Người dân hoang mang vì kiến độc
Chị Nguyễn Thị Hoa (ở Văn Lâm, Hưng Yên) kể: Con trai chị đi thả trâu ngoài bãi, vô tình giẫm phải chất nhầy gì đó, về nhà, cả vùng da dưới chân nổi ngứa li ti, bị loét, lở... Chị Hoa đã mua kem chống dị ứng da về bôi vào chân cho con nhưng không khỏi. Sau đó, chị Hoa đưa con đến bệnh viện chuyên khoa da liễu khám và được các bác sĩ cho biết, cháu giẫm lên chất nhầy của loài kiến ba khoang tiết ra, dẫn đến những triệu chứng như trên.
"Rất may, tôi đưa con đến bệnh viện khám chữa kịp thời, nếu không sẽ bị dị ứng, viêm nhiễm da và có thể bị hoại tử chân" chị Hoa nói.
Bác Dương Thị Thanh, người cùng làng với chị Hoa, cho biết thêm, ngoài đồng, ở khu dân cư, có nhiều kiến ba khoang “hoành hành". Tuy nhiên, tất cả người dân đều chủ quan và nghĩ đó là loại kiến lửa thông thường (vì nó khá giống với con kiến lửa ở quê) nên không để ý nhiều đến nó.
Một số người trong thôn giẫm vào chất nhầy kiến thải ra, lông kiến, bị ngứa, mẩn cứ nghĩ bị bệnh zona thần kinh nên đã tự ý ra hiệu thuốc tây mua thuốc về sử dụng. Thế nhưng, qua vài ngày sử dụng thuốc thấy bệnh tình không khỏi họ mới đến các cơ sở chuyên khoa da liễu khám và điều trị.
Kiến ba khoang đang xuất hiện ở nhiều nơi, gây hoang mang cho người dân.
Độc hơn nọc độc của rắn hổ mang?
Bác sĩ Đỗ Xuân Khoát, trưởng khoa Da liễu, bệnh viện 19-8 (bộ Công an) cho biết, "kiến ba khoang" là cách gọi thông dụng của người dân, vì nó có hình dạng giống loài kiến (kiến thuộc bộ cánh màng). Thực ra, nó có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Colleoptera (cánh cứng). Loài côn trùng này có ba khoang trên thân gồm: Màu đen - đỏ hoặc vàng nhạt - đen, dài khoảng 5 -7mm. Kiến ba khoang thường bay vào nơi có ánh sáng xanh. Khi phát hiện kiến ba khoang là thủ phạm gây ra bỏng rát trên da, con người nghĩ rằng chúng rất hung dữ và cần tiêu diệt.
Thực tế, chúng không chủ định tấn công con người. Lông của kiến vương vãi khắp nơi chúng sinh sống hoặc đi xa hơn do bay theo gió, người vô tình chạm phải sẽ bị ngứa, mẩn đỏ da như phát ban, gây dị ứng da, thậm chí là phồng rộp, tróc da tức thì.
Kiến ba khoang tiết ra chất nhầy ở mọi thời điểm, mọi lúc, nếu con người chạm phải chất nhầy này, sẽ rất độc. Bác sĩ Khoát cho biết, trên bụng của kiến ba khoang có hai tuyến độc, chứa chất pederin. Theo tài liệu nước ngoài, pederin là loại chất có độc tố cao gấp 13 - 14 lần độc tố của rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc với nọc độc của kiến ba khoang nhỏ và nếu chỉ tiếp xúc ở ngoài da thì khó gây chết người. Rắn cắn, phun trực tiếp nọc độc vào mao mạch, động mạch máu, nó di chuyển nhanh trong máu nên gây độc nhanh, khó cứu chữa, bị tử vong nhiều.
Thực tế, trường hợp bị kiến ba khoang đốt hoặc cắn thì không nguy hiểm như rắn cắn. Tất nhiên, người bị kiến cắn, đốt không đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời, cũng gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng.
Bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm, phó giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Kiến ba khoang không trực tiếp tấn công con người. Trong thân kiến ba khoang chứa chất axít. Do đó, khi tiếp xúc với da người, kiến ba khoang tự tiết ra chất độc để phòng vệ. Chất độc thấm vào da người sẽ gây ra phồng rộp, tiếp xúc ở mắt gây bỏng mắt hoặc mù tạm thời. Ngoài ra, trên thân thể kiến ba khoang còn có một số vi khuẩn cộng sinh sống và tiết ra chất gây kích ứng da khi tiếp xúc.
Nên mắc màn khi ngủ Bác sĩ Cảm cũng khuyến cáo, để phòng tránh, người dân cần cẩn trọng trong vệ sinh cá nhân, nơi ở, phải mắc màn trước khi đi ngủ để phòng tránh những tổn hại cho da từ những loài côn trùng, đặc biệt là kiến ba khoang. Với người dân ở những vùng nông thôn, hãy chú ý đến loài kiến này hơn, đừng nhầm lẫn nó với kiến lửa. Khi thấy con, em hoặc bản thân mình có các triệu chứng như trên đã nêu, hãy đến cơ sở y tế khám để được tư vấn, điều trị đúng phác đồ. Như vậy, sẽ không nguy hại đến sức khỏe và điều quan trọng hơn, tránh được lo lắng độc tố từ chất nhầy của kiến gây ra. |
Quỳnh Chi