Ngày 16/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khởi động "Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả chung của đề án là nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%. Hiệu quả xã hội là 1 triệu hộ nông dân được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững. Hiệu quả môi trường là góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính (giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính).
Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả.
Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.
Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất cá nước, mỗi năm sản lượng lúa của Kiên Giang đạt trên dưới 4,5 triệu tấn. Về tình hình thực hiện, quy mô diện tích đăng ký tham gia đề án tại Kiên Giang là 200.000ha, được chia thành 2 giai đoạn.
Tỉnh triển khai ở 12 huyện, thành phố, gồm: Tân Hiệp, Giang Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án là hơn 596 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn tư nhân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, tổ chức, tiếp nhận cung cấp thông tin và triển khai Đề án trong năm 2024.