Chị Lê Thị Lệ Hà (phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đang dở khóc dở mếu khi bị Văn phòng Công chứng (VPCC) Cần Thơ chứng nhầm người khiến chị mất oan uổng 300 triệu đồng. “Khi công an có kết luận điều tra, tôi thấy VPCC Cần Thơ có lỗi trong việc công chứng không đúng đối tượng gây thiệt hại cho tôi nên tôi mới quyết định kiện họ. Đeo đuổi vụ kiện gần ba năm trời nhưng rồi theo bản án dân sự phúc thẩm thì tôi chẳng những không lấy được tiền mà còn phải đóng 15 triệu đồng tiền án phí. Tôi tức quá đến nỗi không ngủ được. Nếu công chứng viên (CCV) không công chứng hợp đồng thì làm sao tôi dám bỏ tiền ra cho người ta mượn” - chị Hà tức tưởi.
Công chứng nhầm người giả danh
Năm 2010, chị Hà được một người giới thiệu nhận thế chấp của Lý Kiếm Hiệp hai giấy đỏ đứng tên Lý Văn Hưng (cha Hiệp) để cho vay 300 triệu đồng. Hai bên đến VPCC Cần Thơ làm hợp đồng chuyển nhượng hai thửa đất của ông Hưng để sau thời hạn vay mà Hiệp không trả được tiền thì chị Hà sẽ làm thủ tục cấp giấy chủ quyền. Đến khi đi sang tên theo thỏa thuận thì chị mới phát hiện ông Hưng ký tên tại VPCC là ông Hưng giả! Chị đã tố cáo người môi giới và sau đó Lý Kiếm Hiệp cùng ba người khác bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chị Hà đã mất ngủ sau khi bị tòa bác yêu cầu đòi CCV bồi thường thiệt hại. Ảnh: N.NAM
Bản kết luận điều tra ngày 6-10-2010 của Công an quận Cái Răng nêu: Trong hồ sơ ông Hưng có đơn cớ mất giấy CMND. Đúng ra CCV phải đối chiếu ảnh, chữ ký của ông Hưng trong đơn cớ mất để so với người đóng giả ông Hưng và chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng đất với bà Hà thì sẽ phát hiện chữ ký và con người trên có nhiều điểm không giống nhau. Theo khoản 4 Điều 35 Luật Công chứng, nếu có sự nghi ngờ thì CCV tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định để đảm bảo công chứng đúng với đối tượng được công chứng. Dựa trên phân tích này, cơ quan điều tra nhận định “VPCC Cần Thơ chưa thực hiện đúng quy định trên của Luật Công chứng dẫn đến công chứng không đúng đối tượng yêu cầu công chứng, tạo điều kiện cho Lý Kiếm Hiệp cùng đồng bọn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Hà số tiền 300 triệu đồng. Nếu có yêu cầu CCV bồi thường thiệt hại thì bà Hà làm đơn khởi kiện ra tòa để được xử lý trong vụ án khác”.
Sơ thẩm: Thắng, phúc thẩm: Thua
Cũng trong tháng 10-2012, chị Hà đã khởi kiện VPCC để đòi bồi thường 300 triệu đồng (+ tiền lãi phát sinh từ lúc chị giao số tiền này cho bên bán đất vào tháng 10-2010 đến nay). Xử sơ thẩm ngày 30-10-2012, TAND quận Cái Răng nhận định VPCC có lỗi trong vụ việc giống như phần trích dẫn nêu trên của cơ quan cảnh sát điều tra nên phải có trách nhiệm đối với việc thực hiện công chứng hợp đồng của mình. Lại nữa, tại cơ quan cảnh sát điều tra, CCV cũng có lời khai: “Nếu phía những người có hành vi gian dối chiếm đoạt thì phải khắc phục lại hậu quả, nếu không khắc phục được thì phía công chứng chịu bồi thường theo Luật Công chứng”. Theo đó, CCV có thể yêu cầu những người liên quan hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt bằng một vụ án khác. Trên cơ sở này, tòa án quận tuyên VPCC phải bồi thường cho nguyên đơn 300 triệu đồng do công chứng hợp đồng không đúng chủ thể. Ngoài ra, VPCC không phải trả lãi phát sinh theo như yêu cầu của nguyên đơn.
Tuy nhiên, xử phúc thẩm hôm 28-6-2013, TAND TP Cần Thơ đã sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu của nguyên đơn đòi VPCC bồi thường 300 triệu đồng. Theo HĐXX, chị Hà có quyền yêu cầu được hoàn trả tài sản đã bị chiếm đoạt và đòi bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự có bị cáo Lý Kiếm Hiệp theo bản án hình sự sơ thẩm của TAND quận Cái Răng nhưng đang bị kháng cáo chờ xét xử phúc thẩm. Tòa này nhận định, số tiền chị Hà bị chiếm đoạt đang được xem xét trong một vụ án hình sự. “Trong khi vụ án chưa được xử lý xong chị lại khởi kiện dân sự và cấp sơ thẩm tuyên VPCC bồi thường 300 triệu đồng là không đúng vì số tiền này không phải là thiệt hại mà là tiền bị chiếm đoạt. Trong trường hợp này, với sai sót trong hoạt động công chứng nêu trên là lỗi vô ý, VPCC Cần Thơ phải bồi thường thiệt hại theo phần nhưng chỉ tính thiệt hại thực tế đối với thời gian bị chiếm dụng số tiền 300 triệu đồng” - bản án phúc thẩm nêu.
Luật sư NGUYỄN THANH LƯƠNG, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bến Tre: Thiệt thòi khi tách vụ án dân sự riêng Theo tôi, việc người bị hại tự tách vụ án để yêu cầu bồi thường thiệt hại về mặt dân sự là không nên. Ở đây, về mặt tố tụng là không sai nhưng phần thiệt thòi sẽ nghiêng về bà ấy, đồng thời làm mất quyền khắc phục hậu quả xin giảm nhẹ tội của các bị cáo trong vụ án hình sự. Trong vụ án này, số tiền 300 triệu đồng không phải là tiền thiệt hại mà là tiền bị chiếm đoạt đúng như tòa phúc thẩm đã nhận định. Khi xét xử vụ án dân sự, số tiền này đã được VKS TP Cần Thơ xác định là tiền bị bốn người chiếm đoạt. Như vậy, đây không phải là tiền bị thiệt hại để yêu cầu bồi thường mà nó đã trở thành tiền tang vật của vụ án hình sự. Lẽ ra, bà Hà nên chờ vụ án hình sự được xét xử và bấy giờ bà sẽ tham gia tố tụng với hai tư cách: vừa là người bị hại vừa là nguyên đơn dân sự để yêu cầu bốn bị cáo và cả VPCC phải liên đới bồi thường số tiền 300 triệu đồng mà bà bị chiếm đoạt. Trên cơ sở đó, tòa án sẽ xem xét mức độ và phân xử ai phải trả lại số tiền này cho bà. TS LÊ TIẾN CHÂU, Vụ trưởng - Trưởng cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM: Lỗi tới đâu bồi thường tới đó Nguyên tắc phát sinh bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là phải có thiệt hại xảy ra. Khi xác định mức độ bồi thường thì phải dựa trên lỗi của người vi phạm và cần phải phân biệt lỗi cố ý hoặc vô ý. Nếu CCV khi công chứng hợp đồng mà không biết được giấy tờ và người đi công chứng là hai người khác nhau hoặc chỉ là sơ suất trong nghiệp vụ và không ngờ được việc công chứng của mình có khả năng gây thiệt hại thì là lỗi vô ý. Nếu lỗi cố ý thì phải bồi thường toàn bộ nhưng nếu lỗi vô ý thì chỉ bồi thường một phần tương ứng với lỗi gây ra. Trong trường hợp VPCC đã mua bảo hiểm thì đối với lỗi vô ý, phần bồi thường này do bảo hiểm lo liệu. KIM PHỤNG ghi 8 năm tù là mức hình phạt mà tại phiên xử phúc thẩm ngày 15-7 TAND TP Cần Thơ đã dành cho bị cáo Lý Kiếm Hiệp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc giả người đi công chứng bán đất. Ba bị cáo còn lại (trong đó có hai bị cáo kháng cáo) mỗi người bảy năm tù. Đây là mức án mà tòa cấp sơ thẩm đã tuyên. Riêng phần trách nhiệm dân sự của các bị cáo, do người bị hại không yêu cầu nên tòa sơ thẩm không đặt ra giải quyết, còn tòa phúc thẩm chỉ xét xử trong phạm vi kháng cáo xin giảm án của các bị cáo. Người bị hại có thể kiện các đối tượng lừa đảo Tôi thụ lý vụ kiện của chị Hà khi những đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tiền của chị đang được xem xét để xử lý hình sự. Theo tôi, vụ kiện của chị Hà là quan hệ tranh chấp hợp đồng công chứng. Người ta kiện VPCC làm sai, làm không đầy đủ theo quy định của Luật Công chứng cho nên người ta yêu cầu VPCC bồi thường. Như vậy, vụ kiện này xử hành vi của CCV công chứng sai dẫn đến thiệt hại cho chị Hà chứ không phải tranh chấp bồi thường thiệt hại do hành vi lừa đảo của các bị cáo gây ra. Với bản án dân sự phúc thẩm đã nêu trên, giờ chị Hà vẫn còn cách đi kiện các bị cáo để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Dù các bị cáo đang chấp hành hình phạt tù thì tòa vẫn xử được bình thường. Tòa án vẫn có thể lấy lời khai của các bị cáo trong trại giam hoặc căn cứ trên các lời khai của bị cáo trong hồ sơ vụ án hình sự trước đây đã thu thập. Thẩm phán THÁI MỸ NHUNG (TAND quận Cái Răng), chủ tọa phiên tòa dân sự sơ thẩm |
Theo Nhẫn Nam (Pháp luật Tp HCM)