Kiện chủ tịch vì… không phạt hàng xóm

Kiện chủ tịch vì… không phạt hàng xóm

Thứ 4, 24/04/2013 14:00

Một người dân đi kiện yêu cầu tòa buộc chủ tịch phường ra quyết định xử phạt hành chính đối với hàng xóm vì bán cà phê lấn chiếm hẻm chung nhưng bị tòa trả đơn, từ chối thụ lý. Vụ việc đang gây nhiều tranh cãi…

Gần đây, TAND một quận tại TP.HCM đã quyết định trả lại đơn, không thụ lý vụ bà NTH kiện chủ tịch UBND phường nơi bà đang ở vì không xử phạt hành chính những người kinh doanh nước giải khát trong hẻm ngay phía đối diện nhà bà gây mất trật tự, ồn ào...

Khiếu nại hàng xóm bán cà phê lấn hẻm

Theo đơn khởi kiện của bà H., gia đình bà ở chung hẻm, đối diện với nhà bà P. Từ tháng 10-2007 đến nay, bà P. cho người chị chồng bán quán cà phê cóc trước cửa nhà. Từ đó, theo bà H., ngoài việc hẻm chung bị hộ bà P. lấn chiếm bày bàn bán cà phê và để xe, suốt ngày bà cùng các hộ dân khác trong hẻm còn không được yên tĩnh nghỉ ngơi vì “tiếng đập đá, tiếng nói chuyện huyên náo, tiếng chửi thề bát nháo, tiếng xỏ xiên, tiếng cãi nhau”…

Bà H. và em trai đã nhiều lần khiếu nại lên phường. Giữa tháng 9-2012, UBND phường tổ chức cuộc họp để giải quyết chuyện quán cà phê cóc này. Tại cuộc họp, hộ bà P. cam kết sẽ dọn dẹp, không lấn chiếm lòng, lề đường nữa. Chủ tịch UBND phường cũng kết luận là hộ bà P. chỉ được bán cà phê trong nhà, không được bày bàn ra lấn chiếm hẻm.

Tuy nhiên, sau đó hộ bà P. không thực hiện theo cam kết. Bức xúc, bà H. tìm gặp chủ tịch UBND phường, được hứa sẽ giải quyết nhưng hộ bà P. vẫn không chịu dọn quán vào trong nhà. Một tháng sau, em trai bà H. đến gặp phó chủ tịch UBND phường. Phó chủ tịch UBND phường đã cùng thanh tra xây dựng đến quán cà phê để kiểm tra.

Pháp luật -  Kiện chủ tịch vì… không phạt hàng xóm

Nhưng rồi mọi chuyện vẫn như cũ, đến nay quán cà phê cóc này vẫn “ngang nhiên tồn tại, lấn chiếm hẻm, gây ồn ào”.

Vì vậy, bà H. khởi kiện yêu cầu tòa buộc chủ tịch UBND phường xử phạt hành chính việc lấn chiếm hẻm, kinh doanh trái phép của hộ bà P.

Tòa bác đơn

Sau khi nhận đơn kiện của bà H., TAND quận đã nghiên cứu và quyết định trả lại đơn, từ chối thụ lý. Theo tòa, bà H. không có quyền khởi kiện vì chuyện xử lý của UBND phường đối với hộ bà P. không liên quan trực tiếp cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân bà H.

Không đồng tình, bà H. khiếu nại. Mới đây, chánh án TAND quận đã ra quyết định giải quyết khiếu nại, khẳng định việc tòa trả lại đơn khởi kiện là có căn cứ bởi bà H. không có quyền khởi kiện hành chính trong trường hợp này.

Ý kiến trái chiều

Từ vụ việc trên, một vấn đề được đặt ra: Bà H. có quyền khởi kiện hành vi hành chính của người có thẩm quyền đối với người khác hay không? Bởi lẽ trong thực tiễn xử án hành chính, xưa nay người dân chỉ đi kiện khi quyết định, hành vi hành chính có liên quan trực tiếp, có ảnh hưởng trực tiếp tới mình, chẳng hạn quyết định thu hồi, đền bù giải tỏa đất đai, quyết định xử phạt trong lĩnh vực thuế, hải quan… Còn ở đây lại là trường hợp người dân đi kiện để buộc người có thẩm quyền phải thực hiện một hành vi hành chính đối với người khác.

Chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia và nhận được hai luồng quan điểm trái ngược.

Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), ở đây có việc chủ quán cà phê cóc vi phạm lấn chiếm hẻm, kinh doanh trái phép như bà H. khiếu nại nhưng chủ tịch phường đã không làm một việc đáng lẽ phải làm là xử phạt hành chính. Chuyện không xử phạt chủ quán cà phê cóc ít nhiều vẫn có liên quan đến bà H. bởi bà sống trong hẻm đó, việc đi lại, sinh hoạt sẽ bị ảnh hưởng từ việc lấn chiếm hẻm của quán cà phê.

“Do đó, việc khởi kiện của bà H. cần phải được tòa hoan nghênh, tiếp nhận nhằm thúc đẩy cơ quan hành pháp thực hiện việc quản lý theo luật định, tránh sự chây ì, vô cảm đối với nỗi lo của người dân” - Thẩm phán Hùng khẳng định.

Ngược lại, kiểm sát viên cao cấp Đỗ Đức Vĩnh (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) nhận xét việc tòa trả đơn trong trường hợp này là đúng vì bà H. khởi kiện hành vi hành chính mà chủ tịch phường không thực hiện đối với người khác chứ không phải đối với bà. Trường hợp của bà H. là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước chứ không nằm trong lĩnh vực tố tụng hành chính. Ở đây, nếu chủ tịch phường không xử lý theo thẩm quyền thì bà có quyền khiếu nại, tố cáo lên UBND quận.
 
Những vụ kiện vì “chuyện chung”
 
Năm 2011, bà TNT khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Long An buộc Sở Công Thương tỉnh này thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của DNTN M. Theo bà T., DNTN M. có kho chứa gas gần nhà bà. Kho này không đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy nhưng Sở Công Thương tỉnh vẫn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Việc kinh doanh gas như vậy không an toàn, có khả năng gây hỏa hoạn, ảnh hưởng đến mọi người dân trong khu vực.
 
Tháng 4-2012, TAND tỉnh Long An đã đình chỉ giải quyết vụ án bởi qua xác minh thì Sở Công Thương tỉnh này đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cấp cho kho gas của DNTN M. từ trước khi bà T. khởi kiện.
 
Năm 2010, ông L. khởi kiện UBND một quận ở TP.HCM vì “cấp giấy hồng sai, hợp thức hóa phần đất lấn chiếm công cộng” cho ông H. (hàng xóm sát bên). TAND quận này sau đó trả đơn, từ chối thụ lý.
 
Theo ông L., năm 1991, nhà ông được Sở Nhà đất TP cấp giấy hồng, trong đó ghi nhận vị trí phía tây và bắc giáp một con mương công cộng có chiều ngang khoảng 1 m, chiều dài bằng chiều dài của nhà ông và nhà ông H. Sau đó ông H. cố tình lấn chiếm mương. Ông L. khiếu nại nhưng phường không giải quyết. Đến năm 2003, con mương trên biến mất. Ông L. tìm hiểu thì biết trong quá trình làm giấy hồng, ông H. đã được cấp luôn phần diện tích con mương công cộng này.
 
Kiện được
 
Không thể nói sự việc này không liên quan đến bà H. nên bà không được khởi kiện. Về thực tiễn, việc mua bán lấn chiếm lòng, lề đường sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bà H. nói riêng và những hộ dân khác trong cùng hẻm nói chung. Trong khi đó, trách nhiệm của phường là quản lý trật tự, an ninh tại địa phương. Vì vậy, theo tôi, việc trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp này là không thỏa đáng.
 
Luật sư HOÀNG CAO SANG, Đoàn Luật sư TP.HCM
 
Chỉ có thể khiếu nại
 
Người khởi kiện trong án hành chính phải là người có quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm, có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho tòa và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Với những quyết định, hành vi hành chính không liên quan trực tiếp nhưng có khả năng gây ảnh hưởng gián tiếp cho cá nhân hoặc gây hại cho lợi ích chung, theo tôi người dân chỉ có quyền khiếu nại theo Luật Khiếu nại chứ không có quyền khởi kiện theo Luật Tố tụng hành chính.
 
Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC, Bố Trạch (Quảng Bình)
 
Theo Hoàng Yến ( PL TP HCM)
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.