Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh tập trung triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là các chính sách về tài khóa, tiền tệ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất công nghiệp, nhất là những nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong tham mưu cấp thẩm quyền tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc và khơi thông các điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất công nghiệp, chế biến xuất khẩu để giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, nhất là các công trình trọng điểm nhằm thúc đẩy, phát triển các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Mặt khác, tỉnh xử lý các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp gia hạn giấy phép khai thác đá cho các doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp triển khai đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao sản lượng khai thác và giá trị sản xuất công nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh tập trung xử lý các vướng mắc về cơ chế đầu tư đối với các khu công nghiệp trên địa bàn để thu hút và kêu gọi các dự án đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu.
Tỉnh hoàn chỉnh thủ tục về đầu tư cho cụm công nghiệp Long Thạnh (Giồng Riềng), Hà Giang (Tp.Hà Tiên), Bình Sơn (Hòn Đất) và các cụm nhà máy chế biến sâu về nông sản của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tại huyện Kiên Lương và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tại huyện Hòn Đất.
Ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, trong bối cảnh nhiều khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những tháng đầu năm tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 đạt hơn 49.496 tỷ đồng, đạt 102,7% kế hoạch, tăng 11,11% so với năm 2022. Các nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh tiếp tục ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là trụ đỡ, là động lực dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, chiếm 95,5% trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Ông Minh thông tin.
Theo đó, hầu hết các sản phẩm chủ lực của tỉnh có mức tăng trưởng dương khá cao so với năm 2022 như: Tôm đông 31,9%, giày da 28,8%, khai thác đá 16,6%, quần áo may sẵn 10,6%...
Quy mô sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và phục hồi ổn định ngành kinh tế này. Đến nay, các khu, cụm công nghiệp đã tu hút 27 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 8.288 tỷ đồng, trong đó, 21 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh đã giải quyết việc làm cho trên 13.000 lao động.
Ngoài ra, tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư quan tâm đăng ký đầu tư hạ tầng của 3 cụm công nghiệp là Hà Giang, Bình Sơn, Long Thạnh và đăng ký đầu tư 2 cụm nhà máy chế biến sâu về nông sản gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể là 2 dự án nhà máy chế biến sâu về nông sản của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tại huyện Kiên Lương và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tại huyện Hòn Đất.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nêu, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 còn nhiều khó khăn nhất định, tác động bất lợi đến tiến trình phục hồi của ngành công nghiệp.
Theo đó, tình trạng đóng băng thị trường bất động sản và giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhu cầu xây dựng nhà ở dân dụng còn thấp dẫn đến tình hình tiêu thụ, sản xuất của nhóm ngành khai thác và chế biến khoáng sản giảm, đạt thấp so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, nhóm ngành chế biến nông sản, thủy sản có bước tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng đối mặt với khó khăn về nguồn cung ứng nguyên liệu, bị thiếu hụt cục bộ, giá cả nguyên liệu biến động tăng, chi phí logistíc, chi phí sản xuất tăng cao và chính sách thắt chặt tín dụng của các ngân hàng thương mại đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Cùng đó, nhóm ngành giày da, may mặc chịu tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao ở các nước, đặc biệt ở các nước là thị trường xuất khẩu chính như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… khiến đơn hàng của doanh nghiệp bị co hẹp. Một số nhóm ngành hàng khác như: Bia, gỗ MDF, bao bì, gạch các loại tiếp tục có xu hướng giảm mạnh do chịu tác động từ tình hình giá cả đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ sụt giảm.