Bắt đầu từ con số 0
Sinh năm 1984 tại Hà thành, cũng như bao bạn bè cùng lứa thời bấy giờ, ngay từ nhỏ Kiên đã rất thích đọc và sưu tầm các tác phẩm truyện tranh. Đến khi tốt nghiệp THPT, quyết định không tiếp tục học lên cao đẳng, đại học, Kiên bước chân vào trường đời để thử thách và tiếp tục theo đuổi tình yêu với truyện tranh của mình. Dù gặp không ít khó khăn khi vất vả mưu sinh và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ gia đình nhưng chàng trai trẻ vẫn không hề nản chí.
Khi ấy để có tiền trang trải cuộc sống Kiên vừa phải làm nhiều việc cùng lúc, vừa phải dành thời gian mày mò tự học. Kiên nhận làm về game, vẽ truyện tranh và đồ hoạ cho các công ty nước ngoài. Vì không theo học các trường chuyên ngành nên những kỹ năng và kiến thức anh có được đều là kết quả của một quá trình mày mò, tự trau dồi qua thực tế. Năm 22 tuổi, anh tham gia câu lạc bộ truyện tranh "Thánh Địa Manga" - một trong những câu lạc bộ truyện tranh đầu tiên của Việt Nam và bước đầu hiện thực ước mơ theo đuổi sáng tác truyện tranh chuyên nghiệp.
Trung Kiên (người đứng thứ 3, từ trái sang)
Năm 2009, hoạt động của câu lạc bộ Manga không còn mạnh mẽ như trước, đội ngũ nòng cốt rời đi, đa phần còn lại đều các em trẻ. Anh trở thành người gánh vác và cùng một số bạn trẻ trong câu lạc bộ thành lập một nhóm sáng tác truyện tranh. Nhóm của anh đã thu hút được nhiều bạn trẻ có cùng niềm đam mê, ý tưởng và bắt đầu đi vào hoạt động với những dự án vừa và nhỏ. Cũng trong năm này, một biến cố lớn xảy đến khiến anh quyết định mạo hiểm. Do làm việc quá sức và thức đêm nhiều, anh bị suy nhược cơ thể nặng và phải nhập viện gần 2 tháng. Thời gian nằm viện, anh nhận ra rằng mình cần phải làm gì đó để biến ước mơ bao năm thành hiện thực.
"Dù biết, có nhiều khó khăn trước mắt nhưng tôi vẫn hô hào mọi người thành lập công ty vì sợ sẽ không còn cơ hội để làm nữa, nếu cứ để tình trạng này sớm muộn câu lạc bộ sẽ tan rã. Trước đó, số lượng thành viên khá đông, sau khi tôi nằm viện, thành viên cũ chỉ còn 5 người", anh chia sẻ. Và kết quả là đến tháng 11/2009, công ty Idea Production của anh đã ra đời dựa vào số vốn tự đóng góp của các thành viên với slogan là "Vì một nền truyện tranh Việt Nam phát triển".
Đây cũng trở thành điểm hẹn của những cái đầu mộng mơ, đam mê từng đường nét màu sắc và luôn sẵn sàng bùng nổ những ý tưởng độc đáo.
Tồn tại bằng... niềm đam mê
Điều khó khăn mà ít ai có thể tưởng tượng là trong 4 năm kể từ khi đi vào hoạt động, các thành viên trong công ty đều phải làm các nghề khác để trang trải cuộc sống. Anh cho biết: "Chúng tôi nhận hợp đồng nhận từ các công ty game, nhận vẽ minh họa, vẽ truyện, vẽ cho các trang mạng… Để duy trì thì ổn định nhưng để trả lương thì không thể. Công ty chưa bao giờ trả lương cho ai trong 4 năm trời. Cái chúng tôi luôn cố gắng là duy trì "ngọn lửa" với truyện tranh. Mọi người vẫn tin tưởng đến ngày nay và không ai từ bỏ niềm đam mê. Điều đó chính là sợi dây gắn kết chúng tôi lại với nhau và cùng từng bước thực hiện giấc mơ định hình phong cách riêng cho truyện tranh Việt".
Khó khăn nhất là năm 2010, phong trào đọc và sáng tác truyện tranh đi xuống, số người bỏ nghề cũng nhiều. Kiên buộc phải đứng ra mở lớp đào tạo nguồn nhân lực, tự tìm thị trường và khuấy động phong trào. Bốn khóa mở ra với hơn 200 người nhưng cũng chỉ 10 người là có thể theo nghề, bởi theo anh Kiên, người vẽ truyện tranh phải kiêm nhiệm nhiều vai trò, tự là biên kịch, đạo diễn, diễn viên nên ngoài năng khiếu còn cần trí tưởng tượng và sự tinh tế.
Điều đáng nói là sau các khoá học, số người ở lại đầu quân cho công ty chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa phần các bạn trẻ chọn đi làm cho công ty khác hay chuyển sang vẽ game, vẽ hoạt hình. Thực tế, không phải, ai mê truyện tranh cũng đủ tâm huyết và kiên trì theo đuổi. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ dành cho truyện tranh trong nước còn nhiều khó khăn bởi truyện tranh nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường và tư duy về truyện tranh của người Việt.
Anh cho biết: "Truyện tranh Việt so với các nước khác chưa thể bằng. Nhật Bản đi trước ta 60 năm, họ bắt đầu từ những năm 40 sau chiến tranh và đến giờ, việc sáng tác với họ là cả một nền công nghiệp, mang lại hàng tỷ đô mỗi năm. Chúng ta mới bắt đầu chục năm trở lại đây và nghề sáng tác truyện tranh trong nước chưa phát triển. Những sản phẩm truyện tranh Nhật mang đến ảnh hưởng về văn hóa Nhật gây nên sự đồng hóa văn hóa. Người trẻ chấp nhận cách đọc của người Nhật và coi đó là thị hiếu. Trong khi đó mỗi năm các nhà xuất bản như Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB VH-TT nhập về hàng trăm đầu sách, bán tràn lan ngoài thị trường khiến cho truyện tranh trong nước tiêu thụ rất khó khăn. Vì sao Trung Quốc bảo hộ một năm chỉ được nhập bao nhiêu phim, bao nhiêu đầu sách, bao nhiêu game? Họ làm thế để giữ thị trường trong nước và quan trọng hơn là giữ được văn hóa".
Để tạo dấu ấn riêng, Trung Kiên cùng những người bạn của anh đang nỗ lực sáng tạo những tác phẩm mang đậm văn hoá Việt. Để làm được điều đó, họ đã ký họa và chụp lại tất cả những khung cảnh đã đi qua để làm tư liệu cho những bộ truyện tranh của mình và đưa vào đó những chi tiết gần gũi, thân thuộc với cuộc sống hàng ngày. Họ cũng sử dụng những sự kiện có thật trong lịch sử khi sáng tác để làm ra những sản phẩm mang dấu ấn Việt.
Những tác phẩm của Kiên và đồng nghiệp đã được ra mắt như: Hà Nội mùa đông năm 1946, Thuận Thiên và mới đây nhất là Next được độc giả trẻ đón nhận nồng nhiệt, đã chứng minh hướng đi họ chọn là đúng và đó cũng là sự cổ vũ tinh thần mạnh mẽ cho những bạn trẻ đam mê sáng tạo.
Loan Thanh