Nhận diện tuổi qủa sầu riêng qua tiếng gõ
Những ngày này, các vườn sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang vào mùa thu hoạch. Đây cũng là thời điểm những người làm nghề gõ sầu riêng kiếm bộn tiền. Bằng việc nghe tiếng kêu phát ra từ mỗi quả sầu riêng đã giúp cho nhiều người mang về nguồn thu nhập 2 triệu đồng mỗi ngày. Để hiểu hơn về công việc độc lạ này, PV Người Đưa Tin tìm đến một số vườn sầu riêng trên địa bàn xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).
Hành nghề gõ sầu riêng nhiều năm nay, anh Trần Văn Hứa (SN 1980, trú xã Tân Phong, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết, mỗi loại sầu riêng sẽ có tuổi thu hoạch khác nhau. Với sầu riêng đô na, có độ tuổi từ 120-130 ngày là có thể thu hoạch được; còn sầu ri6 thì chỉ cần 100 ngày là thu hoạch.
Để trở thành người thợ chuyên nghiệp như hôm nay, cách đây khoảng 6 năm, anh Hứa phải đi theo những người đi trước rong ruổi khắp các địa phương như: Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Lắk để phụ giúp và học hỏi kinh nghiệm trong một thời gian dài.
Bên cạnh đó, anh Hứa còn đầu tư, góp vốn cùng với một số người đi thu mua sầu riêng từ các vườn của người dân để tự cắt và trải nghiệm thực tế. Anh Hứa tâm sự: “Có lần, tôi và một số người quen góp vốn đi thu mua sầu riêng và trực tiếp vào các vườn cắt để trải nghiệm nghề gõ sầu. Tuy nhiên, do mọi người chưa có kinh nghiệm, cắt nhầm sầu riêng non nên phải trả giá đắt với việc bị lỗ số tiền hơn 1 tỷ đồng. Thế nhưng, chính những lần thất bại ấy đã giúp bản thân tôi được đúc kết được nhiều kinh nghiệm, kiến thức quý báu và đến nay có thể tự tin gõ 100% trái sầu đạt tuổi thu hoạch”.
Nói dứt lời, anh Hứa cầm con dao thái nhỏ cán vàng thoăn thoắt leo lên cây sầu riêng cao gần chục mét để nhận diện tuổi của mỗi quả sầu. Dừng lại trên một cành sầu riêng chi chít trái, anh Hứa dùng cán dao chầm chậm gõ vào từng quả sầu riêng. Với đôi tai thính của người làm nghề, ngay khi nghe tiếng bộp bộp phát ra từ quả riêng, anh Hứa lập tức quay lưỡi dao lại để cắt quả sầu rồi nhanh tay ném xuống cho người chụp dưới đất.
Lý giải về điều này, anh Hứa chia sẻ: “Tiếng bộp bộp cho thấy bên trong quả sầu riêng đã rỗng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc quả sầu đã già và đến tuổi thu hoạch. Còn trường hợp khi gõ mà nghe tiếng boong boong thì cho thấy quả sầu còn non và chưa đủ tuổi để thu hoạch”.
Cùng với việc nghe tiếng, anh Hứa cho hay, người làm nghề còn cẩn trọng quan sát màu gai và vỏ của mỗi quả sầu riêng. Nếu gai và vỏ của quả sầu riêng đã ngã sang màu sậm thì cho thấy quả đã già, đến tuổi thu hoạch. Ngoài ra, những người thợ gõ còn cẩn trọng nếm cơm trước khi bước vào thu hoạch mỗi vườn sầu riêng.
“Trước khi thu hoạch một vườn sầu riêng, những người thợ như chúng tôi thường vào vườn tìm cắt một quả để kiểm tra cơm. Nếu cơm sầu riêng có màu vàng, ăn thấy có bột và vị ngọt thanh thì cho thấy quả sầu đã đạt độ tuổi khoảng 130 ngày. Qua đó cho thấy, vườn sầu riêng đó đã đến thời điểm thu hoạch”, anh Hứa phân tích.
Thành quả xứng đáng sau những vất vả, thách thức
Với kinh nghiệm dày dặn, nhiều năm nay, anh Hứa được các thương lái ở các tỉnh miền Tây thuê đi các tỉnh gõ sầu riêng để thu hoạch. Công việc này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những người thợ gõ, với số tiền 2 triệu đồng mỗi ngày, mỗi năm thu nhập từ 200-400 triệu đồng (chưa trừ chi phí ăn uống, đi lại). Nguồn thu nhập này cũng đã giúp cho gia đình của những người thợ gõ sầu riêng từng bước cải thiện cuộc sống.
Thế nhưng, công việc tưởng chừng đơn giản ấy cũng đối diện với không ít thách thức, nguy hiểm. Anh Trần Văn Hải (38 tuổi, trú tỉnh Tiền Giang) cho hay, nghề gõ sầu riêng cũng như bao nhiều nghề khác, cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
“Mỗi cây sầu riêng có độ cao khác nhau. Quá trình leo lên cây để gõ sầu riêng, người thợ đối diện với không ít hiểm nguy. Nếu không qua sát kỹ lưỡng, trèo trúng cành khô, mục thì rất dễ dàng đối diện với những tai nạn lao động nghiêm trọng, thương tích đầy mình. Do đó, chúng tôi rất thận trọng trong từng bước chân của mình khi leo lên cây và phải lựa những cành sầu riêng chắc, khỏe và đã được neo dây mới đặt chân lên để đảm bảo an toàn”, anh Hải nói.
Không chỉ vậy, nếu chẳng may cắt nhầm những quả sầu riêng chưa đạt độ tuổi, còn non thì người thợ buộc phải bồi thường cho thương lái, thậm chí phải mua lại toàn bộ số sầu riêng non đã cắt nhầm. Do đó, người thợ gõ luôn phải nêu cao trách nhiệm trong công việc, mỗi người phải cố gắng học hỏi kinh nghiệm mỗi ngày để gõ, hái chuẩn những quả già, đủ độ tuổi, bảo đảm chất lượng hàng.
Ngoài nghề gõ, hái sầu riêng, công việc chụp quả sầu riêng cũng giúp cho nhiều người có nguồn thu nhập ổn định. Anh Trần Quốc Bình (18 tuổi, quê tại tỉnh Tiền Giang) cho biết, từ năm 2019 đến nay, anh đi theo người thân để hành nghề chụp quả sầu riêng trong mùa thu hoạch, đồng thời qua đó cũng từng bước học hỏi kinh nghiệm gõ, hái sầu riêng.
Theo anh Bình, nghề “hứng” sầu riêng dễ học nhưng nếu không lành nghề dễ bị tai nạn nghề nghiệp. Để để bảo an toàn, người chụp sầu riêng phải dùng bao tay vải để tránh xây xát da tay chảy máu”. Đồng thời, phải có kỹ thuật để đoán định chính xác vị trí quả sầu riêng từ trên cao rớt xuống nhằm tránh tình trạng xác định nhầm vị trí khiến quả sầu riêng rơi trúng người.
Nói về thu nhập từ công việc chụp sầu riêng, Bình phấn khởi cho biết: “Tôi được trả công 600-700.000 đồng/ngày. So với các nghề lao động khác thì đây cũng là mức giá ổn định, giúp chúng tôi có động lực gắn bó với nghề”.
Khánh Ngọc