ta cần chủ động tìm hiểu những tác động của rác thải nhựa, từ đó tăng cường khả năng xử lý, phòng ngừa khủng hoảng về mặt môi trường. Bên cạnh đó, chúng ta cần có cách tiếp nhận chu trình, toàn bộ vòng đời sản phẩm nhựa một cách tổng hợp và toàn diện, chuyển từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn.
Mặt khác, bà thông tin thêm, đại dương đã và đang phải chịu gánh nặng và cho thấy nhiều hệ lụy từ vấn đề BĐKH, thất thoát, suy giảm sinh học và ô nhiễm. Từ đó, đem đến nhiều áp lực cho mọi khía cạnh của sự phát triển chung.
Giới chuyên gia ước tính rằng, việc sản xuất nhựa, dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới, do vậy đòi hỏi quá trình xử lý rác thải nhựa phải ngày một mạnh mẽ và quyết liệt hơn từ các góc độ bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ sức khỏe của con người.
Hơn nữa, nhựa cũng đóng góp vào lượng khí phát thải GHG (khí nhà kính) rất cao, cũng như lượng CO2 thải ra môi trường. Một điều hiển nhiên, ô nhiễm nhựa cũng gây nên sự tổn thất về tính đa dạng sinh học, với đời sống của các loài thuỷ sinh, sinh vật biển.
Do đó, đại diện Na Uy đưa ra đề xuất, các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, tái chế nhựa cần được các quốc gia theo dõi chặt chẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.
Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu được diễn ra hai ngày 12-13/5, với chủ đề “Giải pháp cho một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu” nhằm: thảo luận các cơ hội chính trong việc thúc đẩy, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển cũng như các thách thức chính của khủng hoảng COVID-19, biến đổi khí hậu và ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.
Từ đó, xác định cơ hội thúc đẩy hành động bảo vệ các hệ sinh thái biển với mục tiêu phục hồi kinh tế biển và phát triển kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng và quốc gia dễ bị tổn thương; trao đổi kinh nghiệm, các thực tiễn tốt và kết quả nghiên cứu nhằm đẩy mạnh việc chia sẻ kiến thức về kinh tế biển bền vững thành công, các chiến lược và hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị là diễn đàn huy động hợp tác quốc tế thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế biển Việt Nam.
Đây là Hội nghị quốc tế quan trọng, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, đặc biệt là trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu.