Kiện CSGT vì cho rằng phạt sai

Kiện CSGT vì cho rằng phạt sai

Thứ 4, 25/09/2013 08:32

Cho rằng máy đo nồng độ cồn của CSGT không cho ra kết quả nhưng vẫn bị xử phạt, một người đã kiện trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an TP.HCM. Đại diện VKS cho rằng chưa đủ cơ sở để giải quyết triệt để vụ án nên yêu cầu tòa hoãn xử.

Chiều 24-9, theo yêu cầu của đại diện VKS và luật sư của người bị kiện, TAND TP.HCM đã quyết định hoãn phiên xử vụ ông Lư Quang Vinh kiện trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an TP.HCM về việc thổi phạt nồng độ cồn sai. Phiên xử dự kiến sẽ được mở lại vào ngày 30-9 tới.

Thổi bảy lần không có kết quả?

Trình bày tại tòa, ông Vinh nói đêm 22-1-2013, Đội CSGT Tân Sơn Nhất buộc ông đo nồng độ cồn trong hơi thở. Nhưng qua bảy lần đo, máy đo chỉ thể hiện dòng chữ “Alcolizer LE Tester, S/No 03491035, Slcolizer LE Tester”. Vì vậy, ông đã xin CSGT cho lấy xe và giấy phép lái xe ra về nhưng CSGT không giải quyết mà buộc ông phải ký vào biên bản chưa ghi nồng độ cồn.

Ông Vinh không đồng ý ký vào biên bản thì CSGT nổ máy xe ông chạy về hướng sân bay Tân Sơn Nhất mà không giao cho ông bất kỳ biên bản nào. Ngày hôm sau đến trụ sở Đội CSGT Tân Sơn Nhất, ông mới biết mình có một bản đo vi phạm nồng độ cồn và buộc phải ký vào. Cùng ngày, ông đã khiếu nại đến đội trưởng Đội CSGT này nhưng không được giải quyết.

Pháp luật - Kiện CSGT vì cho rằng phạt sai

CSGT tiến hành đo nồng độ cồn của người điều khiển xe máy. Ảnh minh họa: H.YẾN.

Ông Vinh cho rằng sau khi bị giữ, xe ông bị gãy dè trước, mất mũ bảo hiểm và hư bình ắcquy. Nay ông khởi kiện yêu cầu tòa hủy quyết định quyết định xử phạt vi phạm ông do CSGT lập và bồi thường thiệt hại các khoản như tiền xử phạt 750.000 đồng, phí giữ xe trong 109 ngày, tiền xe ôm đi lại trong những ngày xe bị giữ và tước bằng lái, tổng cộng hơn 23 triệu đồng.

Ngược lại, vị đại diện của trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an TP.HCM đã không chấp nhận các yêu cầu của ông Vinh. Theo vị này, thời điểm lúc xử phạt ông Vinh là cao điểm trong đợt chống tội phạm vào buổi tối. Việc xử lý người có nồng độ cồn là rất khó nên CSGT rất hạn chế làm. Tuy nhiên, vì ông Vinh có vi phạm nên CSGT mới tiến hành kiểm tra.

Vị đại diện này khẳng định không thể có việc thổi bảy lần không cho ra kết quả và đem theo máy đo nồng độ cồn cho mọi người cùng xem. Theo vị này, ngày xảy ra sự việc là do ông Vinh tự ý bỏ đi. “Trình bày như người khởi kiện thì chả khác gì chúng tôi ăn cướp à. Nói vậy là vu khống cho chúng tôi”  - vị này tỏ vẻ bức xúc.

Thiếu người trực tiếp xử lý và nhân chứng

Đối đáp lại, ông Vinh đã yêu cầu tòa cho người thổi thử để xem thiết bị của CSGT có đảm bảo hay không nhưng tòa không chấp nhận, nói là không cần thiết. Ông Vinh tiếp tục khẳng định lại là ngày đó ông không say và máy đo nồng độ cồn của CSGT qua bảy lần đo vẫn chưa ra được kết quả cụ thể. Lý do ông bỏ về không ở lại chờ giải quyết dứt điểm vụ việc là do CSGT lấy xe của ông chạy trước.

Ông Vinh lập luận: “Nếu say rượu thì tại sao đến thời điểm này, tôi vẫn nhớ rõ ràng từng sự vụ”. Mặt khác, ông cho rằng quyết định xử phạt của CSGT không ghi rõ căn cứ nào trong Nghị định 34 hay 71 của Chính phủ để áp dụng xử phạt nên vô hiệu. Trước đó, ông đã từng khởi kiện hành vi giữ xe không có quyết định của Đội CSGT Tân Sơn Nhất tại TAND quận Phú Nhuận, sau đó rút đơn khởi kiện thì mới nhận được quyết định xử phạt này.

Trong phần xét hỏi với đại diện VKS, đại diện người bị kiện thừa nhận trong trường hợp này CSGT có “non nghiệp vụ, chứng cứ xác định vi phạm chưa chắc”. Ngoài ra, người ký quyết định xử phạt là phó trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an TP.HCM, theo luật là không đúng thẩm quyền nếu không có ủy quyền. Về việc này, đại diện người bị kiện cho biết “có thể bổ sung sau”.

Luật sư của người bị kiện đã yêu cầu dừng phiên xử để người bị kiện bổ sung giấy ủy quyền hợp lệ và triệu tập người CSGT trực tiếp xử lý trường hợp của ông Vinh tại hiện trường đến tòa để làm rõ sự việc.

Đồng tình, đại diện VKS cũng cho rằng chưa đủ cơ sở để giải quyết triệt để vụ án. Mặt khác, trong vụ án có hai nhân chứng có lời khai trong hồ sơ (một cán bộ công an phường, một người đi đường) nhưng không rõ họ có chứng kiến sự việc hay không. Cả hai nhân chứng đều có đơn xin không tham gia phiên tòa. Vì vậy, đại diện VKS đã đề nghị tòa triệu tập hai nhân chứng này để xem xét lời khai của họ có đảm bảo khách quan hay không.

Sau khi hội ý, tòa cho rằng việc không triệu tập người CSGT trực tiếp giải quyết sự việc và các nhân chứng đến phiên xử là không sai, không thiếu sót vì họ đã có lời khai trong hồ sơ. Tuy nhiên, cuối cùng tòa vẫn chấp nhận hoãn xử, dời lại đến ngày 30-9 như đã nói.

Theo Hoàng Yến (Pháp luật TP HCM)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.